Vay tiêu dùng: Cẩn trọng "bẫy" lãi suất

“Thoáng” về thủ tục chỉ thế chấp bản pho to giấy tờ cá nhân hoặc photo hộ khẩu là có thể sở hữu một chiếc điện thoại, xe máy xịn thậm chí cả ô tô, các công ty tài chính (CTTC) cho vay tiêu dùng đã đánh trúng tâm lý thích “sành điệu” của người vay trẻ.

Thủ tục vay 15 phút, lãi  70%/năm

Trò chuyện với PV, anh Nguyễn Huy Thái (Từ Liêm, Hà Nội) cho hay vừa mua một chiếc điện thoại Sony M2 giá 4,8 triệu đồng tại siêu thị điện máy Pico Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) theo hình thức trả góp. Anh Thái thanh toán lần đầu 20% giá trị điện thoại (tương đương 1 triệu đồng) và trả góp trong 9 tháng. Mỗi tháng anh trả 550.000 đồng. Sau khi thanh toán, toàn bộ số tiền phải trả cộng cả gốc và lãi rơi vào quãng xấp xỉ 6 triệu đồng. Tuy đắt hơn giá trị thực hơn 1 triệu nhưng vị khách hàng trẻ này vẫn chấp nhận. Lý do, theo anh quan trọng là được sử dụng ngay cái mình thích.

Vay tiêu dùng: Cẩn trọng "bẫy" lãi suất - 1

Khách hàng mua hàng trả góp với lãi suất lên đến 70%. Ảnh: Quỳnh Nga.

 

Tại hệ thống bán lẻ Viettelstore Hà Nội (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội), một khách hàng nữ đang xem xét kỹ chiếc điện thoại Samsung E7 niêm yết giá bán 7.999.000 đồng. Ngay khi khách hàng ngỏ ý muốn trả góp sản phẩm, một nhân viên bán hàng lập tức giới thiệu hình thức trả góp qua công ty tài chính. Cụ thể, với số tiền lần đầu 1,6 triệu đồng, khách hàng sẽ được nhận điện thoại và ký hợp đồng vay trả góp trong vòng 6 tháng. Số tiền trả hàng tháng là 1,4 triệu đồng.Tổng số tiền kết thúc phải trả cho sản phẩm là 10 triệu đồng. Thủ tục vay trả góp gồm bản photo chứng minh thư nhân dân và bằng lái xe của khách.

Tại cửa hàng điện máy Thế giới di động (Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội) với các sản phẩm điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay, nếu có nhu cầu trả góp, khách vay sẽ được giới thiệu ngay tới  quầy tư vấn, làm thủ tục trả góp. Quan sát, khu vực này luôn tấp nập. Ngay khi bước chân vào, đại diện của 1 trong 3 nhà cung cấp dịch vụ trả góp gồm Công ty TNHH Thương mại ACS Việt Nam; Tập đoàn Home Credit và Cty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) lập tức niềm nở đón chào. Theo công bố tại đây nếu vay trả góp với Home Credit và FE Credit, lãi suất thực sẽ lên tới 70%/năm , bù lại thời gian duyệt hồ sơ từ 10 - 45 phút. Với ACS lãi suất thấp hơn chỉ 30%/năm nhưng thời gian duyệt lên tới 4h. Thủ tục chủ yếu gồm chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu hoặc bằng lái xe...

Còn về phạt, tại cửa hàng điện máy Thế giới di động, khách hàng thanh toán tiền trả góp muộn sẽ phải nộp thêm phí phạt: 5.000 đồng/ngày (với ACS); chậm 1 - 29 ngày phạt 250.000 đồng (với Home Credit); chậm 5 – 30 ngày phạt 300.000 đồng (FE credit). Phí thanh lý hợp đồng trả góp sớm hơn so với quy định sẽ chịu từ 50% lãi suất các tháng còn lại hoặc chịu 5 – 15% trên tổng số tiền gốc còn lại tùy vào từng công ty tín dụng.

Ngân hàng nhập cuộc

Theo dự thảo thông tư về quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, tới đây NHTM sẽ không còn được cho vay tín chấp, tiêu dùng mà phải chuyển hoạt động này sang các CTTC. Đón trước xu hướng này, các ngân hàng đồng loạt  lên kế hoạch thành lâp CTTC.

Tại đại hội 20/4 vừa qua, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh thừa nhận năm 2014, VPBank đã có chuyển biến cơ bản về kinh doanh sau khi mua lại Công ty Tài chính Vinacomin và chuyển thành CTTC VPBank. Cũng chính điều này đã giúp ngân hàng phát triển mạnh mảng bán lẻ, tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông qua Đề án Sáp nhập PGBank, VietinBank dự kiến sẽ chuyển một phần PGBank thành Công ty Tài chính PG Finance. Kế đó, ACB xin cổ đông thành lập CTTC có vốn điều lệ 500 tỉ đồng.  BIDV cũng trình 3 phương án, đó là mua lại một CTTC đang hoạt động, chuyển đổi hoạt động công ty cho thuê tài chính hiện có của BIDV thành CTTC tiêu dùng hoặc sẽ thành lập mới trong trường hợp không thực hiện được hai phương án trên. Trước đó, kể từ năm ngoái đến nay, rất nhiều thương vụ ngân hàng thâu tóm CTTC đã diễn ra. Đơn cử, Maritime Bank mua CTTC Dệt may, VPBank mua lại Công ty TNHH MTV Tài chính Than Khoáng sản Việt Nam (CMF), Techcombank mua Tài chính Hóa chất. Hiện có thông tin SHB sắp mua lại CTTC Vinaconex - Viettel.

Vì sao ngân hàng lại mặn mà với mô hình CTTC đến vậy? Một chuyên gia ngân hàng M bật mí, lợi nhuận từ thị trường cho vay tiêu dùng đang “lôi” các ngân hàng vào cuộc. “Nếu soi báo cáo tài chính năm 2014 của nhiều ngân hàng năm 2014, bạn sẽ thấy ngay nhiều nhà băng có nguồn thu nhập cực tốt từ khu vực này. Tôi biết có nhà băng còn đầu tư âm thầm mua thông tin dữ liệu về khu vực dân cư để từ đó tính chiến lược mở rộng hình thức này”, vị này cho biết.

Tại Việt Nam, tín dụng tiêu dùng hiện mới chiếm khoảng 6% tổng dư nợ. Ước tính, cho vay tiêu dùng có thể chiếm tới 10% GDP (trên 10 tỷ USD/năm) trong thời gian tới. Theo một chuyên gia, vấn đề lớn nhất cần lưu ý khi vay qua CTTC là lãi suất. Khảo sát cho thấy hiện lãi vay theo công bố của các doanh nghiệp này rơi vào mức từ 1.5 - 3%/ tháng tức từ 30-36%/năm, gấp 3 - 4 lần lãi vay tiêu dùng NHTM. Đó là chưa tính các kiểu phạt khó lường.a

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tiền Phong ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN