Vì sao đại gia Trầm Bê "hút" dư luận?

Giàu có, thành công, kỹ tính, kín tiếng, Trầm Bê và gia đình đủ sức gây tò mò cho bất cứ ai.

Trầm Bê thuộc số người ít xuất hiện trên báo chí. Số lần hiếm hoi ông Bê lên tiếng là vụ nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Nam Lê Anh Kiệt bị bắt và lần con trai Trầm Trọng Ngân bị bắt cóc đòi tiền chuộc 10 triệu USD...

Sự nghiệp vẻ vang

Trầm Bê sinh năm 1959, là người Việt gốc Hoa, là con cả trong một gia đình nghèo có 4 người con ở Trà Vinh. Tuổi thơ cơ cực đã giúp ông có một ý chí vươn lên, khát vọng làm giàu cho chính mình và xã hội.

Vì sao đại gia Trầm Bê "hút" dư luận? - 1
Đại gia Trầm Bê

Ông Trầm Bê bắt đầu sự nghiệp của mình tại Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh. Sau 10 năm làm trong ngành gỗ từ 1991 tới 2001, Trầm Bê bắt đầu tiến quân vào ngành bất động sản bằng việc đầu tư vào BCCI với vai trò là thành viên Hội đồng Quản trị (1999). Công ty của ông phất lên nhanh chóng, do bất động sản vào thời kỳ này như một miếng bánh béo bở.

Với khả năng tài chính hùng mạnh, đến thời khủng hoảng kinh tế, nhiều công ty bất động sản rơi vào bế tắc, phá sản, nhiều ông chủ giàu khó lâm cảnh khốn khó, nợ nần thì công ty Trầm Bê vẫn tăng trưởng doanh thu 66% và lợi nhuận 36% trong năm tài chính 2009-2010.

Đón đầu trào lưu xã hội hóa bệnh viện đang được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước, năm 2001, Trầm Bê cùng với bác sĩ Nguyễn Hải Nam và Lâm Trung Lương góp vốn để xây dựng bệnh viện Triều An. Đây được xem là một trong những bệnh viện tư nhân đầu tiên được Bộ Y Tế công nhận đa khoa chuyên sâu và có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Thế nhưng, có lẽ tài năng hơn người của Trầm Bê là việc ông nhạy cảm với những thị trường còn bỏ ngỏ, nhìn thấy tiềm năng để tạo ra thế độc quyền, chiếm lĩnh và hớt váng thị trường. Từ năm 2002 – 2004, Công ty Chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn do ông làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị chiếm lĩnh toàn bộ thị trường chiếu xạ thanh long tại Việt Nam. Mãi cho đến năm 2009, thế độc quyền này mới mất đi khi có nhà máy chiếu xạ thanh long thứ hai do Công ty Cổ phần An Phú đầu tư. Giá chiếu xạ thanh long do công ty này đưa ra cao gấp 4 lần so với giá chiếu xạ thanh long tại Thái Lan, nhưng các doanh nghiệp cũng phải chấp nhận.

Đó là câu chuyện của thời điểm. Nếu ở vào thời này, lịch sử xuất khẩu thanh long sang Mỹ sang trang, Mỹ mở cửa cho Việt Nam chuyển thẳng thanh long sang nước này rồi mới chiếu xạ thì chắc chắn ông Trầm Bê sẽ không bỏ một của cải công sức vào ngành này như hồi còn béo bở.

Sơn Sơn đã hưởng thế độc quyền trong thời gian dài 7 năm với mức hời ngọt ngào nhất có thể. Nhưng ở thời điểm đó thì dù có muốn cũng không một doanh nghiệp nào có đủ điều kiện về công nghệ cũng như tài chính để đầu tư nhà máy chiếu xạ, vốn rất tốn kém trong khi quy trình vô cùng phức tạp. Điều đó đủ sức chứng minh cho tính quyết tâm đeo đuổi mục tiêu đến cùng của Trầm Bê, mặt khác cũng cho thấy được năng lực tài chính của ông.

Ước đoán số tài sản của ông Bê khoảng 2.000 tỷ đồng căn cứ vào cương vị cổ đông chính của Ngân hàng Phương Nam và Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Triều An.

Ông Trầm Bê còn nắm khoảng chục công ty khác với số vốn hàng trăm tỷ đồng một công ty như: Công ty Hàm Giang, Sơn Sơn hay có cổ phần khá lớn trong Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCCI).

Một trong những công trình lớn được ông Trầm Bê đầu tư (thông qua Công ty TNHH Xây dựng Hàm Giang) là Cụm Cảng Long Toàn có số vốn khoảng 1.700 tỷ đồng, diện tích trên 170ha tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Dự án được khởi công vào đầu năm 2010.

Một dự án lớn khác là đầu tư 60 triệu USD để mua lại khu Cupertino Square, trước đây được biết dưới cái tên là Valco Fashion Park.

Trầm Bê quyết định dấn thân vào lĩnh vực tài chính với vụ thâu tóm Sacombank đình đám thời gian gần đây.

Trầm Bê đã tham gia đầu tư và trở thành thành viên Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Phương Nam vào năm 2004, là giai đoạn ngành ngân hàng Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc và trở thành ngành mang lại lợi nhuận “hot” nhất.

Phương Nam Bank đã đạt doanh thu trên 1.000 tỉ đồng cùng lợi nhuận ròng gần 200 tỉ đồng trong năm 2007. Trong khi đó, Sacombank là ngân hàng thuộc nhóm 1, có vốn điều lệ lớn thứ 7 trên tổng số 101 ngân hàng trên cả nước và hệ thống mạng lưới giao dịch chỉ đứng sau 4 ngân hàng thương mại quốc doanh.

Một thuận lợi là lượng cổ phiếu mà các nhân sự chủ chốt của Sacombank nắm giữ khá mỏng. Vì thế, việc muốn thay đổi cơ cấu cổ đông tại ngân hàng này cũng không phải là chuyện quá khó. Năm 2010, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank, nắm giữ trên 4%; ông Đặng Hồng Anh, con trai của ông Thành, 3,5%; bà Huỳnh Quế Hà, Phó Chủ tịch Sacombank, 1,38%. Nghĩa là ông Trầm Bê hoàn toàn có thể tham gia Hội đồng Quản trị Sacombank nếu ông có khả năng mua gom cổ phiếu của ngân hàng này.

Và điều gì đến cũng phải đến, vào đầu tháng 2.2012 Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết đã có ủy quyền bằng văn bản đại diện cho nhóm cổ đông đa số (trên 51% cổ phần biểu quyết, bao gồm cả Trầm Bê), yêu cầu bầu lại toàn bộ ban lãnh đạo của Sacombank.

Gần như toàn bộ vị trí lãnh đạo chủ chốt của Sacombank đã thay đổi, trong đó có sự góp mặt của ông Trầm Bê, với chức vụ mới là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank sau khi ông rời khỏi ghế Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Phương Nam. Và tất nhiên, vẫn với cách làm cũ, ông không quên trám vào chỗ trống đó là con trai mình, Trầm Trọng Ngân, lên giữ chức Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng Phương Nam. Thêm vào đó, Trầm Khải Hòa cũng là thành viên Hội đồng Quản trị của Sacombank bắt đầu từ tháng 5.2012. Sự thành công của gia đình Trầm Bê có sự góp phần không nhỏ của việc truyền ngôi kế vị thành công.

Cha truyền con nối

Trầm Bê có vợ là Viên Đông Anh. Hai ông bà có ba người con là Trầm Trọng Ngân, Trầm Thuyết Kiều và Trầm Khải Hòa. Họ hiện đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong các công ty mà ông đã tham gia đầu tư.

Trầm Trọng Ngân, con trai trưởng Trầm Bê, Tổng Giám đốc của Công ty Sơn Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank. Khối lượng cổ phiếu Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã HoSE: STB) mà Trầm Trọng Ngân nắm giữ là 40 triệu đơn vị, chiếm 4,11% vốn điều lệ của STB. Năm 2005 Trầm Trọng Ngân từng bị băng nhóm Bình "kiểm" bắt cóc đòi tiền chuộc 10 triệu USD. Ra tòa Bình kiểm trả lời vì biết rõ ông Bê rất giàu nên tổ chức vụ bắt cóc đòi tiền chuộc nhiều nhất VN từ xưa đến nay.

Ngày 17.12.2012, báo chí trong nước sau vụ đình đám Sacombank, lại một lần nữa rộ lên thông tin con trai ông Trầm Bê, Trầm Trọng Ngân muốn rút khỏi Sacombank. Trầm Trọng Ngân vừa đăng ký thoái toàn bộ 48 triệu cổ phiếu tại Sacombank từ ngày 20/12 năm nay đến ngày 20/2/2013. Mục đích bán sạch số cổ phần này theo công bố của Sacombank là "vì lý do cá nhân".

Trầm Trọng Ngân tuy hình dáng có vẻ già dặn nhưng cũng thuộc thế hệ doanh nhân 8X, sinh năm 1981.

Vì sao đại gia Trầm Bê "hút" dư luận? - 2
4 cha con ông Trầm Bê

Con gái Trầm Thuyết Kiều, sinh năm 1983, hiện nắm gần 10% cổ phần và là Phó Tổng giám đốc Khối khách hàng tổ chức Ngân hàng Phương Nam. Trầm Thuyết Kiều cũng là Phó Tổng Giám Đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phương Nam.

Con trai út Trầm Khải Hòa (sinh 1988) là con trai út của Trầm Bê, được coi là triệu phú USD trẻ nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Trầm Khải Hòa hiện là thành viên Hội đồng quản trị Sacombank, đang nắm 20.820.000 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 2,14% số cổ phiếu đang lưu hành. Tổng giá trị thị trường cổ phiếu STB mà ông Hòa đang nắm giữ đạt 483 tỷ đồng, tương đương 23 triệu USD. Đây chính là triệu phú USD trẻ nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay.

Vào cuối tháng 5, ông Trầm Khải Hòa cùng với bố được bầu làm thành viên Hội đồng quản trị Sacombank. Ông Hòa cũng là thành viên Hội đồng quản trị Sacombank trẻ nhất từ trước tới nay.

Ngoài ra, Trầm Khải Hòa còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần chứng khoán Phương Nam, với vốn điều lệ 340 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay, PNS đạt 31,57 tỷ đồng doanh thu và gần 17 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tổng nguồn vốn của công ty đạt 1.132 tỷ đồng đến 30/6, tăng mạnh so với mức 414,6 tỷ đồng hồi đầu năm.

Đây cũng là một nhân vật khá kín tiếng khi hình ảnh gần như duy nhất trên báo chí là một bức ảnh chân dung hơi mờ.

Đều là những nhân vật đặc biệt, được đào tạo và rèn luyện trong môi trường kinh doanh từ nhỏ, nhưng nếu không được kế nhiệm những vị trí được sắp đặt trong tầm tay từ người cha tài trí hơn người thì 3 doanh nhân 8X họ Trầm chưa chắc đã có vị trí như ngày hôm nay. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo An (Kiến thức)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN