Thời điểm ‘đẻ trứng vàng’ của nhà giá rẻ

Sự kiện: Nhà giá rẻ

Nhà đầu tư nước ngoài đang đổ bộ vào căn hộ giá rẻ.

“Phân khúc nhà ở xã hội và căn hộ giá thấp trên dưới 1 tỉ đồng sẽ là tâm điểm phát triển của thị trường bất động sản (BĐS) trong giai đoạn tới”. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Kim Chung đã đưa ra nhận định như trên tại hội thảo “Triển vọng thị trường BĐS: Tác động chính sách” do Hiệp hội BĐS Việt Nam vừa tổ chức.

Thời điểm ‘đẻ trứng vàng’ của nhà giá rẻ - 1

Khan hiếm nhà giá rẻ

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho rằng: “Phân khúc nhà giá rẻ đang thiếu, thị trường đang cần. Do đó việc các doanh nghiệp lớn chuyển hướng đầu tư vào nhà giá rẻ không chỉ là cơ cấu lại đầu tư mà còn là sự bổ sung hàng hóa cho thị trường. Có thể sẽ có những cuộc chạy đua sòng phẳng giữa phân khúc nhà giá rẻ và nhà cao cấp”.

Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Vũ Mạnh Hà cũng cho hay phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ được khởi động từ năm 2009. Song song với các dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách công, nhiều nhà đầu tư tư nhân đã tìm mọi cách phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ ở những địa điểm phù hợp về giá đất. Mặt khác, hình thức chung cư mini cũng đã phát triển góp phần tăng nguồn cung căn hộ giá rẻ.

Tuy thế, theo ông Hà, đã có sự lệch pha cung cầu. “Hiện nay thị trường đang dư thừa nguồn cung cao cấp và thiếu nguồn cung nhà cho người thu nhập thấp. Phân khúc nhà ở thương mại có giá khoảng 15 triệu đồng/m2 đang khá hiếm trên thị trường. Biên độ lợi nhuận không cao là một trong những yếu tố khiến doanh nghiệp không mấy mặn mà với các dự án nhà bình dân” - ông Hà giải thích.

Nhà đầu tư ngoại đổ bộ

GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài, nhận xét: “Có thể nói đây là thời điểm BĐS “đẻ trứng vàng” sau thời gian dài ngủ đông.

Thời điểm ‘đẻ trứng vàng’ của nhà giá rẻ - 2

Căn hộ giá rẻ đang thiếu trầm trọng. Trong ảnh: Một dự án nhà ở xã hội ở  quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Dẫn chứng cho nhận định này, ông Mại nói những nhà đầu tư ngoại cũng khá nhanh nhạy với thị trường BĐS Việt Nam. Họ không chỉ tham gia vào phân khúc cao cấp và hạng sang như trước đây, mà còn đẩy mạnh hợp tác phát triển dòng sản phẩm trung bình khá và nhà ở xã hội, nhà giá rẻ nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của đại bộ phận người dân Việt Nam theo tiêu chuẩn nhà ở của Nhật, Hàn Quốc và Singapore.

Riêng các nhà đầu tư, công ty quản lý địa ốc chuyên nghiệp từ Nhật Bản sau nhiều năm nghiên cứu đã bắt đầu đổ bộ vào Việt Nam. Nguyên nhân do môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt, tạo nên lợi thế so sánh hơn các nước trong khu vực. Bên cạnh đó dự báo tầng lớp trung lưu của Việt Nam tăng nhanh trong những năm sắp tới và việc Chính phủ Việt Nam cho người nước ngoài sở hữu nhà đang tạo nên sự khác biệt trên thị trường.

“Điều này sẽ thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường BĐS, đặc biệt là những dự án có vị trí, thiết kế đẹp, pháp lý minh bạch, môi trường sống tốt” - ông Mại phân tích.

Một cách cụ thể hơn, bà Đỗ Thu Hằng, Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Công ty Savills Hà Nội, nhận định đang có khoảng 2,6 triệu công nhân trong các khu công nghiệp, hằng năm tăng thêm khoảng 200.000 công nhân. Trong đó 75% là người nhập cư, 75% công nhân dưới 35 tuổi, thu nhập trung bình 2.500 USD/năm. Đây là thị trường tiềm năng cho nhà ở thương mại giá rẻ.

“Nhưng thị trường này phát triển còn tùy thuộc vào mức độ phù hợp của sản phẩm cũng như sự phát triển của thị trường tài chính liên quan đến gói vay mua” - bà Hằng lưu ý.

Nhu cầu ngày càng cao

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho rằng diện tích nhà ở trung bình cho 94 triệu dân số Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với thế giới và nhu cầu ngày càng cao. Cụ thể, diện tích nhà ở trung bình theo điều tra gần đây nhất tại Việt Nam là 22 m2/người, trong khi tại Thượng Hải là 32 m2/người, Pháp 30 m2/người cách đây mấy chục năm.

Thách thức sẽ nhiều hơn

Thách thức của thị trường BĐS trong năm 2017 sẽ nhiều hơn năm 2016. Điều đáng lo ngại là hiện tại phần lớn nhà đầu tư mua đi bán lại để kiếm lời, nhất là trong thời điểm phân khúc BĐS cao cấp nở rộ. Tỉ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp đang tăng cao, bung ra ồ ạt là nguyên nhân khiến BĐS dễ rơi vào thực trạng thừa cung.

Mặc dù vậy, năm 2017, nếu có chính sách hỗ trợ tốt của Nhà nước thì thị trường nhà ở xã hội và giá rẻ vẫn có cơ hội phát triển.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Chân Luận (Pháp Luật TPHCM)
Nhà giá rẻ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN