“Nợ xấu của ngân hàng nằm ở các đại gia”

Nợ xấu của ngân hàng chủ yếu tập trung ở “các đại gia”, chứ không phải chủ yếu do doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng DN vừa và nhỏ lại rất khó tiếp cận được tín dụng ngân hàng.

“Nợ xấu của ngân hàng nằm ở các đại gia” - 1

Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) chiếm khoảng 95% doanh nghiệp Việt Nam, là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, DNNVV có những hạn chế như quy mô nhỏ, vốn ít, không dễ tiếp cận tín dụng ngân hàng, phụ thuộc vào doanh nghiệp lớn, gặp khó khăn trong đầu tư công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ đòi hỏi vốn lớn, từ đó ảnh hưởng đến năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh trên thị trường.

“Nợ xấu của ngân hàng nằm ở các đại gia” - 2

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Việt Nam

Số doanh nghiệp (DN) thua lỗ ngừng hoạt động, phá sản gia tăng. Tỷ lệ DNNVV thua lỗ năm 2015 tương đối cao: 32% DN siêu nhỏ, 17% DN nhỏ và 16% DN vừa đã mất vốn trong khi chỉ khoảng 10% DN lớn cùng chung cảnh ngộ này.

Theo Hiệp hội đầu tư nước ngoài, DN tư nhân gặp khó khăn trong kinh doanh, lợi nhuận ít, thậm chí thua lỗ nhưng các khoản đóng góp vào ngân sách nhà nước lại tăng thêm, do đó đại bộ phận DN nhỏ khó tích lũy để tái sản xuất mở rộng.

Tại tọa đàm “Khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa”, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Việt Nam cho biết 28.000 DN ngừng hoạt động, chiếm 48% tổng DN được thành lập là hiện tượng không bình thường.

Chỉ có 30% DNNVV tiếp cận được vốn từ ngân hàng; đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ chỉ chiếm 3% doanh thu; có 21% DNNVV tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi Thái Lan là trên 30% và Malaysia là 46%.

Theo ông, nếu chúng ta không coi trọng dự báo từ nay đến năm 2020, nhà nước tận thu doanh nghiệp thì không bao giờ DN lớn lên được.

Theo GS. Mại có một thực trạng đáng bàn là nợ xấu của một số Tập đoàn lớn đến mức báo động nhưng chưa thấy có ngân hàng thương mại nào công bố tỷ lệ nợ xấu của DNNVV; các vụ ngân hàng bị vỡ nợ hoặc một số cán bộ tín dụng bị truy cứu trách nhiệm hình sự chủ yếu liên quan đến “các đại gia”, do “quan hệ cánh hẩu” chứ không phải chủ yếu do tín dụng đối với DNNVV.

“Tôi mong Ngân hàng Nhà nước công bố rõ nợ xấu hiện nay nằm ở khu vực nào. Tôi biết có ngân hàng chính sách nợ xấu rất ít, mặc dầu ngân hàng cho vay lãi suất thấp, cho những đối tượng là nông dân, ngư dân vay nhưng các đối tượng ấy ít xảy ra nợ xấu vì họ coi trọng cam kết. Còn nợ xấu của ngân hàng hiện nay nằm ở các đại gia, có những đại gia nợ đến 32.500 tỷ đồng. Tôi hi vọng NHNN đưa ra con số nào đó để điều chỉnh nợ xấu của 1 đại gia thôi, chỉ cần  nửa số đó cho các DNNVV vay thôi thì chắc chắn có hàng nghìn DNNVV vượt qua khó khăn”, GS. Mại nhấn mạnh.

Theo phản ánh của Bà Nguyễn Thị Bích Hường Chủ tịch HĐQT CTCP TMDV & XL dầu khí, công ty cũng từng rất khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng. Để có dòng vốn cho hoạt động kinh doanh, DN phải dùng biện pháp là huy động vốn từ cổ đông, gia đình, lãi suất thậm chí còn cao hơn của ngân hàng. Tài sản thế chấp chính là lòng tin, uy tín của DN, uy tín cá nhân của chủ DN.

Theo bà, thời gian vừa qua, nợ xấu là ám ảnh với các ngân hàng. Tuy nhiên nợ xấu không phải đến từ các DNNVV.

DNNVV khó tiếp cận vốn ngân hàng vì không có tài sản bảo đảm cũng như lòng tin của ngân hàng đối với khả năng sinh lời, trả nợ của DN.

Chính vì thế GS. Mại cho rằng cần thay đổi cách tiếp cận đối với DNNVV để gia tăng tỷ lệ dư nợ của các DN này, giúp họ khắc phục khó khăn, phát triển kinh doanh.

Muốn vậy, ngân hàng cần đầu tư công nghệ và nhân lực trình độ cao để đủ năng lực thẩm định dự án đầu tư, phương án kinh doanh của DN nhằm cung cấp các khoản tín dụng trên cơ sở hiệu quả đầu tư và kinh doanh mà không chỉ bằng tài sản thế chấp.

Từ thực trạng sản xuất và kinh doanh của DNNVV, GS. TSKGH Nguyễn Mại cũng cho rằng từ năm 2008 đến 2016, chỉ số giá tiêu dùng tăng 10,7%, năng suất lao động chỉ tăng 3,9%, nhưng tiền lương tối thiểu đã tăng 26,4%, DN phải đóng 34% BHYT, BHXH, chi phí công đoàn. Chính vì thế cần đưa ra định hướng thu nhập để đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động với chủ DN.

Mặt khác cần tạo lập quan hệ bình đẳng giữa DN với cơ quan thuế để khắc phục tình trạng khi DN chậm nộp thuế thì xử phạt nhưng khi DN chậm hoàn thuế thù không được cơ quan thuế bồi thường thiệt hại.

Ngoài ra cần khảo sát các khoản phí DNNVV đang gánh chịu để bãi bỏ, cắt giảm những khoản khí bất hợp lý; kiến quyết đấu tranh để minh bạch hóa cơ hội, mọi giao tiếp nhằm giảm thiểu chi phí “bôi trơn”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thùy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN