Những “tỷ phú không giờ” nước Nga

Đầu thập niên 1990, ở xứ Bạch Dương đã xuất hiện một thế hệ tỷ phú đầy tranh cãi: những “tỷ phú không giờ”. Họ xuất hiện trong khoảng thời gian “tranh tối tranh sáng”, lợi dụng quá trình tư nhân hóa, một số nhân vật đã khống chế ngành công nghiệp dầu mỏ, khí đốt thiên nhiên, kim loại màu, đá kim cương…

Đầu thập niên 1990, ở xứ Bạch Dương đã xuất hiện một thế hệ tỷ phú đầy tranh cãi: những “tỷ phú không giờ”. Họ xuất hiện trong khoảng thời gian “tranh tối tranh sáng”, lợi dụng quá trình tư nhân hóa, một số nhân vật đã khống chế ngành công nghiệp dầu mỏ, khí đốt thiên nhiên, kim loại màu, đá kim cương… Rồi từ buôn lậu họ lập ngân hàng đến thâu tóm thị trường tài chính. Một cuộc điều tra của các công ty phi quốc hữu hóa lớn nhất nước Nga đã cho thấy, 85% trong đó tập trung vào tay 8 tập đoàn cổ đông. Trong khi một phần ba dân số Nga sống trong cảnh khốn khổ thì những “tỷ phú không giờ” này tiếp tục giàu hơn. Một cuộc điều tra cho thấy, 90% người dân Nga cho rằng tài sản của các ông trùm là do làm ăn phi pháp.

Chỉ vài tuần sau khi Vladimir Putin lên nắm quyền, ông đã “vung gươm hành động” và những ông trùm lần lượt ngã ngựa. Đến nay, số phận những “tỷ phú không giờ” những năm 1990 của Nga cũng rất khác: một số ít vẫn tiếp tục giàu, còn lại kẻ phải lưu vong hoặc ngồi sau song sắt…

Kỳ 1: “Tỷ phú không giờ”, họ là ai?

Trước khi Putin lên lãnh đạo đất nước, bạn hỏi bất kỳ người Nga nào: Ai đang thống trị nước Nga? Câu trả lời đều là: Gusinski, Boris Berezovsky, Khodorkovsky, Abramovic và những ông trùm tài phiệt.

Con đường đi đến siêu giàu

Những năm 90 của thế kỷ 20, nước Nga tiến hành phong trào tư hữu hóa. Nhà nước thực hiện chuyển nhượng quốc hữu hóa tư sản với giá thấp, làm cho một số người sau một đêm bỗng trở thành tỷ phú – “tỷ phú không giờ”.

Những ông trùm khi đó ở Nga ngoài những tên già xảo quyệt từ thời kỳ đầu tư hữu hóa, như trùm tập đoàn công nghiệp và công ty cổ phần kim loại toàn Nga Vladimir Potanin, và tổng giám đốc tập đoàn công nghiệp và ngân hàng tư bản Alpha Miha Gillver ra còn có những ông trùm mới trỗi dậy.

Nền công nghiệp Nga như dầu mỏ, gang thép, nhôm, xe hơi và công nghiệp nặng đều do các ông trùm nắm giữ. Các ngành công nghiệp cơ bản như than, gỗ cũng đang bị họ lũng đoạn. Tất cả đều “nhờ” quá trình “tư hữu hóa”.

Những “tỷ phú không giờ” nước Nga - 1

Tỷ phú Roman Abramovich có bộ sưu tập du thuyền sang trọng, trong đó chiếc đắt giá, hiện đại nhất thế giới Eclipse trị giá gần một triệu USD, được trang bị hệ thống phòng thủ tối tân.

Khi đó, chính quyền Liên Xô dưới sự lãnh đạo của ông Mikhail Gorbachev thực hiện các chính sách cải tổ và mở cửa, bước đầu hình thành nền kinh tế thị trường nhưng lại thiếu các công cụ quản lý hiệu quả. Đặc quyền kinh tế - tài chính vẫn thuộc về những nhân vật cấp cao của đảng Cộng sản, KGB, Đoàn thanh niên và những ai biết bắt tay với họ. Trong khi đó, chợ đen mọc lên như nấm, buôn bán các mặt hàng nhập lậu từ phương Tây như máy tính và quần jeans. Theo trang Leadership Biographies, tỉ phú Abramovic bị cho là từng bán đồ chơi nhập lậu ở Moscow. Berezovsky và một số người khác thì bắt đầu làm giàu bằng cách dùng quan hệ với chính quyền để mua sản phẩm với giá bao cấp cực rẻ để bán lại với giá thị trường.

Một số người khác còn táo bạo hơn khi thành lập những ngân hàng tư nhân đầu tiên, huy động vốn trong nhân dân để cho các tay buôn lậu, vốn rất cần tiền tươi, vay với lãi suất cao. Khodorkovsky, từng là Phó bí thư Đoàn thanh niên của Viện Khoa học kỹ thuật Mendeleev, cùng đồng sự lập Ngân hàng Menatep năm 1989. Vladimir Potanin rời chức vụ tại Bộ Ngoại thương để cùng Mikhail Prokhorov lập Ngân hàng Uneximbank và Công ty tài chính Interros trong khi Ngân hàng Alfa Bank ra đời năm 1990 dưới tay Mikhail Fridman. Theo một số cáo buộc, các ngân hàng này còn là nơi “rửa tiền” của các quan chức đang ra sức vơ vét tài sản nhà nước trong thời kỳ mà mọi thứ có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Bên cạnh đó, bằng tầm nhìn nhạy bén, những nhà tư bản mới này mau chóng tạo lập quan hệ với nhóm của ông Boris Yeltsin trong bối cảnh hỗn loạn của chính trị Nga đầu thập niên 1990. Khodorkovsky đã xuất hiện hết sức “đúng lúc đúng chỗ” khi có mặt tại tòa nhà quốc hội cùng ông Yeltsin để đương đầu với cuộc đảo chính hụt năm 1991. Vladimir Gusinsky thì xây dựng được tình bạn với Yury Luzhkov, người sau này trở thành Thị trưởng Moscow.

Berezovsky với thuyết “tam đoạn luận” tư hữu hóa

Theo cuốn Godfather of the Kremlin: Boris Berezovsky and the looting of Russia (tạm dịch là: Bố già của điện Kremlin: Boris Berezovsky và sự thâu tóm của cải tại Nga) của nhà báo Klebnikov, tỉ phú Berezovsky là một điển hình cho thuyết “tam đoạn luận” tư hữu hóa ở Nga: tư nhân hóa lợi nhuận, tư nhân hóa tài sản, cuối cùng là tư nhân hóa các khoản nợ. Hồi cuối thập niên 1980, ông Berezovsky đã chạy chọt để có được gói thầu trang bị hệ thống điều khiển máy tính tự động cho Công ty xe hơi Avtovaz, vốn thuộc sở hữu của nhà nước.

Sau vụ áp phe trên, ông kiếm được một khoản không nhỏ. Tiếp đến, ông được ưu tiên mở một đại lý bán xe của Avtovaz để kiếm thêm những khoản lợi nhuận kếch xù khác. Bằng cách tận dụng một số chính sách ưu đãi, đại lý của Berezovsky được mua những chiếc Lada do Avtovaz sản xuất với giá chỉ 3.500 USD (tính theo tỷ giá lúc bấy giờ), dù giá thành thực tế là 4.700 USD.

Những “tỷ phú không giờ” nước Nga - 2

Boris Berezovsky

Sau đó, xe Lada được đại lý của Berezovsky bán lẻ với giá 7.000 USD. Như vậy, toàn bộ lợi nhuận của hãng xe nhà nước đã được “tư hữu hóa” giúp cho những người như ông Berezovsky nhanh chóng kiếm được nhiều triệu USD. Khi tạo dựng được gia tài, ông không quên tìm cách sở hữu cổ phần tại các công ty đang được tư nhân hóa từng bước. Từ đó, doanh nhân Berezovsky dần chiếm được không ít tài sản vốn thuộc quyền sở hữu của nhà nước.

Tất nhiên, khi lợi nhuận bị lọt vào tay giới tư nhân thiểu số thì các doanh nghiệp nhà nước dần rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất cũng là điều dễ hiểu. Chỉ cần có thế, nhóm thiểu số thao túng của nền kinh tế Nga nhanh chóng tiến hành bước tư hữu hóa thứ ba. Thông qua chương trình Loans for shares (vay nợ bằng cổ phần) được tiến hành vào năm 1995 - 1996, giới tài phiệt Nga bỏ tiền nhận cầm cố cổ phần trong khối doanh nghiệp nhà nước. Nhờ đó, các doanh nghiệp nhà nước có thể trang trải các khoản nợ.

Như thế, những ông trùm đã trở thành chủ nợ của doanh nghiệp nhà nước và từng bước thâu tóm các đơn vị này. Tuy nhiên, giới tài phiệt Nga chủ yếu nhắm đến việc thâu tóm các tập đoàn chuyên về dầu khí, khoáng sản và luyện kim chứ không phải những công ty thông thường. Vốn dĩ, đây là các ngành đóng vai trò chủ chốt, chứa nhiều đặc quyền đặc lợi trong việc khai thác tài nguyên quốc gia. Vì thế, về lâu dài, những ông trùm còn có thể khiến nhà nước phải lệ thuộc vào mình để tha hồ thao túng, tận thu nguồn lợi.

Thao túng kinh tế, chính trị

Chẳng thế mà mỗi khi gặp tình trạng giá dầu mỏ dao động mạnh, Tổng thống Nga lại phải mời họ vào điện Kremlin để lấy ý kiến của họ và cùng nhau bàn bạc đối sách. Từ đó có thể thấy quyền lực của các ông trùm này.

Trong số những ông trùm số một Nga, Khodorkovsky vẫn vững vàng chiếm lĩnh vị trí thứ nhất trong danh sách những tỷ phú, tài sản của ông ta chỉ trong thời gian ngắn đã tăng lên 8 tỷ USD, đứng hàng 26 trong 101 những người giàu nhất thế giới.

Trong khi của cải đang dần dần tập trung vào tay một số người thì tổng GDP hàng năm của Nga lại giảm một nửa so với những năm 1980, một phần ba dân số Nga sống trong cảnh khốn khổ.

Những “tỷ phú không giờ” nước Nga - 3

Khodorkovsky từng thân cận với Boris Yeltsin

Tính đến năm 2004 thì các ông trùm chiếm vị thế dẫn đầu đối với nền kinh tế Nga. Cụ thể, các tập đoàn nằm trong tay nhóm thiểu số thao túng sử dụng đến 42% lao động và chiếm 39% giá trị sản lượng kinh tế hằng năm. Đồng thời, các khu vực kinh tế tư nhân còn lại sử dụng 22% lao động và chiếm 13% giá trị sản lượng hằng năm. Trong khi đó, khu vực kinh tế nhà nước sử dụng 21% lao động và chiếm 32% giá trị….

Thâu tóm về mặt kinh tế, các ông trùm còn tạo ra ảnh hưởng lớn về chính trị. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1996, kinh tế Nga kiệt quệ, ngân quỹ cạn kiệt, ông Yeltsin có nguy cơ thất cử, khi đó, Vladimir Potanin đề ra một kế hoạch táo bạo, còn gây ý kiến trái chiều đến tận ngày nay.

Dưới đề xuất của Potanin và sự vận động của Berezovsky, chính quyền quyết định cho thuê cổ phần và tài sản của một số tập đoàn nhà nước trong ngành dầu mỏ, khoáng sản và luyện kim để kiếm tiền hoạt động. Hoạt động này được thực hiện trong giai đoạn 1995-1996 bằng hình thức đấu giá thông qua một số ngân hàng được lựa chọn. Dĩ nhiên là các ngân hàng này là những Menatep, Uneximbank hay Alfa Bank... và người tham gia đấu giá không ai khác hơn mà chính là chủ của các ngân hàng trên và đối tác. Họ thành lập nhiều công ty “mặt tiền” để đứng tên đấu giá thay.

Theo thỏa thuận, nếu chính quyền không thể trả lại tiền vào thời điểm 9.1996 thì các tài sản trên coi như thuộc về người đấu giá. Chuyện trả tiền đã không xảy ra và một nhóm nhỏ nhà tư bản nghiễm nhiên thâu tóm cổ phần, tài sản của các tập đoàn chủ chốt với giá “rẻ như cho”. Khodorkovsky “nuốt trọn” Tập đoàn dầu khí Yukos, Abramovic hợp tác với Berezovsky thu mua Công ty dầu Sibneft với giá thấp hơn giá trị thực 25 lần, đồng thời thâu tóm một số nhà máy luyện nhôm. Trong khi đó, liên danh Potanin - Prokhorov lấy được Norilsk Nickel, một trong những tập đoàn luyện kim lớn nhất thế giới thời bấy giờ. Như vậy là chỉ trong thời gian ngắn ngủi, tài sản của những người này tăng hàng triệu đến chục triệu USD (theo tỷ giá thời đó).

Trong cuộc bầu cử tổng thống 1996, dưới sự dẫn dắt của Berezovsky và Gusinsky, những người đã nắm luôn các kênh truyền thông lớn, nhóm tỉ phú tung mọi nguồn lực để bảo đảm ông Yeltsin tái đắc cử. Một mặt là bảo vệ quan hệ với chính quyền, mặt khác là nếu ứng viên Cộng sản Gennady Zyuganov mà chiến thắng thì thỏa thuận đấu giá nói trên sẽ bị hủy bỏ và mọi đầu tư coi như đổ sông đổ biển. Kết quả là ông Yeltsin làm chủ Điện Kremlin thêm 4 năm và một thế hệ tài phiệt giàu không thể tưởng tượng về cả tiền bạc lẫn ảnh hưởng chính trị chính thức ra đời. Sau đó, vai trò và vị thế của họ bắt đầu suy giảm mạnh sau cuộc khủng hoảng năm 1998 và sự xuất hiện của ông Vladimir Putin./. 

Kỳ 2: Putin "vung gươm"

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh An ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN