Vốn đâu cho "Quốc gia khởi nghiệp"?

Nếu các động thái cải cách chỉ dừng lại ở việc gỡ bỏ các rào cản về pháp lý với các doanh nghiệp mà không điều chỉnh tăng nguồn vốn đầu tư, thì cải cách kinh tế sẽ là vô nghĩa. Vậy, khi nào thì nguồn vốn đầu tư được rót tới các doanh nghiệp Việt Nam?

Vốn đâu cho "Quốc gia khởi nghiệp"? - 1

Giai đoạn 2011-2015 thì nợ công của Việt Nam có tốc độ tăng trung bình mỗi năm là khoảng 16,7%. (Ảnh minh họa)

Câu chuyện thiếu nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đang là một trong những vấn đề hóc búa nhất trong cuộc cải cách nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Đặc biệt là sau những con số thống kê mới nhất cho thấy tỷ trọng nguồn vốn vay nước ngoài của Việt Nam đang có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua. Vay vốn nhiều hơn nhưng dòng vốn chảy vào khu vực các DNNVV lại không có nhiều sự cải thiện đang cho thấy, nguồn lực của nền kinh tế vẫn chưa thực sự được nắn sang khu vực kinh tế tư nhân. Nếu các động thái cải cách chỉ dừng lại ở việc gỡ bỏ các rào cản về pháp lý với các doanh nghiệp mà không điều chỉnh tăng nguồn vốn đầu tư, thì cải cách kinh tế sẽ là vô nghĩa. Vậy, khi nào thì nguồn vốn đầu tư được rót tới các doanh nghiệp Việt Nam?

Những ngày gần đây, câu chuyện số tiền mà Việt Nam chi cho hoạt động quảng bá du lịch hàng năm chỉ bằng khoảng 2,5% so với Thái Lan, cụ thể là khoảng 2 triệu USD mỗi năm so với khoảng 100 triệu USD của Thái, đang là một trong những câu chuyện nhận được nhiều sự chú ý nhất. Lĩnh vực du lịch vốn được xem như một ngành công nghiệp không khói và là con gà đẻ trứng vàng của nền kinh tế Việt Nam, nhưng dường như con gà ấy đang được cho ăn quá ít, trong khi bị vắt kiệt bằng cách ép đẻ thật nhiều. Con số quá chênh lệch trong mức độ đầu tư, mà cụ thể ở đây là cho hoạt động quảng bá du lịch giữa Việt Nam và Thái Lan đang đặt ra một câu hỏi rằng vì sao một lĩnh vực có tiềm năng và tầm quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế Việt Nam lại nhận được số vốn đầu tư quá ít ỏi?

Câu chuyện chi 2 triệu USD mỗi năm cho hoạt động quảng bá du lịch cũng đang là vấn đề nan giải của khá nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, đó là nhận được quá ít nguồn vốn đầu tư từ phía chính phủ và Nhà nước, trong khi đây là những lĩnh vực có tiềm năng rất lớn. Nhất là khi tỷ trọng vốn vay của Việt Nam trong những năm gần đây có tốc độ gia tăng mạnh mẽ, theo thống kê trong giai đoạn 2011-2015 thì nợ công của Việt Nam có tốc độ tăng trung bình mỗi năm là khoảng 16,7%. Về lý thuyết, vay vốn nhiều hơn đồng nghĩa với việc số vốn đầu tư cho các lĩnh vực chủ chốt trong nền kinh tế cũng phải tăng lên đáng kể mới đúng. Nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại, vậy tiền đã đi đâu?

Tình trạng này cũng đang có dấu hiệu tái diễn kể cả trong một hoạt động đang được coi là có tầm quan trọng số một với nền kinh tế Việt Nam: kế hoạch cải cách nền kinh tế hiện nay của chính phủ. Dù một loạt các động thái mang tính hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các DNNVV nói riêng, chẳng hạn như Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp cùng với đó là các Nghị quyết 35 và Nghị quyết 19/2016 của chính phủ, thì thực tế là đến thời điểm hiện tại dòng chảy nguồn vốn đầu tư vẫn chưa được khơi dòng để chảy vào khu vực kinh tế tư nhân. Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có duy nhất một quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa được thiết lập, với tổng số vốn khoảng 2.000 tỉ đồng, và về lý thuyết là sẽ hỗ trợ khoảng 450.000 DNNVV trên toàn quốc hiện nay. Không cần phải sử dụng đến những tính toán phức tạp cũng có thể nhận ra, đó là một số vốn quá ít ỏi.

Con số 2.000 tỉ đồng trên thực tế là quá nhỏ, nếu như chúng ta đặt bên cạnh những dự án đang bị đắp chiếu như TISCO vốn đang bị đội vốn lên mức 7.000-8.000 tỉ đồng. Một công trình kém hiệu quả bị đắp chiếu lại có tổng vốn đầu tư cao gấp 4 lần tổng số vốn đang được dành để hỗ trợ cho cộng đồng DNNVV trên cả nước, mà theo tuyên bố của chính phủ là đóng vai trò động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong tương lai, thực sự là một nghịch lý lớn lao. Có thể hiểu rằng quỹ hỗ trợ các DNNVV trị giá 2.000 tỉ đồng kia mới chỉ là bước đi đầu tiên trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp của chính phủ mà thôi, nhưng chúng ta vẫn cần thừa nhận một thực tế là nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển của các doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn là quá ít.

Chẳng hạn như việc chính quyền TP.HCM vừa mới công bố một quỹ hỗ trợ cho các startup (các doanh nghiệp khởi nghiệp) trị giá khoảng 30 tỉ đồng và sẽ nâng lên thành 100 tỉ đồng vào năm sau. Việc một thành phố đóng vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước và đang rất muốn thúc đẩy phong trào khởi nghiệp lại chỉ có thể đưa ra một quỹ hỗ trợ khiêm tốn dưới 100 tỉ đồng, trong khi một đơn vị được kỳ vọng là sẽ giữ vai trò chủ đạo trong việc khuyến khích khởi nghiệp như Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) dù đang nắm giữ tới hơn 37.000 tỉ đồng của Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp lại đứng ngoài cuộc rõ ràng là một điều khó hiểu.

Một thực tế là dù Việt Nam đang rất khuyến khích phong trào khởi nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển mà điển hình là đề án “Quốc gia khởi nghiệp”, thì nguồn vốn cần thiết để thực hiện đề án này hiện vẫn dừng lại ở mức quá ít ỏi. Theo báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty tư vấn và quản lý kinh tế, đã chỉ ra một thực tế rằng: số vốn cần thiết để thực hiện đề án “Quốc gia khởi nghiệp” trong đó hướng tới thành lập thêm khoảng 500.000 DN từ nay đến năm 2020 ít nhất là khoảng 235.000 tỉ đồng đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra các DNNVV sẽ cần phải được tiếp cận một nguồn vốn lên đến khoảng 397.000 tỉ đồng từ các ngân hàng thương mại. Nói cách khác, để đề án “Quốc gia khởi nghiệp” có thể thành công thì nguồn vốn cần rót vào khu vực DNNVV từ nay đến năm 2020 sẽ là rất lớn, trong khoảng 200.000-400.000 tỉ đồng, thậm chí có thể sẽ còn tăng thêm khá nhiều vì đó mới chỉ là con số tính toán ở mức ít nhất có thể. 

Rõ ràng là, đây sẽ là một bài toán nan giải đang chờ đợi chính phủ giải quyết trong thời gian tới. Trong bối cảnh nợ công của Việt Nam đã sắp kịch trần ở ngưỡng 65% GDP và dẫn đến việc nguồn vốn vay sẽ suy giảm trong thời gian tới, trong khi nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển nền kinh tế lại đang có xu hướng teo tóp lại (chỉ còn khoảng 17% năm 2015), thì việc kiếm ra một nguồn vốn lớn đến thế để thực hiện đề án “Quốc gia khởi nghiệp” là không hề dễ dàng. Cơ may duy nhất để có thể kiếm được nguồn vốn khổng lồ này để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong nước, có lẽ là chính phủ sẽ buộc phải bán bớt các doanh nghiệp nhà nước như một động thái chuyển trọng tâm phát triển và phân bổ nguồn lực từ khu vực kinh tế quốc doanh sang khu vực kinh tế tư nhân như Nghị quyết đại hội Đảng XII đã đặt ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhàn Đàm (Một thế giới)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN