Nhà nước chỉ giữ 100% vốn ở 11 lĩnh vực

Sự kiện: Kinh Doanh

Từ ngày 15-2-2017 đến năm 2020, tất cả 240 doanh nghiệp nhà nước hiện có sẽ phải thực hiện cổ phần hóa theo Quyết định số 58/2016/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ

Đáng lưu ý là để công tác sắp xếp doanh nghiệp (DN) nhà nước trong giai đoạn này thực sự có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục chi tiết các DN phải thực hiện cổ phần hóa (CPH) cũng như tỉ lệ vốn nhà nước giữ lại.

Công bố danh mục chi tiết

Theo đó, chỉ còn 103 DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Bao gồm 64 công ty xổ số, 5 ngân hàng (NH), trong đó có 3 NH vừa được NH Nhà nước mua lại với giá 0 đồng và các DN truyền tải, điều độ hệ thống điện, DN sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ, quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, quản lý không lưu, in tiền… Trong danh sách này có một số DN điển hình như Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott), NH Dầu khí Toàn Cầu, NH Đại Dương, NH Xây dựng, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực. Như vậy nhà nước chỉ giữ 100% vốn ở 11 lĩnh vực.

Danh mục DN do nhà nước nắm giữ trên 65% vốn cũng giảm mạnh, chỉ còn tại các DN quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, khai thác khu bay; khai thác khoáng sản theo quy mô lớn, tìm kiếm, thăm dò và phát triển dầu khí; tài chính - NH (không bao gồm bảo hiểm, chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty tài chính và cho thuê tài chính). Trong nhóm này có các tên tuổi công ty mẹ như Tập đoàn Than - Khoáng sản, NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).

Nhà nước chỉ giữ 100% vốn ở 11 lĩnh vực - 1

Nhà nước sẽ chỉ còn giữ 65% vốn tại Vietnam Airlines

Các DN mà sau CPH nhà nước chỉ giữ từ 50% đến dưới 65% vốn điều lệ là các DN sản xuất hóa chất cơ bản; vận chuyển hàng không. Mức nắm giữ vốn dưới 50% có 106 DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh cấp thoát nước, môi trường, chiếu sáng, nhằm xã hội hóa các lĩnh vực kinh doanh trước đây được coi là công ích.

Minh bạch để dễ thực hiện

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính, cho rằng việc ban hành Quyết định 58 là một bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình sắp xếp DN nhà nước đạt hiệu quả tốt hơn so với giai đoạn trước. Giai đoạn 2011-2015, Chính phủ chỉ quy định mỗi lĩnh vực nhà nước giữ lại bao nhiêu phần trăm vốn, sau đó các địa phương, bộ ngành về tập hợp, phân loại danh sách trình Bộ Tài chính và Chính phủ duyệt, thủ tục này mất cả năm. “Có nơi triển khai làm rồi thì nơi kia mới trình danh sách nên lại thấy làm sớm bị thiệt thòi và xin điều chỉnh. Có DN tự phân loại mình 70% là hoạt động kinh doanh, 30% là an sinh xã hội để xin giữ lại vốn nhà nước. Nay Chính phủ đã công bố cụ thể từng DN có tỉ lệ nắm giữ vốn bao nhiêu thì tất cả đều phải thực hiện, không có chuyện xin điều chỉnh được nữa” - ông Tiến nói.

Về chất lượng bán vốn, giai đoạn 2011-2016, cả nước CPH được 508 DN nhưng nhà đầu tư chiến lược chỉ nắm giữ 15,8% vốn, tỉ lệ bán vốn công khai cũng chỉ đạt 16,7% vốn điều lệ trong khi tỉ lệ vốn do nhà nước nắm giữ tại các công ty cổ phần vẫn là 65%. Lý do là các DN viện cớ không bán được cổ phần, phải giữ lại vốn. Để nâng cao chất lượng bán vốn nhà nước, ông Tiến cho biết năm 2017 sẽ đổi mới cách thức bán và không còn khống chế khi lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Bên cạnh đó, không yêu cầu bán hết ngay theo kế hoạch mà bán lần lượt, sau khi CPH vẫn còn, DN niêm yết trên sàn để tự bán.

Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), việc ban hành danh mục chi tiết sẽ giúp các nhà đầu tư có thông tin cụ thể trước khi ra quyết định đầu tư, đồng thời tạo ra áp lực CPH đối với các DN, góp phần đẩy nhanh và nâng cao chất lượng CPH DN nhà nước trong giai đoạn tới.

Giai đoạn 2016-2020 sẽ có 103 DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 4 DN cổ phần hóa do nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ; 27 DN cổ phần hóa do nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ; 106 DN cổ phần hóa do nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tô Hà (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN