TS. Alan Phan: Hãy xài tiền người khác, đừng xài tiền của mình

TS.Alan Phan khuyên DN: “Trong kinh doanh tôi khuyên các bạn luôn xài tiền người khác chứ đừng xài tiền mình".

Chia sẻ tại Hội thảo thách thức và cơ hội năm 2014-2015 với chủ đề Chiến  lược chuyển đổi của DN, do trường Doanh nhân PTI tổ chức, TS. Alan Phan, nguyên Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa với kinh nghiệm kinh doanh trên thương trường tại Mỹ và các thị trường Châu Á, đặc biệt là Hồng Kong và Trung Quốc, cho rằng đối với hoạt động của DN thì tiền bao giờ cũng là số 1. DN bao giờ cũng phải duy trì một khoản tiền tươi đủ để chi trả các khoản chi phí trong vòng ít nhất 01 tuần.

Tích cực sử dụng đòn bẩy tài chính, ông Alan Phan khuyên: “Trong kinh doanh tôi khuyên các bạn luôn xài tiền người khác chứ đừng xài tiền mình. Nếu xài tiền người khác mà mình có trách nhiệm và minh bạch thì sẽ đem đến thành công rất lớn. Đó là đòn bẩy rất quan trọng về tài chính”.

TS. Alan Phan: Hãy xài tiền người khác, đừng xài tiền của mình - 1

TS. Alan Phan, chuyên gia kinh tế

Vì muốn làm gì cũng phải có tiền, muốn có tiền phải biết dòng tiền ở đâu và làm cách nào có nó? Chẳng hạn có quyển sách “Kiếm chồng triệu phú” đã dạy rằng phải biết được ông triệu phú đó thích gì để đáp ứng sở thích của ông đó? Như vậy, muốn có chồng triệu phú thì phải giao lưu với giới triệu phú, nếu cứ quanh quẩn trong ổ chuột thì sao kiếm… Đối với DN cũng vậy,  phải đi tới những nơi có dòng tiền để đi tìm, tìm ở các thị trường phát triển, ở các quỹ đầu tư…

Tuy nhiên, lợi nhuận lớn thì rủi ro cũng lớn và DN phải nắm chắc được bài học này. Do đó, trong DN hiện nay vai trò của giám đốc tài chính rất quan trọng là người tìm ra các dòng tiền, gia tăng tài chính và kiểm soát dòng tiền cho DN.

Bên cạnh đó, DN cũng cần phải thấy rằng việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất rất quan trọng. Chẳng hạn, một nhà máy chăn nuôi bò sữa ở Chicago (Mỹ) nuôi tới 500 con bò nhưng chỉ cần 3 người vận hành, còn đâu là do rô-bốt thực hiện các công việc: cho ăn, vắt sữa, vệ sinh…

Hay chẳng hạn, hiện nhiều DN cho rằng ít cơ hội kinh doanh hơn. Điều này là sai lầm. Vì cơ hội luôn luôn có, vấn đề là có tìm ra nó hay không mà thôi.

“Theo tôi, ngành in 3 chiều sẽ phát triển, chỉ cần học tốt các kỹ năng và sản xuất để bán máy này ở Việt Nam thì sau này sẽ hốt bạc vì nhu cầu về in ấn vẫn rất lớn. Thành ra tất cả công nghệ có nhiều thay đổi sẽ tạo thành lực chuyển của thế giới”, TS. Alan Phan chia sẻ.

Nếu bây giờ để làm ra một sản phẩm mới hoàn toàn là khó, các DN có thể sáng tạo dựa trên các sản phẩm đã có, thay đổi chúng, làm cho chúng trở nên hữu dụng hơn.

Nếu bế tắc, bạn cứ sang Châu Âu, Mỹ… đó là những thị trường phát triển hơn Việt Nam, vào các siêu thị của họ sẽ thấy có nhiều sản phẩm khác lạ chưa có ở Việt Nam, từ đó chúng ta có ý tưởng kinh doanh chúng. Nhưng vấn đề là DN Việt từ lâu bỏ quên việc phải biết chăm sóc khách hàng, bỏ quên việc phải biết xây dựng thương hiệu nên không thành công lâu.

Đề cao sáng tạo là số 1. Ông Alan Phan ví von: “Vấn đề là tính giá trị lao động của các bộ phận trên cơ thể. Nếu giá trị của các bộ phận từ chân tới cổ chỉ kiếm cho bạn 25 USD/ngày, thì giá trị lao động từ cổ tới đầu có thể kiếm cho bạn lên tới hàng nghìn USD/ngày”.

DN cũng phải biết rằng khi đã kinh doanh thì không có quốc tịch mà phải là công ty đa quốc gia, như vậy vấn đề và giải pháp của DN sẽ thay đổi hẳn vì có lựa chọn nhiều hơn. Ngay như vấn đề căng thẳng Biển Đông thì việc làm ăn với DN Trung Quốc không nên kỳ thị mà phải nhìn trên bình diện nhiều chiều và cái gì có lợi thế.

Chẳng hạn, Vinamilk đã mua lại thương hiệu sữa F&N Food Pte Ltd. Với thương hiệu này Vinamilk có thể xuất khẩu sữa sang thị trường Trung Quốc để chiếm thị phần khi sữa của Trung Quốc người dân không dám uống do đã có án nhiễm Melamin. Hằng năm nhu cầu về sữa của các thị trường mới nổi như Trung Quốc tăng 15-20%, điều này sẽ đem lại lợi nhuận khổng lồ cho Vinamilk nếu biết tận dụng cơ hội để thành công.

Ngay như TS. Alan Phan cho biết cũng đang tận dụng vốn từ thị trường Trung Quốc,  “hiện tôi đang làm một quỹ mới hoàn toàn đầu tư vào các công ty Mỹ, tận dụng lợi thế và thương hiệu Mỹ tới các quốc gia mới nổi để tạo ra lợi thế cạnh tranh khác. Sau 3 tháng, tôi và 2 đối tác Mỹ thâu về 22 triệu USD, còn 78 triệu USD từ giờ đến cuối năm sẽ xong, có thể 70% nguồn vốn sẽ kiếm từ các đối tác Trung Quốc, đây là một thị trường có nguồn tiền rất lớn nếu biết khai thác ”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Linh Lan (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN