Ổn định lãi suất: Bài toán khó

Sự kiện: Kinh Doanh

Lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng cho thấy có dấu hiệu ổn định trong thời gian dài trong khi phải chịu nhiều áp lực làm tăng chi phí đầu vào.

Năm 2017, Chính phủ định hướng kiểm soát lạm phát khoảng 4%, Ngân hàng (NH) Nhà nước phấn đấu ổn định lãi suất như năm 2016. Tuy nhiên, diễn biến của thị trường trong nửa đầu tháng 1-2017 cho thấy lãi suất cho vay đang chịu nhiều áp lực.

Tín hiệu lạc quan

Chị Lê Thị Dung (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) vừa được NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho vay 200 triệu đồng, thời hạn 15 năm, lãi suất 9%/năm cố định trong 2 năm đầu; từ năm thứ 3 trở đi, lãi suất cho vay sẽ bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng cộng với biên độ 3%.

Ổn định lãi suất: Bài toán khó - 1

Nhiều nhận định cho rằng lãi suất sẽ ổn định trong năm 2017 Ảnh: TẤN THẠNH

NH TMCP Á Châu (ACB) cũng cho vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi từ 7%/năm. Riêng khách hàng cá nhân, ACB dành 6.000 tỉ đồng cho vay và nếu khách hàng giải ngân trong 2 tháng đầu năm 2017 thì lãi suất 7,5%/năm cố định trong 3 tháng đầu tiên.

Không chỉ NH lớn, NH nhỏ, thậm chí NH “0 đồng” cũng tung nhiều vốn ra thị trường với lãi suất cạnh tranh. NH TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) dành gần 10.000 tỉ đồng cho vay với lãi suất từ 6,8%/năm. NH TMCP Xây dựng (CBBank) thì ra mắt gói cho vay với lãi suất từ 6,5%/năm.

Với lãi suất cho vay không thay đổi từ 3 tháng đến 2 năm đầu, nhiều người nhận định lãi suất tiền gửi năm 2017 sẽ tiếp tục ổn định. Lãnh đạo nhiều NH cho rằng lãi suất cho vay được chốt lại trong khoảng thời gian nhất định là do các NH đã xác định được chi phí đầu vào và thấy có lãi.

“Lãi suất tiền gửi luôn phụ thuộc vào lạm phát, cung cầu vốn, chính sách điều hành của NH Nhà nước… Do đó, xu hướng biến động lãi suất rất khó đoán” - tổng giám đốc một NH ở TP HCM nhận định.

Áp lực giáp Tết

Tuy không điều chỉnh lãi suất nhưng từ nay đến ngày 28-2, NH TMCP Đông Nam Á tặng phiếu mua hàng trị giá 100.000 - 600.000 đồng cho người gửi từ 200 triệu đồng trở lên. Eximbank thì tăng lãi suất huy động thêm 0,1 - 0,2 điểm phần trăm. NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng tăng lãi suất kỳ hạn 2 tháng và 6 tháng với mức tăng khoảng 0,2 điểm phần trăm. Trước đó, TPBank, Techcombank, VPBank, PVcomBank... tăng lãi gửi tiền đồng thêm 0,1 - 0,3 điểm phần trăm cho một số kỳ hạn ngắn.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết lãi suất liên NH trong các ngày gần đây tăng từ 0,07 - 1,2 điểm phần trăm. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 1,2 điểm phần trăm, lên mức 4,6%/năm; kỳ hạn 1 tuần tăng 0,3 điểm phần trăm, lên mức 4,7%/năm; kỳ hạn 2 tuần tăng 0,07 điểm phần trăm, lên mức 4,8%/năm. “Lãi suất liên NH tăng nhanh cho thấy thanh khoản của hệ thống đang chịu nhiều áp lực trong các ngày giáp Tết” - BVSC nhìn nhận.

Theo TS Bùi Quang Tín (Trường ĐH NH TP HCM), đầu quý I/2017, ngoài việc cạnh tranh huy động vốn giữa các NH, mặt bằng lãi suất huy động còn chịu thêm áp lực từ việc tỉ giá nóng lên sau bầu cử tổng thống Mỹ và quyết định tăng lãi suất vào cuối năm rồi của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED); đặc biệt là yếu tố mùa vụ tăng mạnh tín dụng và nhu cầu bảo đảm thanh khoản vào dịp cuối năm âm lịch. Tuy nhiên, ông Tín dự báo qua Tết âm lịch hoặc đến quý II và III/2017, lãi suất sẽ bình ổn dần.

Nhiều thách thức

Kết quả khảo sát do Vụ Dự báo Thống kê - NH Nhà nước vừa công bố cho thấy nhiều NH thương mại kỳ vọng ổn định lãi suất trong năm 2017. Số ít NH nhận định lãi suất có thể tăng bình quân 0,2 điểm phần trăm.

Theo Thống đốc NH Nhà nước Lê Minh Hưng, do áp lực mục tiêu tăng trưởng cao nên việc điều hành lãi suất trong năm 2017 phải linh hoạt, bảo đảm ổn định. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận định lãi suất là bài toán hóc búa đối với NH Nhà nước trong năm 2017, nhất là trong bối cảnh phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Giới phân tích cho rằng mục tiêu ổn định lãi suất có thể gặp nhiều thách thức, như xu hướng hồi phục giá hàng hóa trên thị trường thế giới, trong đó có xăng dầu. Việc điều chỉnh giá các hàng hóa quan trọng, thiết yếu (điện, dịch vụ y tế, giáo dục..), chuyển các nhóm dịch vụ từ phí sang giá sẽ tạo áp lực lên lạm phát; đồng thời áp lực về tỉ giá, các rủi ro về biến đổi khí hậu, thiên tai; nhu cầu tăng lãi suất huy động của các NH thương mại để bảo đảm chỉ tiêu sử sụng vốn theo quy định cũng sẽ tạo áp lực lên lãi suất.

Theo TS Bùi Quang Tín, USD được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá do kỳ vọng FED tăng lãi suất tiếp trong năm nay và các năm 2018, 2019. Xu hướng này sẽ gây khó cho NH trong việc giảm lãi suất vì khi đó, tỉ giá giữa USD so với đồng tiền các nước sẽ tăng, gồm cả Việt Nam. Nếu Việt Nam hạ lãi suất sẽ làm cho tỉ giá USD/VNĐ tăng thêm, từ đó kéo theo hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ, gây khó khăn cho doanh nghiệp… Mặt khác, NH Nhà nước quy định tỉ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống còn 50% từ ngày 1-1 cũng ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất huy động, đặc biệt là các kỳ hạn trên 12 tháng.

Cần điều tiết giá hợp lý

Nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất, TS Bùi Quang Tín đề xuất NH Nhà nước thông qua thị trường mở tiếp tục điều tiết lãi suất liên NH ở mức hợp lý để các NH thương mại vay được vốn từ thị trường này, từ đó tạo điều kiện ổn định thanh khoản và lãi suất tiền gửi. Ngoài ra, NH Nhà nước cần chuẩn bị các biện pháp ứng phó chính sách tăng lãi suất của FED, hỗ trợ NH thương mại tăng cường huy động nguồn vốn trung dài hạn…

PGS-TS Ngô Trí Long khuyến nghị nhà nước tiếp tục quản lý, điều hành giá xăng dầu, điện, dịch vụ công... theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước. “Trường hợp phải điều chỉnh giá, nhất là dịch vụ y tế ngoài BHYT và dịch vụ giáo dục, các bộ, ngành, địa phương phải đánh giá tác động và cân nhắc mức độ, thời điểm điều chỉnh thích hợp để hạn chế tác động mạnh đến mặt bằng giá” - ông Long nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thy Thơ (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN