Xử lý nợ xấu không như mua mớ rau!

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) - đơn vị đang “ôm” hơn 226.000 tỉ đồng nợ xấu mua lại từ các tổ chức tín dụng - so sánh như vậy.

Phóng viên: Dù Ngân hàng Nhà nước cho biết nợ xấu đến cuối tháng 9-2015 đã giảm về dưới 3% nhưng thực chất, trong 226.000 tỉ đồng nợ xấu được VAMC mua giá gốc mới chỉ xử lý được 16.000 tỉ đồng. Có người gọi VAMC là “cái kho” chứa nợ xấu chứ chưa được giải quyết dứt điểm?

- Ông Nguyễn Quốc Hùng: Tất cả khoản nợ xấu trên thị trường được dồn vào một lúc trong khoảng thời gian gần 2 năm nên có người gọi là “cái kho” cũng đúng. Nhưng phải hiểu mục đích đưa nợ xấu về dưới 3% như nhằm khơi thông dòng cống tắc - một cái cống rất to bị tắc thì không thể thông ngay được mà phải xử lý từng bước. Câu chuyện nợ xấu ở đây cũng vậy.

Xử lý nợ xấu không như mua mớ rau! - 1

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng

Từ khi triển khai (tháng 12-2013 - PV) đến nay, tốc độ mua nợ xấu hơn 226.000 tỉ đồng là một khối lượng rất lớn. Mục tiêu ban đầu của VAMC là tập trung mua nợ xấu, bên cạnh việc tiến hành xử lý như cùng các tổ chức tín dụng phân loại, đánh giá nợ xấu. Do không đủ nhân lực nên chỉ phân loại đánh giá được khoảng 80.000 tỉ đồng và đã xử lý được hơn 16.000 tỉ đồng. Dự kiến, hết năm nay sẽ xử lý được khoảng 20.000 tỉ đồng. Đây là mức vượt cả kỳ vọng mà chúng tôi đặt ra.

Vì sao quá trình xử lý nợ xấu dứt điểm lại chậm như vậy?

- Xử lý nợ xấu không đơn giản như ra chợ mua mớ rau. Muốn xử lý thì phải hiểu nợ xấu là những khoản nợ vay của khách hàng không trả được kèm theo tài sản thế chấp. Con nợ không còn khả năng trả thì ngân hàng phải bán tài sản bảo đảm để trả nợ thay.

Trong tổng số 226.000 tỉ đồng nợ xấu VAMC đã mua, đa số là tài sản bảo đảm với khoảng 70% là bất động sản như nhà ở, dự án dở dang hoặc bất động sản tồn kho. Một số nợ xấu từ các doanh nghiệp đang túc tắc duy trì, có khó khăn nhưng nỗ lực để vượt qua thì VAMC sẽ cùng các tổ chức tín dụng khai thông như cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, tạo cơ hội cho doanh nghiệp sống lại…

Xử lý nợ xấu không như mua mớ rau! - 2

Trong tổng số 226.000 tỉ đồng nợ xấu VAMC đã mua, đa số là tài sản bảo đảm với khoảng 70% là bất động sản Ảnh: Tấn Thạnh

Phải phân loại xong mới xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Đây mới là khâu “trần ai” nhất, do Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ nên không thể mua một cục nợ rồi bán cả. Hiện nay, chỉ vài đơn vị như VAMC, DATC (của Bộ Tài chính) và AMC (của các tổ chức tín dụng) là có chức năng mua bán nợ… Ngay các tổ chức nước ngoài muốn “nhảy” vào cũng không được vì đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Vì thế, nhiệm vụ của VAMC chỉ là mua nợ và bán tài sản bảo đảm. Muốn vậy thì phải thu hồi tài sản nhưng nếu chủ tài sản không đồng thuận thì sao bán?

Ngay việc xử lý tài sản thế chấp cũng phải thông qua đấu giá, thẩm định giá khởi điểm nhưng chủ nợ muốn xử lý nhanh, còn con nợ thì nghĩ rằng nhà và đất của họ rất giá trị nên phải bán làm sao để thu được cả gốc và lãi. Dù có quy định cho phép cưỡng chế tài sản nhưng nếu con nợ không đồng ý thì cũng chịu.

Bản thân VAMC đang rất vướng, nếu không cẩn thận có thể phát sinh các lĩnh vực khác như khiếu kiện dân sự. Hoặc ngay cả việc nhà người dân đang ở là tài sản thế chấp nay cưỡng chế thì bố trí người ở trong nhà đó thế nào?

Rất nhiều trường hợp, khi tổ chức tín dụng, VAMC và khách hàng có tài sản thế chấp đồng thuận thì quá trình đưa ra đấu giá rất nhanh. Trong số 16.000 tỉ đồng đã xử lý được, đa phần là người dân vay nợ hợp tác. Chúng tôi đang vừa làm vừa rà soát, đánh giá và không thể xử lý ngay một lúc khoản nợ xấu khổng lồ mà yêu cầu là không dùng vốn ngân sách.

Vậy khi nào thì VAMC có thể xử lý xong khối lượng nợ xấu hơn 226.000 tỉ đồng này?

- Rất khó đưa ra thời gian cụ thể. Phải có thị trường mua bán nợ và khung pháp lý kèm theo rõ ràng. Chứ như giờ, nếu người dân có tài sản thế chấp nhưng không đồng ý bàn giao thì không thể phát mại và không biết bao lâu mới xử lý xong khoản nợ đó.

Nếu VAMC được trang bị một “thanh kiếm” để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, ông nghĩ điều gì cần nhất lúc này?

- Cái cần nhất là định giá khoản nợ và tiêu chí định giá khoản nợ. Đó được xem là hành lang pháp lý để bảo vệ những người xử lý nợ của VAMC. Bởi lẽ, hôm nay tôi làm nhưng 5 năm sau có thể bị chất vấn vì thiếu cơ sở pháp lý. Dù đã có luật nhưng rất nhiều người dân vẫn khiếu kiện việc không đồng ý dùng tài sản bảo lãnh để cấn trừ thay khoản nợ vay. Con nợ không đồng ý thì không cách nào cưỡng chế được, kết quả là giờ tồn đọng án thi hành nợ xấu cũng rất lớn.

Bên cạnh đó, phải có thị trường mua bán nợ và có thể cho cả nhà đầu tư nước ngoài tham gia nếu đủ điều kiện.

Trông chờ thị trường bất động sản ấm lên

“Tôi rất kỳ vọng thị trường bất động sản ấm lên vì như thế sẽ tốt cho nền kinh tế và việc thu hồi nợ xấu cũng như khách hàng có khả năng trả được nợ. Với tình hình thị trường và nhu cầu nhà ở thật sự của người dân rất lớn, nếu nhà nước có chính sách như miễn giảm lãi hoặc bàn giao đất cho doanh nghiệp nhà nước mua lại các khoản nợ xấu (là bất động sản đem thế chấp) rồi xây dựng nhà ở tái định cư, chung cư giá rẻ cho xã hội…, hiệu quả trong tương lai sẽ rất tốt. Nhưng trong điều kiện nền kinh tế như thế này thì rất khó” - ông Nguyễn Quốc Hùng nhận xét.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thái Phương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN