Nhà thu nhập thấp: Việt Nam học được gì từ Mỹ?

“Để giải quyết bài toán thu nhập thấp trước hết là phải xác định được đội ngũ những người thu nhập thấp là ai? tiến sĩ Lê Đình Tri – Nguyên vụ phó vụ Kiến trúc Quy hoạch - Bộ Xây Dựng cho biết.

Các chuyên gia có mặt tại diễn đàn “Nhà ở dành cho người thu nhập thấp” tổ chức ngày 11/7 tại Viện kiến trúc Quốc gia đều thừa nhận rằng, bài toán nhà ở cho người dân đã khó, nhưng bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp càng khó hơn.

Lấy câu chuyện về nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại Mỹ, Ths.KTS Trần Ngô Đức Thọ - Nghiên cứu sinh tại Trường Kiến trúc, Đại học Texas A&M, Hoa Kỳ đã giới thiệu các chính sách hỗ trợ nhà ở của Mỹ với các giải pháp dành cho nhà thu nhập thấp được đánh giá cao.

Nhà thu nhập thấp: Việt Nam học được gì từ Mỹ? - 1

Ths.KTS Trần Ngô Đức Thọ - Nghiên cứu sinh tại Trường Kiến trúc, Đại học Texas A&M, Hoa Kỳ

Theo nghiên cứu của Ths. KTS Trần Ngô Đức Thọ, ở Mỹ, nhà ở dành cho người thu nhập thấp được xây dựng để đáp ứng đúng về cung – cầu, trong đó nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc sáng tạo các cơ chế hỗ trợ các dự án nhà thu nhập thấp.

Cụ thể, ở Mỹ, 2 nhóm giải pháp chính đó là nhà nước hỗ trợ chi phí đầu tư xây dựng các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp mới và  chi phí duy trì các dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp hiện có. Đối tượng của các nhóm giải pháp này là các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và người dân (bao gồm người thuê nhà và mua nhà).

Chỉ số về thu nhập bình quân địa phương được tính toán cho các thành phố và được cập nhật hàng năm.Thị trường nhà ở dành cho người thu nhập thấp cũng được chia ra thành nhiều nhóm thu nhập: đối tượng thu nhập đặc biệt thấp: < 30% mức thu nhập bình quân địa phương, đối tượng thu nhập rất thấp : 31% - 50% mức thu nhập bình quân địa phương, đối tượng thu nhập thấp: 51-80% mức thu nhập bình quân địa phương, đối tượng thu nhập trung bình: 81-120% mức thu nhập bình quân địa phương.

Mỹ cũng có những giải pháp hỗ trợ nhà ở dành cho người thu nhâp thấp như: hỗ trợ trực tiếp vốn cho dự án, hỗ trợ gián tiếp vốn cho chủ đầu tư, hỗ trợ đất đai, miễn thuế, phí hoặc hạ tiêu chuẩn quy hoạch.

Nhà thu nhập thấp: Việt Nam học được gì từ Mỹ? - 2

Hiện Việt Nam đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 98 dự án xã hội và 129 dự án nhà ở xã hội đang tiếp tục triển khai (Ảnh: Tiền Phong)

Tuy nhiên, khi được hỏi bài học về thị trường nhà thu nhập thấp có áp dụng được cho Việt Nam hay không, Ths.KTS Trần Ngô Đức Thọ còn khá dè dặt. Ths. Đức Thọ cho rằng, “trên lý thuyết, Việt Nam có thể áp dụng được những chính sách của Mỹ sau khi điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của nước ta. Tuy nhiên, phía Mỹ, các số liệu thống kê đầy đủ, chi tiết và được công bố rộng rãi. Ở Việt Nam, chưa có thống kê chính xác thu nhập thực của người dân thì khó có thể biết thu nhập thấp ra sao mà đánh giá” .

Cách chia nhỏ đối tượng thu nhập thấp của người Mỹ được TS.KTS. Lê ĐìnhTri ủng hộ : “Tôi rất ủng hộ cách người ta chia nhỏ đối tượng, càng nhỏ càng tốt, càng dễ nhận diện . Tuy nhiên ở Việt Nam thì không định danh và định lượng được. Chia thì ngồi salon cũng có thể chia được, nhưng để biết bao nhiêu người và mỗi người bao nhiêu thì khó, nếu không có điều tra xã hội”.

Theo TS.KTS. Lê ĐìnhTri, lịch sử ở Mỹ và ta khác nhau bởi tình trạng nhà vô gia cư của Mỹ có cách đây 2 thế kỷ. Lúc đó Việt Nam chưa hình thành đội ngũ vô gia cư, có chăng chỉ một số người tạm bợ nhưng họ vẫn thuê nhà ở. Chính vì vậy, những chính sách của người Mỹ áp dụng cho Việt Nam phải chọn lọc kỹ càng chứ không thể áp dụng một cách máy móc.

“Người Mỹ trợ giá cho người nghèo, trợ giá cho người thuê nhà, và đặc biệt, họ đưa vào chính sách của nhà nước là giảm chính sách phát triển đô thị, quy chuẩn, vận hành đưa vào luật. Mỗi một giai đoạn, Mỹ áp dụng một khác.  Họ không bao giờ cho một doanh nghiệp nào đấy. Tiền vào tay doanh nghiệp 10 thì chỉ còn 3, còn 5. Đấy là điều Việt Nam hạn chế, là phải thông qua một bộ phận khác”.

Cho nên, nếu áp dụng các cơ chế của Mỹ vào Việt Nam cần có sự chọn lọc.

Trả lời cho giải pháp để phát triển nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại Việt Nam, TS.KTS. Lê ĐìnhTri  đưa ra phương án: “Để giải quyết bài toán thu nhập thấp trước hết là phải định cho được đội ngũ những người thu nhập thấp là ai? Đây là một bài toán khó. Vấn đề còn lại là đưa ra chính sách về nhà ở xã hội”.

Còn theo Ths. Đức Thọ, chúng ta đang ở bước đầu của quá trình hình thành bộ khung chính sách liên quan đến việc phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, do đó đầu tư cho NCKH sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, gia tăng tính hiệu quả, tiết kiệm thời gian và vốn xã hội.

Các đơn vị nghiên cứu khoa học độc lập như các viện nghiên cứu, trường Đại học hay các tổ chức phi chính phủ cần được tiếp cận tới những số liệu thống kê chính xác, chi tiết và đầy đủ để tính toán được nhu cầu thực tế về nhà ở cho các nhóm cư dân để từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp. Ngoài ra, cần có sự tham gia của các chuyên gia ở nhiều ngành trong quá trình hình thành chính sách nhà ở để đưa ra giải pháp triệt để phù hợp điều kiện nước ta.

Hiện Việt Nam đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 98 dự án xã hội, trong đó có 35 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 18.950 căn hộ,; 63 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 17.430 căn hộ.

Có 129 dự án nhà ở xã hội đang tiếp tục triển khai, trong đó có 90 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 55.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 27.560 tỷ đồng; 39 dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng 27.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.850 tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thảo Nhi ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN