Những đại gia từ giàu có đi đến phá sản

Họ đã từng được vinh danh là những tỷ phú hàng đầu thế giới và nắm giữ trong tay những khối tài sản khổng lồ. Nhưng chỉ trong chớp mắt, khối tài sản ấy như bong bóng xà phòng vụt tan và biến họ thành những tỷ phú “tay trắng”.

1. Kim Dotcom

Với khối tài sản lên đến hàng trăm triệu USD, không quá khó hiểu khi Kim Dotcom, nhà sáng lập Megaupload lại có một cuộc sống khá ăn chơi và phóng túng. Năm 1998, cái tên Kim Dotcon được nhiều người biết đến sau khi bị kết án 2 năm tù treo vì chuỗi các hành vi tấn công và đánh cắp các bí mật thương mại, kéo dài trong suốt 4 năm. Dotcom đã thâm nhập vào hệ thống an ninh tại các ngân hàng và các công ty bảo mật, đánh cắp hàng chục ngàn Bảng Anh.

Sau khi Megaupload bị đóng cửa và bản thân anh bị bắt giữ. Hiện giới chức Mỹ đang tìm cách để dẫn độ Dotcom từ New Zealand sang Mỹ, tại đây, Dotcom có thể sẽ phải đối mặt với án tù lên đến 20 năm.

Những đại gia từ giàu có đi đến phá sản - 1

2. Bjorgolfur Gudmundsson

Tỷ phú Bjorgolfur Gudmundsson, người từng giàu thứ 2 Iceland cũng không tránh khỏi sự nghiệt ngã của số phận khi lâm vào cảnh tay trắng vì đầu cơ thua lỗ. Gudmundsson sở hữu ngân hàng Landsbanki –ngân hàng lớn thứ hai tại quốc đảo xinh đẹp Iceland. Năm 2007, ông mua Câu lạc bộ West Ham với giá 85 triệu bảng.

Năm 2008, Ngân hàng Landsbanki bị Chính phủ quốc hữu hóa để tránh đổ vỡ. Kết cục, khối tài sản 1,2 tỷ USD của Gudmundsson đã trở thành con số 0. Đến năm 2009, công ty Hansa của ông tiếp tục đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Để giải quyết những khó khăn về tài chính, Bjorgolfur Gudmundsson đã chấp nhận bán lại West Ham cho tập đoàn chuyên kinh doanh bất động sản CB Holding để có tiền trả nợ. Hiện tại ông đã trở về xuất phát điểm với hai bàn tay trắng.

3. Sean Quinn

Sinh ra trong một gia đình nông dân tại Fermanagh, thuộc Bắc Ireland, Sean Quinn rời trường học vào năm 14 tuổi để làm việc tại nông trại của gia đình. Ông khởi nghiệp bằng nghề khai thác và kinh doanh đá vào những năm 1970 với 100 bảng tiền vay. Sau đó, ông đã xây dựng được Quinn Group - một đế chế khai khoáng, chế tạo, kinh doanh bất động sản và bảo hiểm trị giá nhiều tỷ. Quinn được tạp chí Forbes vinh danh là người giàu nhất Ireland vào năm 2008. Đồng thời, tỷ phú này cũng sở hữu nhiều tài sản tại Anh, trong đó sân golf Belfry, một trong những sân golf lớn và đẹp nhất của châu Âu.

Thế nhưng, sóng gió đã nổi lên từ năm 2008, mà khởi nguồn của nó là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vào lúc thị trường bất động sản Ireland phát triển đỉnh điểm, Sean Quinn đã mua tới 28% cổ phần của Anglo Irish Bank bằng tiền đi vay của chính ngân hàng này. Khi thị trường bất động sản Ireland bị sụp đổ, cổ phiếu Anglo Irish Bank “rơi tự do” và  trở thành đống giấy lộn cùng với việc ngân hàng này bị quốc hữu hóa trong năm 2009. Không thể thanh toán các khoản nợ khổng lồ cho Anglo Irish Bank, Sean Quinn đã buộc phải gán nợ  Quinn Group vào tháng 4 năm 2011. Thậm chí, ngân hàng này còn tuyên bố nếu việc tịch thu Quinn Group vẫn không đủ thì các tài sản cá nhân khác của Sean như nhà cửa, đất đai cũng sẽ phải “đội nón ra đi”.  Vị tỷ phú lừng lẫy một thời đã phải ngậm ngùi tuyên bố phá sản, trao Quinn Group, “đứa con đẻ” của mình cho ngân hàng nhà nước. Thâm chí, ông còn phải thụ án 9 tuần trong tù sau khi đã phá sản.

4. Allen Stanford

Tỷ phú “một thời” Allen Stanford từng được tạp chí Forbes xếp hạng người giàu thứ 605 thế giới với khối tài sản 2,2 tỷ USD năm 2006, từng được phong tước Hiệp sỹ của đảo quốc Antigua & Barbuda năm 2002 vì những nghĩa cử hào phóng của mình… Ông chủ quản lý các hoạt động kinh doanh với tổng giá trị tài sản lên tới 50 tỷ USD không chỉ nổi tiếng nhờ lối sống xa hoa, sở hữu nhiều máy bay, du thuyền, đội bóng cricket chuyên nghiệp mà còn nổi tiếng khi bị phanh phui là “kẻ đánh cắp cuộc sống của người khác” để làm giàu cho bản thân.

Năm 2009, Ủy ban chứng khoán (SEC) và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt đầu vào cuộc điều tra Allen Stanford. Sự thật được phơi bày, tập đoàn tài chính Stanford của Allen thực chất là kinh doanh trá hình theo kiểu mô hình Ponzi. Allen đã sử dụng tiền của khách hàng với mục đích đầu tư để chi tiêu cho cuộc sống xa hoa của mình. Hơn 50.000 khách hàng ở 131 quốc gia và vùng lãnh thổ (tập trung chủ yếu ở Mỹ, châu Mỹ Latinh và vùng biển Caribe) đã bị lừa với tổng số tiền lên tới 6,7 tỷ USD.

Năm 2012, sau nhiều lần trì hoãn, Allen Stanford ra tòa và chính thức bị “truất ngôi” tỷ phú cùng với cuộc sống xa hoa của mình bằng mức án 110 năm tù cho hành vi lừa đảo xuyên quốc gia.

5. MC Hammer

Vào năm 1990, sau khi ra mắt album "Please Hammer Don't Hurt 'em", MC Hammer đang có trong tay hơn 33 triệu USD.

Sau đó không lâu, năm 1996, Hammer buộc phải tuyên bố phá sản với những khoản nợ lên tới 10 triệu USD không có khả năng thanh toán. Khi được nữ hoàng truyền thông Oprah Winfrey phỏng vấn về các khoản nợ này, Hammer tiết lộ ông đã tiêu tiền vào những việc làm có ích.

"Tôi đã sử dụng tiền của mình để mang lại việc làm cho 200 người trong khu vực. Có lúc tôi trả cho họ khoản tiền lên tới hàng triệu USD" - Hammer chia sẻ.

Hiện tại, Hammer đang sống cùng gia đình với 5 đứa con và đầu tư vào tất cả những dự án có thể sinh lời. Đến năm 2013, số nợ của ông vẫn còn 800.000 USD.

6. Jordan Belfort

Jordan Belfort, một chuyên gia tài chính từng bị đi tù về tội lừa đảo ở Mỹ, nhân vật nguyên bản của cuốn tự truyện cùng tên được dựng thành bộ phim nổi tiếng “Sói già Phố Wall”.

Sự nghiệp tại phố Wall của Belfort bắt đầu với công việc của một nhà môi giới chứng khoán tại Công ty L.F.Rothschild. Đến ngày 16/10/1987, thị trường chứng khoán của Phố Wall đột ngột giảm 580 điểm. Belfort và các đồng nghiệp bị thất nghiệp và phá sản.

Năm 1998, sau những điều tra của lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia, công ty của Belfort cuối cùng phải đóng cửa. Ông bị kết án tù với tội danh gian lận chứng khoán và rửa tiền.

Nhờ mối quan hệ với FBI, Belfort được thả ra sau 22 tháng và bị buộc phải bồi thường 110 triệu USD gian lận. Trong thời gian ngồi tù, Belfort đã viết lại những kinh nghiệm môi giới chứng khoán của mình và xuất bản quyển hồi ký The Wolf of Wall Street (Sói già phố Wall).

7. Willie Nelson

Vào những năm đầu thập kỷ 80, biểu tượng của làng nhạc country đã nhận được hóa đơn tiền thuế cao nhất trong lịch sử sau khi Cục điều tra liên bang phát hiện dấu hiệu trốn thuế. Willie Nelson phải trả tổng cộng 16,7 triệu USD.

Mặc dù, luật sư của ông "cãi" thành công và giảm mức phạt xuống còn 6 triệu USD, Willie Nelson vẫn không thể trả nổi khoản tiền. Hệ quả là trang trại tại Texas và tài sản của ông bị phong tỏa toàn bộ.

Tuy nhiên, sau đó, Willie Nelson đã làm lại cuộc đời và đạt được những thành công mới trong sự nghiệp. Hiện tại, tổng tài sản của ông lên tới 25 triệu USD.

8. George Foreman

Sinh ra ở Houston, Mỹ, George Foreman có một tuổi thơ không hề yên ả. Ông bỏ học từ năm 15 tuổi. Cuộc đời của Foreman chỉ thay đổi khi ông gặp tư vấn viên của Job Corps, một tổ chức chuyên giúp đỡ thanh thiếu niên hư hỏng. Họ giới thiệu ông gặp Doc Broaddus, một HLV quyền Anh. Nhận thấy tiềm năng của Foreman, Broaddus hướng ông vào quyền Anh.

Trong sự nghiệp “boxing” của mình, Foreman đã giành được không ít giải thưởng và danh hiệu, trong số đó có huy chương vàng Olympic 1968. Thành công trong sự nghiệp đã giúp Foreman kiếm bộn tiền và nhanh chóng trở thành triệu phú. Nhưng thật không may sau đó, Foreman đã gần như phá sản khi để mất tới 250 triệu USD và buộc phải trở lại sàn đấu khi ông đã 45 tuổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quốc Việt (Đời sống & Pháp luật/ myfirstclasslife)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN