Những đại gia Việt "hao của" nhất năm 2015

Năm 2015 nhiều đại gia Việt lâm vào cảnh tài sản thâm hụt, kinh doanh bết bát...

Đại gia Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức)

Những đại gia Việt "hao của" nhất năm 2015 - 1

Năm nay có lẽ là một năm kém may mắn đối với bầu Đức, khi mà cận kề những ngày cuối năm 2015, bầu Đức đã lọt khỏi danh sách Top 3 người giàu nhất sàn chứng khoán VN.

Đầu tiên là tin đồn liên quan Hoàng Anh Gia Lai vỡ nợ khiến Bầu Đức phải lên tiếng phủ nhận và tuyên bố sẽ báo cáo cơ quan chức năng xử lý người tung tin.

Trước việc cổ phiếu lao dốc, tháng 6/2015, ông Đức đã mua thêm 5 triệu cổ phiếu HAG để nâng sở hữu lên 347,7 triệu.

Tuy nhiên, việc liên tục mất giá, có lúc còn 10.600 đồng/cổ phiếu, thấp nhất kể từ khi lên niêm yết trên sàn chứng khoán và giảm giá tới 52% tính từ đầu năm đã khiến tài sản của doanh nhân này bốc hơi hàng nghìn tỷ đồng.

Tính đến 28/12/2015, tài sản của người nhiều năm giàu thứ hai Việt Nam chỉ còn 3.686 tỷ đồng, giảm tới 3.889 tỷ so với mức 7.575 tỷ của cuối năm 2014.

Cú bốc hơi tài sản mạnh đã khiến Bầu Đức lần lượt mất vị trí thứ hai trong top người giàu trên sàn chứng khoán Việt. Người "tiếp quản" vị trí số 2 của Bầu Đức là ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Hòa Phát).

Trả lời trên Tri thức trực tuyến về việc hoạt động kinh doanh năm 2015 vẫn có triển vọng tốt nhưng giá cổ phiếu liên tục giảm, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai nói: "Giá cổ phiếu biến động là do thị trường, tôi cũng không giải thích được".

'Vua tôm' Minh Phú sa sút

Những đại gia Việt "hao của" nhất năm 2015 - 2

Năm Ất Mùi cũng chẳng lấy gì làm vui vẻ đối với ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản Minh Phú.

Theo báo cáo tài chính quý III/2015 của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, doanh thu đạt 3.718 tỷ đồng, giảm 18,9% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng giảm gần 17% xuống còn 3.340 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt vỏn vẹn 29,5 tỷ đồng, giảm tới 87,4% so với mức 197 tỷ đồng của năm 2014.

Lũy kế 9 tháng, tổng doanh thu của Minh Phú đạt 8.517 tỷ đồng, giảm 21,8% so với cùng kỳ. Các loại chi phí tài chính và chi phí doanh nghiệp tăng mạnh khiến lợi nhuận sau thuế của công ty sụt giảm chỉ còn 12,5 tỷ đồng, giảm tới 98,2% so với mức lợi nhuận 698 tỷ đồng của năm 2014.

Năm 2015, công ty đặt kế hoạch doanh thu 19.333 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.415 tỷ đồng. Tuy nhiên với kết quả kinh doanh sa sút, Minh Phú mới hoàn thành 0,88% kế hoạch lợi nhuận.

Tính đến 30/9, tổng tài sản của Minh Phú đạt 10.264 tỷ đồng, nợ phải trả là 8.055 tỷ đồng, trong đó hơn nửa là nợ ngắn hạn. Hàng tồn kho tăng lên hơn 5.600 tỷ đồng.

Trước đó, Minh Phú cho biết kết quả kinh doanh sa sút của năm nay là do thị trường xuất khẩu chủ lực: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… mất giá mạnh. Bên cạnh đó đồng tiền của các nước xuất khẩu tôm phá giá mạnh trong khi đồng Việt Nam chỉ mất giá nhẹ nên đã làm cho giá tôm của công ty cao, giảm tính cạnh tranh trên thị trường. Lũy kế 9 tháng, lỗ tỷ giá của Minh Phú lên tới 204 tỷ đồng.

Ngoài ra, giá tôm trên thị trường thế giới giảm trên 20% khiến công ty phải giảm giá bán để hỗ trợ khách hàng làm cho doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh.

Cuối tháng 3/2015, Minh Phú chính thức hủy niêm yết trên sàn HOSE. Nguyên nhân được công bố là doanh nghiệp muốn bắt tay với các đối tác nước ngoài nhằm đưa thương hiệu tôm Minh Phú vươn tầm ra thế giới, trong khi các đơn vị niêm yết đang bị giới hạn bởi quy định nhà đầu tư ngoại chỉ được sở hữu tối đa 49% vốn điều lệ.

Trong lần trả lời báo chí gần đây, ông Lê Văn Quang cho biết con tôm Việt Nam đang “tứ bề thọ địch”. Vì vậy, việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2015 của doanh nghiệp gần như là không tưởng.

Đầu tháng 12 vừa qua, Thủy sản Minh Phú đã quyết định bổ sung thêm ngành nghề “Vận chuyển và cho thuê đầu kéo container”, ngành khá xa với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là chế biến thủy sản của công ty.

Ông chủ Tân Hiệp Phát: Mất 2.000 tỷ vì vụ "con ruồi"

Những đại gia Việt "hao của" nhất năm 2015 - 3

2015 có lẽ là năm gây tổn thất nhiều nhất cho Tân Hiệp Phát (THP) kể từ khi thương hiệu này ra đời và được định vị như một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực nước giải khát.

Mặc dù ông Trần Quí Thanh chỉ còn nắm vốn tại hai nhà máy của Tân Hiệp Phát (THP) tại Hà Nam, Chu Lai còn lại đã chuyển phần lớn vốn cổ phần sang vợ và hai con gái của ông Thanh tại tập đoàn.

Tuy nhiên, nhắc đến Tân Hiệp Phát là người ta nhắc tới ngay ông Thanh, người đã gây dựng thương hiệu này trở thành một “ông lớn” có thị phần hàng đầu trong lĩnh vực nước giải khát không ga tại Việt Nam.

Nguyên nhân của khủng hoảng THP xuất phát từ vụ án liên quan đến sản phẩm có chứa dị vật (con ruồi) mang thương hiệu của Tập đoàn Number 1- Tân Hiệp Phát.

Sau khi anh Võ Văn Minh bị tuyên án 7 năm, nhiều luồng ý kiến tranh cãi đúng sai.

Phát biểu với báo chí vào tháng 3/2015, ông Trần Quí Thanh, khi đó vẫn là Chủ tịch HĐQT, cho biết, THP đang ở "vị trí dẫn đầu nên có sự cạnh tranh không lành mạnh" và các sản phẩm bị tố có vật thể lạ không do quá trình sản xuất.

Ông chủ THP cũng thách thức sẽ thưởng 500 triệu cho người bỏ được vật lạ vào dây chuyền sản xuất.

Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 17/12, THP cho biết “sự việc đã làm ảnh hưởng lớn đến uy tín thương hiệu và doanh thu của Tập đoàn. Ước tính, sự việc đã gây thiệt hại thực tế cho Tập đoàn khoảng hơn 2.000 tỷ đồng”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Anh (Đời sống & Pháp luật)
Chuyện về những tỷ phú giàu nhất thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN