Vàng độc quyền - Vì ai?

Việc cơ quan quản lý “ôm” mối quản vàng (từ nhập khẩu, đấu thầu tới quyết định bước giá) về lâu dài làm “dấy” lên quan ngại về sự độc quyền.

Sự bình ổn của thị trường vàng thông qua việc NHNN quy về một mối đấu thầu, kiểm soát chặt lượng vàng đầu “vào - ra” là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, điều khiến dư luận không hài lòng là chênh lệch giá vàng vẫn còn cao dù thời điểm tất toán 60 tấn vàng của các TCTD đã kết thúc cả tháng nay. Việc cơ quan quản lý “ôm” mối quản vàng (từ nhập khẩu, đấu thầu tới quyết định bước giá) về lâu dài làm “dấy” lên quan ngại về sự độc quyền.

Nghị định 24 làm được gì?

Tròn một năm rưỡi thực hiện Nghị định 24 về quản lý vàng, thị trường đang trong lộ trình chấm dứt hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng giảm mạnh tâm lý nắm giữ, đầu cơ vàng, cắt cơn sốt bất thường của vàng, tỷ giá. Theo NHNN, từ 28/3 đến 9/9, cơ quan này đã tổ chức 57 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng lượng vàng miếng SJC bán ra thị trường khoảng 56,9 tấn vàng, trong đó có khoảng 30 tấn vàng đã được các TCTD sử dụng để tất toán số dư huy động vàng, số còn lại được các TCTD, doanh nghiệp trúng thầu bán ra đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Sự độc quyền ở đây mang tính điều tiết thị trường, vì lợi ích chung. Trong giai đoạn hiện nay đây là cơ chế phù hợp để quản lý và điều tiết thị trường vàng. Nó chỉ được giải tỏa khi nào các kênh đầu tư khác tốt lên, người dân, giới đầu tư giảm bớt nắm giữ vàng”

Lãnh đạo NHNN

Liên quan đến các biện pháp “quản” thị trường, NHNN cho hay: Hiện đã thiết lập xong mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng mới có quản lý của Nhà nước nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân với 38 TCTD, doanh nghiệp được cấp phép và gần 2.500 địa điểm giao dịch ở tất cả 63 tỉnh, thành phố. Hoạt động mua bán vàng miếng trên thị trương diễn ra thông suốt.

Tất cả 18 TCTD đã hoàn thành việc tất toán số dư huy động vốn bằng vàng đến hạn phải chi trả theo quy định, tổng dư nợ bằng vàng của toàn hệ thống đã giảm gần 70% và chiếm tỷ lệ không đáng kể so với tổng dư nợ cho vay của hệ thống. Toàn bộ số dư giữ hộ vàng đã được hạch toán ngoại bảng, các TCTD không được sử dụng vàng giữ hộ dưới mọi hình thức.

Để thực hiện Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, NHNN thừa nhận đã trải qua một quá trình khó khăn phức tạp khi triển khai. Nhưng kết quả đạt được là khả quan khi đã loại bỏ toàn bộ rủi ro liên quan đến vàng ra khỏi hoạt động của TCTD, chấm dứt tình trạng ”vàng hóa” chính thức trong hệ thống TCTD, làm giảm tính hấp dẫn của vàng miếng, giảm thiểu hoạt động đầu cơ quá mức vào vàng…

“Chúng tôi luôn theo dõi chặt việc TCTD tuân thủ quy định không được giữ trạng thái vàng vượt quá 2% so với vốn tự có và không được duy trì trạng thái âm vàng; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng miếng báo cáo các giao dịch với khách hàng có giá trị lớn trên 300 triệu đồng. Chính điều này đã giám sát được những đầu mối lớn, nhỏ trên thị trường, lệnh mua lớn nhỏ, điều trước đây không quản được ”- Lãnh đạo cấp Vụ NHNN cho biết.

Vàng độc quyền - Vì ai? - 1

Nhu cầu của thị trường vàng không thể là “thùng không đáy”. Ảnh: Ngọc Châu.

Bao giờ hết đấu thầu, chênh lệch giá

Bản tin tham khảo kinh tế vỹ mô của Ủy ban kinh tế Quốc hội mới đây lưu ý: Việc NHNN độc quyền nhập khẩu vàng và cung ứng cho thị trường có thể gây quan ngại về việc dự trữ ngoại hối có thể bị ảnh hưởng do phải sử dụng để nhập khẩu vàng cùng các hệ lụy. Cũng về vấn đề này, TS Nguyễn Minh Phong nhận xét: “Việc NHNN tiếp tục độc quyền có thể phải bán buôn vàng bằng ngoại tệ mới có nguồn ngoại tệ để cân đối ngoại hối, nếu không sẽ gây mất cân đối và điều này rất nguy hiểm”.

Những cảnh báo trên liệu có thành hiện thực? Trao đổi với người viết, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận: Có 2 lý do để không cảm thấy quan ngại. Thứ nhất hiện Ngân hàng Trung ương có nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, nhập siêu đang ở mức kiểm soát được nên việc e ngại mất cân đối không phải là vấn đề trầm trọng. Thứ hai, nhu cầu về vàng của thị trường không phải là “thùng không đáy” nên đến một thời điểm chắc chắn sẽ đi vào thế quân bình.

“Sự độc quyền trong nguồn cung và giá lúc này là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên đến một lúc nào đó NHNN sẽ phải rút khỏi vai trò này và chỉ thực hiện những biện pháp quản lý”- Ông Hiếu khẳng định.

Trò chuyện với Tiền Phong, một lãnh đạo NHNN lý giải: Bình quân mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng từ vài chục tấn đến 100 tấn vàng, như vậy mất khoảng 5 tỷ USD nhập khẩu. Trước đây lượng ngoại tệ tương tự được bỏ ra hàng năm nhưng có một phần trôi nổi USD trên thị trường tự do, chính những đợt gom hàng để nhập vàng này dẫn đến gây sốt giá ngoại tệ. Còn nay, việc NHNN xuất ngoại tệ mua vàng được chủ động tính từ nguồn mua ngoại tệ của các TCTD trong khi họ lại mua lại từ doanh nghiệp, người dân.

Liên quan đến việc kéo chênh lệch giá xuống theo đại diện NHNN khó khả thi lúc này. “Sức cầu thị trường vẫn có. Muốn kéo sát giá thế giới chỉ có cách cho nhập khẩu liên tục quy mô lớn và để liên thông giá với nước ngoài thì phải mở sàn vàng, tài khoản vàng liên thông với nước ngoài. Điều này vô hình chung sẽ gây bất ổn đến thị trường ngoại tệ và tỷ giá; kích hoạt tâm lý đầu tư và đầu tư quá mức vào vàng, làm thị trường vàng biến động mạnh, gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Chưa kể vàng không phải là mặt hàng khuyến khích nên NHNN chỉ đưa ra giá đấu thầu trên cơ sở thị trường chấp nhận” - vị này nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Huyền (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN