Nobel Kinh tế 2014: Chống độc quyền trong kỷ nguyên số

Khi công nghệ thông tin chi phối phần lớn các hoạt động trong đời sống, sản xuất kinh tế thì các “ông trùm độc quyền” cũng trở nên khó bảo hơn bao giờ hết.

Có người từng “tản mạn” rằng “Facebook đã tạo ra những mảnh đất màu mỡ và bảo chúng ta đến cày cấy trên mảnh đất ấy. Và rồi chúng ta đã ngoan ngoãn vâng lời mà chẳng ai biết chúng ta đang “cặm cụi” kiếm tiền cho doanh nghiệp mạng xã hội khổng lồ này”. Chủ nhân giải thưởng Nobel Kinh tế 2014 - GS Jean Tirole (sinh năm 1953) đã chứng minh rằng đó không chỉ là một suy đoán vô căn cứ.

Độc quyền truyền thống “chết dần”

Nền kinh tế truyền thống chỉ ra các khái niệm quen thuộc về độc quyền. Điển hình như “độc quyền bán”: Chỉ có một hoặc một nhóm doanh nghiệp có khả năng sản xuất và bán ra một mặt hàng quan trọng cho người tiêu dùng. Hiểu nôm na như truyện cổ tích “Thạch Sùng đầu cơ gạo vào mùa khô. Mùa lũ đến, không ai có gạo ăn thì Thạch Sùng bán ra với giá trên trời vì người tiêu dùng không còn lựa chọn nào khác”.

Hay câu chuyện “độc quyền mua”, liên quan hiện tượng “lúa gạo giá rẻ” ở Việt Nam. Khi người nông dân sản xuất ra hàng chục triệu tấn gạo mỗi năm nhưng đầu ra xuất khẩu dường như chỉ nằm trong tay hai tập đoàn (Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và Tổng Công ty Lương thực miền Nam). Do hệ thống “chân rết” của hai cửa ra này không nhiều nên lúa gạo thường ùn ứ, tạo kẽ hở cho thương lái làm giá với nông dân. Thế nên dân chỉ còn cách bán rẻ.

Khi áp lực xã hội, luật pháp đặt lên các kiểu độc quyền truyền thống ngày càng nặng thì hiện tượng độc quyền “kiểu cũ” bắt đầu giảm mạnh. Tuy nhiên, song song đó, làn sóng cách mạng khoa học kỹ thuật đầu thế kỷ 19 mở ra một kỷ nguyên mới về quan hệ mua-bán trong thị trường. Thương mại điện tử xuất hiện khiến mạng lưới mua sắm trở nên phức tạp hơn.

Cụ thể, trong công trình nghiên cứu mang tên “Cạnh tranh trong thị trường lưỡng diện” được công bố năm 2002, ông Tirole nhận định các công ty Internet hiện đang hoạt động trên nền tảng hai mặt: Một bên khai thác người tiêu dùng và mặt còn lại thì “thu tiền” các nhà phát triển phần mềm hoặc các nhà quảng cáo.

Nobel Kinh tế 2014: Chống độc quyền trong kỷ nguyên số - 1

Cái hay của ông Tirole là ông đã đưa ra “tiên đoán” về một kiểu độc quyền có sự “đột biến” dưới kích thích của hệ thống mạng toàn cầu. Ảnh minh họa: REUTERS

“Độc quyền đột biến”: Khó thấy, khó trị

Cái hay của ông Tirole là ông đã đưa ra “tiên đoán” về một kiểu độc quyền có sự “đột biến” dưới kích thích của hệ thống mạng toàn cầu. Không nhiều người để ý và tâm đắc đối với tuyên bố của Tirole cho tới khi Google ra mắt công chúng vào năm 2004 và sau này là mạng xã hội Facebook.

GS Joshua Gans (ĐH Toronto) đã đưa ra một câu chuyện thú vị: “Hầu như mọi người đều nói rằng họ là một người dùng (miễn phí) Facebook. Nhưng trên thực tế, mỗi người dùng là một nhà “bán lẻ” cho Facebook”. Vị này giải thích các tập đoàn như Facebook, Google, Twitter… cung cấp cho mọi người các loại dịch vụ miễn phí nhưng sau đó họ “thu nhặt” sức mạnh dư luận, tiêu dùng từ số lượng thành viên đông đảo để bán sản phẩm thực tế của họ cho các nhà quảng cáo. Tuy nhiên, Tirole khẳng định rằng hầu như mọi người dùng Internet đều không nghĩ theo hướng “tiêu cực” như vậy. Đó là lý do tại sao số lượng người tham gia ngày càng tăng và quyền lực của các “ông lớn” tăng nhiều lần.

Không chỉ các nhà mạng xã hội, các doanh nghiệp lớn cũng có khả năng tạo ra “độc quyền” trong thời đại của kỷ nguyên số như hiện nay. Theo đó, các “ông lớn” thường cung cấp miễn phí (hoặc gần như là miễn phí) “phần vỏ” của một loại hàng hóa, dịch vụ nào đó và “buộc” người tiêu dùng bỏ ra nhiều tiền hơn để có thể mua “phần cốt lõi” mới có thể thỏa mãn nhu cầu, tâm lý tiêu dùng.

Điển hình như các công ty phân phối điện thoại tại nhiều nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Trong đó đình đám như Amazon, cung cấp các loại điện thoại thông minh mới nhất, với mức giá có lúc như “cho không” - trên dưới 1 USD. Người tiêu dùng thường tâm lý rằng rẻ bèo. Tuy nhiên, điểm mấu chốt của điện thoại thông minh ở chỗ “hệ thống ứng dụng”. Dựa trên mạng lưới phân phối rộng - nắm người dùng trong tay, các tập đoàn vừa làm giá đối với các nhà cung cấp ứng dụng, vừa buộc người dùng phải ký hợp đồng sử dụng dịch vụ của họ để thu lợi.

Chính vì hiện tượng “miễn phí ảo”, người tiêu dùng thường tin tưởng, thậm chí là thích thú các tập đoàn Internet mà không phát hiện ra sự nguy hiểm của họ. Xét mặt trái của sự việc, các “ông lớn” có khả năng gây thương vong cho doanh nghiệp mới nổi, thậm chí là các doanh nghiệp liên đới, hay ngay cả người tiêu dùng.

“Ngăn sông cấm chợ” không còn là vũ khí của chính phủ

Công trình nghiên cứu từng ngành, từng lĩnh vực (tài chính, ngân hàng, mạng xã hội, doanh nghiệp…) của Tirole đã khẳng định các chính sách chống độc quyền truyền thống như đặt ra giá trần cho các công ty độc quyền, cấm các đối thủ hợp tác với nhau làm giá… dường như không mạnh, thậm chí sẽ gây ra nhiều thiệt hại hơn làm lợi cho thị trường.

Hội đồng Nobel nhận định từ công trình của Tirole rằng việc bắt tay làm giá thì có hại cho xã hội nhưng nếu các doanh nghiệp hợp tác nghiên cứu sản xuất sẽ làm lợi cho mọi người. Việc sáp nhập một doanh nghiệp với nhà cung ứng sẽ khích lệ khả năng sáng tạo nhưng có khả năng bóp méo thị trường. Vậy nên cách kiểm soát độc quyền nên được áp dụng một cách linh hoạt, tùy vào đặc điểm của từng ngành kinh tế chứ không thể tồn tại một mẫu số chung áp đặt cho tất cả.

Tirole giải thích chính phủ thường mắc phải lỗi là không thể hiểu rõ về ngành hơn những doanh nghiệp làm việc ngay trong chính ngành đó. Do đó sẽ không hiểu hết được các nguồn lợi, chi phí, cách thức hoạt động trong ngành. Tirole đã đưa ra một khung thiết kế chính sách giúp chính phủ áp dụng cho từng ngành: từ viễn thông đến ngân hàng. Những phương cách kiểm soát vừa đủ nhẹ nhàng để không giết chết doanh nghiệp nhưng vẫn đòi hỏi một chính quyền đủ rắn để thực thi việc kiểm soát. Cụ thể, chính phủ vừa hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hiệu quả nhất có thể, lại vừa tìm cách buộc các doanh nghiệp này phải tự động chia sẻ một phần nguồn lợi mà mình thu được với người tiêu dùng.

Người tiên phong chống “độc quyền kiểu mới”

Suốt hơn 30 năm qua, Tirole đã miệt mài nghiên cứu về hiện tượng độc quyền trong kinh tế - cách thức một tập đoàn hoặc một nhóm nhỏ các tập đoàn khổng lồ có thể chi phối thị trường. Ông cũng đồng thời phân tích những tổn hại mà độc quyền gây ra và đưa ra những cách thức để chính quyền ứng phó với hiện tượng này.

Tirole khởi đầu là một sinh viên chuyên ngành toán học và kỹ sư tại ĐH Bách khoa Paris của Pháp. Tuy nhiên, ông quyết định nghiên cứu về kinh tế học để cùng lúc thỏa được hai niềm đam mê lớn nhất của ông là toán học và khoa học xã hội. Vào năm 1978, ông bắt đầu nghiên cứu tiến sĩ ở Học viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT) tại Mỹ. Theo Phó Giám đốc Trường Kinh tế Toulouse (Pháp), trào lưu nghiên cứu về kinh tế học khi đó chỉ xoay quanh các phép toán trừu tượng trong mô hình kinh tế. Tirole đã dũng cảm “đi ngược dòng chính”, dẫn đầu ngọn cờ nghiên cứu các vấn đề mang tính chất thực tiễn cao hơn.

Trong tác phẩm “Cân bằng giữa các ngân hàng: Bài học toàn cầu từ cuộc khủng hoảng tài chính” xuất bản năm 2010, Tirole và các đồng sự của mình đã đề xuất nhiều thay đổi trong cách thức kiểm soát các ngân hàng “khổng lồ” với quyền lực chi phối, khả năng làm chao đảo thị trường. Ông còn kiến nghị rằng các ngân hàng gặp khó khăn cần được chính phủ và các nước chìa tay ra để giúp đỡ, hỗ trợ sát sao hơn nữa.

Thay thế người Mỹ trên ghế Nobel

Jean Tirole là nhà kinh tế học không phải gốc Mỹ đầu tiên đạt danh hiệu Nobel Kinh tế kể từ năm 1999. Hãng tin Thomson Reuters danh tiếng đã liệt kê tên ông trong danh sách những nhà khoa học có sức ảnh hưởng lớn nhất của năm 2014. Ông hiện là giám đốc khoa học tại Học viện Công nghiệp Kinh tế thuộc Trường Kinh tế Toulouse, ĐH Toulouse 1 Capitole (Pháp). Năm 1991, khi đang nghỉ phép để hoàn thành một quyển sách cùng người cộng sự Jean - Jacques Laffont tại ĐH Toulouse, ông đã bị cuốn vào ý tưởng xây dựng ngôi trường này thành một trung tâm nghiên cứu chỉ theo trường phái của ông và cộng sự. Ông quyết định thôi việc tại MIT và trở về Pháp. Mỗi năm ông vẫn quay trở lại Mỹ với vai trò giáo viên thỉnh giảng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đại Thắng - Trung Nhân (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN