Thu hơn 1,5 tỷ USD từ “khoảng không”

Không nhiều người biết rằng, bầu trời có thể mang lại nguồn lợi về kinh tế vô cùng lớn. Chỉ tính riêng ngành hàng không, từ năm 1993 đến nay, Nhà Nước thu về hơn 1,5 tỷ USD từ phí sử dụng bầu trời. Riêng năm 2015, tổng thu hơn 180 triệu USD, nộp NSNN khoảng 100 triệu USD.

Thu hơn 1,5 tỷ USD từ “khoảng không” - 1

Kíp trực trên Ðài kiểm soát không lưu Nội Bài (Hà Nội).

Ðằng sau con số đó, không thể không nhắc đến những cán bộ, nhân viên của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), đơn vị Anh Hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Hơn 6 triệu chuyến bay an toàn mang về nguồn thu lớn 

Ngày đầu tháng 12/2015, chuyến bay đặc biệt, số hiệu VN227 của Vietnam Airlines từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh hạ cánh an toàn tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Ðây là chuyến bay thứ 600.000 được VATM điều hành an toàn trong năm 2015, diễn ra đúng dịp kỷ niệm 21 năm Việt Nam giành lại quyền điều hành phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (8/12/1994- 8/12/2015). Ngày 08/12/1994 là dấu mốc lịch sử không những của Tổng công ty, của Ngành Hàng không Việt Nam, mà còn là dấu mốc lịch sử của Ðất nước trên phương diện kinh tế, kỹ thuật, an ninh, quốc phòng và chính trị xã hội; dấu mốc đã khẳng định khả năng, năng lực, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt đã khẳng định chủ quyền đối với vùng trời rộng lớn trên khu vực biển Ðông. FIR/HCM còn là phên dậu trên diện rộng đảm bảo an ninh chủ quyền quốc gia, đảm bảo quyền lợi trên vùng kinh tế rộng lớn. Vì vậy, công tác quản lý điều hành bay của Tổng công ty được Ðảng và Nhà Nước hết sức quan tâm.

“VATM góp phần cùng với ngành hàng không Việt Nam đảm bảo an toàn cho tất cả các chuyến bay đi/đến và bay qua vùng thông báo bay của Việt Nam; góp phần khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực về năng lực và dịch vụ bảo đảm hoạt động bay”.

 Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật

Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay VATM là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành hàng không, cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay theo tiêu chuẩn quốc tế. Nếu trước năm 1993, Tổng công ty điều hành trên vùng thông báo bay rộng khoảng 300 nghìn km2, điều hành khoảng 82.000 chuyến bay một năm, trên 21 đường bay quốc tế và quốc nội, thì hiện nay Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đang điều hành trên vùng thông báo bay rộng hơn 1,2 triệu km2, điều hành trên 640.000 chuyến bay một năm, trên 56 đường bay quốc tế và quốc nội và phục vụ cho gần 150 hãng hàng không bay đi/đến và bay qua Việt Nam.

  

Kể từ năm 1993 đến nay, VATM đã điều hành an toàn, điều hòa, hiệu quả cho hơn 6 triệu 148 nghìn chuyến bay, thu về cho Nhà nước hơn 1,573 tỷ USD. Với những thành tích đã đạt được, Tổng công ty vinh dự được Ðảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Theo chủ trương hội nhập sâu rộng vào hoạt động hàng không thế giới, VATM đã tham gia vào Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay (CANSO), trở thành thương hiệu uy tín trong hoạt động quản lý không lưu trong khu vực và trên thế giới.

Dẫn đầu khu vực về năng lực điều hành bay

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật yêu cầu, thời gian tới, để đáp ứng lưu lượng bay tăng cao, hoạt động hàng không dân dụng ngày càng phức tạp, nhu cầu của xã hội ngày càng cao, VATM cần tiếp tục đổi mới hơn nữa. Trong đó, ưu tiên đầu tư, đổi mới công nghệ, hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị điều hành bay; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ kiểm soát viên không lưu, kỹ thuật viên.

Ông Ðinh Việt Thắng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty cho biết Tổng công ty sẽ quyết liệt đổi mới, hiện đại hóa công nghệ điều hành bay. Cụ thể: Triển khai đồng bộ công tác quản lý chất lượng các dịch vụ; áp dụng các phương thức bay, phương thức điều hành bay mới và tiên tiến nhất; hoàn thiện mô hình tổ chức, trong đó tập trung chuyên môn hóa các dịch vụ không lưu, kỹ thuật, khí tượng, tìm kiếm cứu nạn, thông báo tin tức hàng không và quản lý xuống dòng luồng không lưu.

Ngoài ra VATM tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý, điều hành bay trong tình hình mới. Hiện nay, 100 % kiểm soát viên không lưu trực tiếp điều hành bay đều đạt tiêu chuẩn tiếng Anh mức 4 theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế ICAO.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh Nga (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN