Nỗi lo tỷ giá cản đường hạ lãi suất (?!)

Thị trường tiền tệ đang chứng kiến những bước đi điều hành mới của Ngân hàng Nhà nước. Tuy tín hiệu khởi đầu tốt đẹp nhưng theo ý kiến chuyên gia, NHNN nên mạnh dạn hơn, có thể hạ lãi suất chính sách từng bước nhỏ để hạ lãi suất huy động và cam kết bán USD kỳ hạn để ổn định tỷ giá khiến người dân yên tâm- TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Tài chính (Học viện Tài chính) chia sẻ với Tiền Phong.

Nỗi lo tỷ giá cản đường hạ lãi suất (?!) - 1

Muốn hạ lãi suất nhà điều hành cần quyết liệt hơn! Ảnh: Như Ý.

Hạ lãi suất - Quyết tâm chưa đủ mạnh

Vừa qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các NHTM đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay. Ông đánh giá thế nào về động thái này?

Vấn đề giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng, giảm gánh nặng nợ cho nền kinh tế đã được đề cập từ lâu, đặc biệt là khi lạm phát xuống dưới mức 2% vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, trong năm 2015 nền kinh tế có bước phục hồi, đồng thời tỷ giá biến động mạnh, nên chính sách giảm lãi suất, mặc dù được Chính phủ định hướng từ đầu năm 2015, đã không được thực hiện quyết liệt. Nhưng từ quý I/2016, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đã có dấu hiệu chững lại. Vấn đề giảm lãi suất cho vay, vì vậy, trở nên cấp bách hơn.

Mặc dù vậy, để lãi suất cho vay có thể giảm như kỳ vọng, cần có động thái chính sách rõ ràng hơn từ NHNN trong việc giảm lãi suất huy động, chứ không thể chỉ dựa vào thiện chí của các ngân hàng thương mại.

Tuy vậy, có ý kiến cho rằng  quyết tâm giảm lãi suất của nhà điều hành vẫn chưa thật “ngấu”  vì chưa thấy mạnh tay? Phải chăng NHNN đang lo ngại về lạm phát?

Việc tăng dự trữ ngoại hối chỉ nên thực hiện khi thị trường “chán”, còn khi thị trường “thèm”, Ngân hàng Nhà nước cần bán USD

TS Nguyễn Đức Độ

Trong 4 tháng đầu năm 2016, lạm phát tăng 1,33%. Nhưng nếu như trừ đi mức tăng giá dịch vụ y tế là 1,27% như Tổng cục Thống kê tính, chỉ số CPI gần như không tăng trong 4 tháng qua. Lạm phát cơ bản hiện cũng ở mức dưới 2%. Liệu chúng ta có nên quá lo ngại lạm phát trong bối cảnh như vậy? Nếu bây giờ vẫn còn lo ngại lạm phát cao quay trở lại, thì đến bao giờ chúng ta mới hết lo ngại lạm phát cao?

Những gì xảy ra tại châu Âu và Nhật Bản hiện nay cho thấy, không phải cứ muốn có lạm phát cao là được. Để có lạm phát cao, điều kiện cần là phải có rất nhiều tiền và số tiền này phải biến thành sức mua của người dân, doanh nghiệp cũng như của Chính phủ. Nhưng hiện nay, tiền cho đầu tư và tăng trưởng chúng ta còn thiếu, vậy lấy đâu ra tiền thừa cho lạm phát cao? Mặc dù các số liệu thống kê cho thấy tín dụng năm 2015 tăng trưởng cao, nhưng trong đó có bao nhiêu phần là ghi sổ? Phần mua trái phiếu Chính phủ (TPCP) có được tính vào tăng trưởng tín dụng của các NHTM không? Một phần không nhỏ nguồn lực của cả khu vực công và khu vực tư hiện nay đều đang tập trung cho việc trả nợ. Bởi vậy, chỉ khi nào vấn đề nợ công và nợ xấu được giải quyết ổn thoả, lạm phát cao mới có cơ hội quay trở lại. Với lãi suất thực bị neo ở mức cao như hiện nay, khó có thể nói rằng nền kinh tế đang thừa tiền.

Trong năm nay, nếu không tính đến các cuộc điều chỉnh giá bằng biện pháp hành chính, lạm phát sẽ chỉ dao động xung quanh mức 1%, cho dù giá dầu tiếp tục neo ở mức như hiện nay. Và trong năm sau cũng vậy. Lạm phát sẽ không tự tăng lên để phù hợp với lãi suất. Ngược lại, lãi suất phải hạ xuống, nếu muốn đạt được mức lạm phát mục tiêu 5%.  

Nỗi lo tỷ giá cản đường hạ lãi suất (?!) - 2

TS Nguyễn Đức Độ.

Sợ dân rút tiền mua USD

Thế còn về tỷ giá, có dự đoán cho rằng nếu nới lỏng tiền tệ và hạ lãi suất, người dân có thể rút tiền tiết kiệm để mua USD. Theo ông, lo ngại này có nên lưu ý?

Có thể đây mới là lo ngại thật sự của NHNN. Tuy nhiên, thay vì lo ngại và không hành động, NHNN có thể hạ lãi suất chính sách từng bước nhỏ để hạ lãi suất huy động, chẳng hạn mỗi lần 25 điểm cơ bản, và xem thị trường phản ứng thế nào. Hiện nay lãi suất huy động đang cao, kỳ vọng giá USD tăng không nhiều, nên nếu NHNN tiếp tục cam kết bán USD kỳ hạn để ổn định tỷ giá, việc rút VND với quy mô lớn để mua USD có thể sẽ không xảy ra.   

Liệu lượng dự trữ ngoại hối hiện nay có đủ lớn để răn đe thị trường, theo ông?

Vấn đề có lẽ không nằm ở lượng dự trữ ngoại hối là bao nhiêu, mà nằm ở chỗ NHNN sẵn sàng bán ra bao nhiêu USD để ổn định thị trường. Nếu NHNN luôn lo ngại dự trữ ngoại hối bị giảm, thì nhiều dự trữ cũng không tăng được tính răn đe. Hơn nữa, nếu lượng USD trong nền kinh tế là cố định, thì khi NHNN tăng dự trữ bao nhiêu sẽ khiến lượng USD trên thị trường bị sụt giảm đi bấy nhiêu. Trong trường hợp này, mặc dù năng lực can thiệp của NHNN tăng, nhưng nhu cầu cần can thiệp trên thị trường cũng sẽ tăng lên, vì nguồn cung USD trên thị trường bị giảm đi. Đó là chưa kể, 1 USD trên thị trường có thể quay vòng, còn nếu nằm ở NHNN thì 1 USD vẫn chỉ là 1 USD.

Nói chung, tăng dự trữ ngoại hối không nên được coi là một thành tích, vì đó không phải là bảo đảm cho sự ổn định tỷ giá. Thậm chí, trong một số trường hợp, tăng dự trữ không hợp lý còn gây hại cho nền kinh tế. Việc tăng dự trữ ngoại hối chỉ nên thực hiện khi thị trường “chán”, còn khi thị trường “thèm”, NHNN cần bán USD. Nếu như NHNN chỉ mua USD và đến khi thị trường muốn mua lại số USD đã bán, NHNN lại phá giá và bắt thị trường mua USD với giá cao hơn, lòng tin của thị trường sẽ bị sụt giảm. Thị trường sẽ phản ứng bằng cách găm giữ và không bán USD cho NHNN nữa.

Tóm lại, chỉ khi lượng USD chạy khỏi Việt Nam và không quay trở lại thì vấn đề tỷ giá mới đáng lo. Còn nếu cán cân thương mại và cán cân thanh toán vẫn thặng dư, NHNN vẫn có đủ nguồn lực để ổn định thị trường, nhất là trong bối cảnh lạm phát thấp và lãi suất cao như hiện nay.

Cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Huyền (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN