Ông Trầm Bê ra đi, số phận BCI sẽ ra sao?

Sự rút lui của ông Trầm Bê khỏi BCI được cho là sau khi BCI đã nằm gọn dưới sự thâu tóm của KDH, ông buộc phải ra đi để mở đường cho người của KDH vào HĐQT. Trước đó, các thành viên HĐQT Phạm Minh Đức, Phó TGĐ Nguyễn Thị Kim Thoa cũng đã ra đi.

Ông Trầm Bê ra đi, số phận BCI sẽ ra sao? - 1

Ông Trầm Bê (trái) đã không còn điều hành BCI.

Sau khi CTCP Đầu tư kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) mua lại 57,31% cổ phần tại CTCP Đầu tư xây dựng (BCI), công ty này đã và đang thực hiện triệt để tái cơ cấu BCI. Hàng loạt nhân sự chủ chốt phải rời khỏi BCI để nhường chỗ cho người của KDH, trong đó có ông Trầm Bê, người gắn bó với BCI từ năm 1999.

Mặc dù vậy, đóng góp của BCI cho doanh thu trong 6 tháng đầu năm là không nhiều do BCI vẫn đang trong quá trình thay đổi về lãnh đạo và cổ đông, chiến lược cho tương lai vẫn chưa được triển khai. Trong 6 tháng đầu năm, BCI đạt doanh thu thuần 100 tỷ đồng, tăng 96% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 24 tỷ đồng, giảm 7,7% so với cùng kỳ.

Như vậy, BCI chỉ hoàn thành lần lượt 24% và 20% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ cho cả năm. Chủ yếu doanh thu lợi nhuận đến từ cho thuê đất và cung cấp dịch vụ tại KCN Lê Minh Xuân.

Trong khi đó lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết giảm đáng kể xuống còn 8,4 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ, do lợi nhuận từ Big C An Lạc (BCI nắm 20% cổ phần) giảm, cộng với việc Công ty TNHH EB Thành phố Mới lỗ 3,6 tỷ đồng (Cty TNHH EB Thành phố Mới điều hành Big C tại quận 7 và BCI nắm 20% cổ phần công ty này). Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên của BCI, công ty đã đem 20% vốn góp tại BigC để thế chấp ngân hàng.

Tính đến 30/6/2016, BCI có các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn là 459 tỷ đồng, trong đó vay dài hạn 441 tỷ đồng. Riêng khoản thế chấp bằng 20% vốn góp tại BigC trị giá 57 tỷ đồng, BCI dùng để vay 79 tỷ đồng từ Sacombank để trả tiền thuê 100.000 m2 đất.

BCI đang được thực hiện tái cấu trúc một cách triệt để từ nhân sự ban lãnh đạo đến việc thực hiện các dự án mới kể từ khi trở thành công ty con của KDH. Gần đây, cơ cấu lãnh đạo của BCI đã có sự thay đổi lớn với sự tham gia của nhiều đại diện từ phía KDH hơn. Hiện tại, 6 trong số 7 thành viên HĐQT của BCI là đại diện của KDH, trong khi đó một số thay đổi quan trọng như bổ nhiệm các Phó Tổng giám đốc và Kế toán trưởng mới. Gần đây, ông Trần Ngọc Henri, thành viên HĐQT, đã bán toàn bộ cổ phần của mình, tổng cộng 5,78 triệu cổ phiếu, tương đương 6,67% cổ phần của BCI. Trong khi đó, ông Trầm Bê, thành viên lâu năm nhất trong HĐQT với 3% cổ phần sở hữu trực tiếp cũng đã thông báo rút khỏi HĐQT kể từ tháng 8/2016. 

Sự rút lui của ông Trầm Bê khỏi BCI được cho là sau khi BCI đã nằm gọn dưới sự thâu tóm của KDH, ông buộc phải ra đi để mở đường cho người của KDH vào HĐQT. Trước đó, các thành viên HĐQT Phạm Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Kim Thoa cũng đã lần lượt rời khỏi BCI.

Ông Trầm Bê là một cái tên không còn xa lạ gì trong ngành ngân hàng với hàng loạt các thương vụ M&A giữa các ngân hàng trước đây. Tuy nhiên, kể từ tháng 11/2015 ông cũng đã từ chức Phó Chủ tịch Sacombank dù khi đó ông và gia đình sở hữu 9,49% cổ phần tại ngân hàng này, đồng thời tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho Ngân hàng Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân do cơ quan này chỉ định, thực hiện các quyền theo quy định, điều lệ của hai ngân hàng đối với toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, Southern Bank và tổ chức sau sáp nhập mà ông và các bên có liên quan sở hữu.

Về với KDH, trước mắt BCI sẽ tập trung vào công tác bồi thường và hoàn tất các thủ tục pháp lý cho các dự án lớn, sau đó bắt đầu mở bán các sản phẩm mới từ cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018. KDH có thể phát triển các dự án của BCI tương tự sản phẩm nhà phố Mega (thương hiệu làm nên tên tuổi KDH), tuy nhiên giá bán có thể thấp hơn. Tỷ suất lợi nhuận sản phẩm nhà phố mang thương hiệu Mega của KDH tăng lên 36,6% từ 31,6% nhờ giá bán tăng cộng với tỷ suất lợi nhuận của biệt thự cũng cao hơn nhà phố. Trong khi đó tỷ suất lợi nhuận của BCI là 51,3%, cao hơn của KDH nhờ có mảng cho thuê đất KCN và bán đất nền. Về dài hạn, đóng góp từ BCI sẽ giữ vai trò chủ chốt đối với triển vọng tăng trưởng của KDH vì quỹ đất của KDH là không lớn, trong khi BCI vẫn còn nhiều khá nhiều quỹ đất.

Mới đây, KDH cũng đã công bố kết quả  6 tháng ấn tượng với doanh thu thuần đạt 1.252 tỷ đồng, tăng 161% so với cùng kỳ, và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 203 tỷ đồng, tăng 98% so với cùng kỳ, nhờ công ty ghi nhận mạnh từ sản phẩm nhà phố thương hiệu Mega đã mở bán trước đó. Theo đó sau 6 tháng, KDH đã hoàn thành 83% kế hoạch doanh thu và 51% kế hoạch lợi nhuận cả năm. 

KDH hiện có 4 dự án chính đang triển khai là Mega Village, Melosa Garden, Lucasta và The Venica,tất cả nằm tại quận 9, TP HCM. Trong đó các dự án Melosa Garden; Lucasta and the Venica là các dự án đang được bán hàng, còn dự án Mega Village đã hoàn thiện và gần như đã được ghi nhận hết. Trong 7 tháng đầu năm, KDH bán được tổng cộng 240 căn (tăng 10% so với cùng kỳ) tại các dự án trên; chiếm 19% thị phần nhà phố & biệt thự tại TP HCM. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hiền Anh (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN