Xử lý nợ xấu cần có cơ chế phù hợp

Trao đổi với phóng viên, Tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ (DATC) trực thuộc Bộ Tài chính, ông Phạm Thanh Quang khẳng định, điều quan trọng trong xử lý nợ xấu của doanh nghiệp là cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp.

Thưa ông, nợ xấu của các tổ chức tín dụng ước tính hơn 200.000 tỷ đồng (trong đó chủ yếu là nợ của doanh nghiệp), trong khi DATC chỉ có vốn điều lệ 2.481 tỷ đồng. Vậy làm sao xử lý được nợ xấu?

Khi thành lập, DATC chỉ có 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ, trong quá trình hoạt động, chúng tôi đã bổ sung thêm vốn và hiện đã lên đến 2.481 tỷ đồng, đúng là quá nhỏ so với nhiệm vụ được giao là thực hiện mua nợ để tái cơ cấu doanh nghiệp. Song trên thực tế, chúng tôi đã tham gia tái cơ cấu hơn 100 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp trước khi tái cơ cấu có nợ quá hạn rất lớn, vốn chủ sở hữu gần như bị mất hết và đang đứng trên bờ vực phá sản, nhưng sau khi tái cơ cấu, nhiều doanh nghiệp đã ổn định và mở rộng hoạt động, sản xuất - kinh doanh có lãi, có nguồn để trả nợ.

Nhưng những doanh nghiệp mà DACT đã tham gia tái cơ cấu hầu hết thuộc loại nhỏ?

Chúng tôi đang tham gia tái cơ cấu Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) - một doanh nghiệp lớn nhất nhì trong ngành thủy sản. Đến thời điểm này, chúng tôi chưa phải bỏ ra đồng nào là nhờ vào việc hợp tác chặt chẽ với Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Trong quá trình tái cơ cấu Bianfishco, chúng tôi, SHB, Bianfishco, các cổ đông và chủ nợ đã có sự hợp tác, trao đổi, đàm phán xử lý nợ. Nhờ đó, tình hình sản xuất - kinh doanh của Bianfishco đã ổn định trở lại, duy trì được sản xuất và có tương lai để trả nợ dần. Tuy nhiên, đây chỉ là tái cơ cấu bước đầu.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác để tái cơ cấu Bianfishco với mục tiêu đặt ra là đưa Bianfishco, trở thành doanh nghiệp thuỷ sản hàng đầu Việt Nam. Điều này cho thấy, việc xử lý nợ xấu trong tái cơ cấu, nguồn vốn đúng là quan trọng, nhưng không phải là tối quan trọng. Điều quan trọng nhất là có cơ chế, chính sách phù hợp; cần sự hợp tác của các đối tác và bản thân doanh nghiệp được tái cơ cấu.

Ngoài Bianfishco, DATC sẽ tham gia xử lý nợ hàng loạt doanh nghiệp lớn khác. Với số vốn điều lệ chưa đến 2.500 tỷ đồng, DATC “xoay xở” thế nào, thưa ông?

Trong quá trình hoạt động, DATC buộc phải quy vòng đồng vốn nhanh nhất, hiệu quả nhất. Cụ thể, sau khi mua nợ, tham gia tái cơ cấu, doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại, chúng tôi tiến hành thoái vốn để thu hồi cả vốn lẫn lãi.

Hiện chúng tôi được giao tái cơ cấu Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam (Viseri). Theo phương án vừa được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, số tiền hơn 122.774 triệu đồng mà Viseri đang bị âm vốn chủ sở hữu sẽ được giao cho DATC xử lý, sau khi tái cơ cấu, chúng tôi tổ chức IPO để thu hồi vốn.

Tôi hy vọng, chỉ trong vòng 2 năm tái cơ cấu sẽ xử lý toàn bộ tồn tại phát sinh trong vòng 20 năm qua của Viseri. Ngoài Viseri, chúng tôi cũng đang nghiên cứu để tái cơ cấu nhiều doanh nghiệp cỡ lớn khác, mà trước mắt là Tập đoàn Thái Hoà hiện gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, cũng như vấn đề tài chính, với số nợ lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.

Sau vụ xử lý thành công với Bianfishco, chúng tôi đã tích luỹ thêm kinh nghiệm trong việc xử lý đối với những doanh nghiệp lớn, có cơ cấu nợ phức tạp. Tuy nhiên, để thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp lớn, cơ cấu nợ phức tạp, chúng tôi rất cần cơ chế, chính sách phù hợp.

Cụ thể là cơ chế, chính sách gì?

Tái cơ cấu doanh nghiệp, nếu chỉ có ngân hàng và DATC thực hiện thôi thì chưa đủ, mà cần có cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngoài quốc doanh, huy động mọi nguồn vốn trong xã hội tham gia quá trình này. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mạnh Bôn (Báo Đầu tư)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN