Nguy cơ phá giá nhà đất sau thời "bong bóng"?

"Cần cẩn trọng khi thị trường rơi vào chu kỳ hai của bong bóng, lúc đó hệ quả là phải phá giá nhà" - ông Đặng Hùng Võ.

Chưa lo “bong bóng” BĐS

Dự báo về thị trường bất động sản (BĐS) trong năm 2016 và tương lai gần, GS.TSKH Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng đây chưa phải thời điểm lo ngại "bong bóng" BĐS quay trở lại. 

Tại buổi Hội thảo “Dự báo xu hướng thị trường BĐS Việt Nam 2016” được tổ chức tại TP.HCM sáng 5/12, GS. TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng thị trường BĐS thời điểm hiện nay được cho là đã kết thúc giai đoạn “tích tụ bong bóng”. Thị trường đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn. 

“Thị trường BĐS Việt Nam vẫn luôn được đánh giá là hấp dẫn với mức độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu phát triển mạnh. Có thể coi năm 2015 là một năm bắt đầu một thời kỳ mới của thị trường BĐS đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao hơn, “chất" thị trường mạnh hơn. Nhưng đã qua rồi cái thời cứ đổ tiền vào BĐS là sẽ sinh lời”, ông Đặng Hùng Võ đánh giá.

Nguy cơ phá giá nhà đất sau thời "bong bóng"? - 1

 GS.TSKH Đặng Hùng Võ (giữa) cùng các chuyên gia trao đổi tại hội thảo.

Về tâm lý lo ngại "bong bóng" sẽ quay trở lại thị trường BĐS, ông Đặng Hùng Võ nhận định rằng đây chưa phải là vấn đề lo lắng trong vòng ba năm tới. Bởi thị trường BĐS là thị trường có quán tính cao, sức ì cũng lớn. Không thể trong 1 năm là có biến chuyển ngay được, lượng giao dịch tốt như hiện nay không có cơ hội cho sự tích tụ bong bóng. Tuy nhiên cần cẩn trọng khi thị trường rơi vào chu kỳ hai của bong bóng, lúc đó hệ quả là phải phá giá nhà.

Để khắc phục những nhược điểm nói trên trong tương lai, ông Đặng Hùng Võ cho rằng thị trường BĐS trong nước cần đa dạng hóa nguồn vốn và nguồn cung trên tất cả các phân khúc. Bên cạnh đó cần có nguồn vốn trung và dài hạn trong việc giải quyết nhà ở xã hội cũng như phát triển thương mại BĐS.

Cần chính sách ổn định, minh bạch

Phân tích về tình hình kinh doanh BĐS Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng, việc nước ta tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương và Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong thời gian tới sẽ là “cú hích” cho thị trường BĐS.

Kinh tế mở cửa sẽ có lượng lớn chuyên gia, người nước ngoài đến Việt Nam. Đây là đối tượng khách hàng đầy tiềm năng trong phân khúc căn hộ để bán và cho thuê. Bên cạnh đó, BĐS công nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi.

Nguy cơ phá giá nhà đất sau thời "bong bóng"? - 2

  Thị trường BĐS Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất tiềm năng nhưng chính sách cần phải rõ ràng, không thay đổi chóng vánh mới thật sự thu hút.

Nêu ý kiến tại hội thảo, ông Jeff Foo – Chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Singapore, cho rằng những chính sách mới sẽ giúp thiết lập thị trường BĐS Việt Nam cân bằng, minh bạch hơn. Nhưng sẽ mất thời gian để các nhà đầu tư nước ngoài quan sát thị trường trước khi quyết định xuống tiền đầu tư.

Theo ông Jeff Foo, nguyên nhân xuất phát từ việc cơ quan quản lý thường thay đổi chính sách khiến nhà đầu tư “trở tay không kịp”. Trong năm 2014, Singapore đã đầu tư 4,5 tỷ USD vào BĐS ở nước ngoài, trong đó có 91% tại thị trường Anh và Úc.

“Singapore có 5,4 triệu dân nhưng có đến 30.000 người hoạt động trong lĩnh vực BĐS. Chính việc phát triển quá “nóng” ở lĩnh vực này nên Nhà nước đã có những quy định chặt chẽ để kiểm soát giao dịch BĐS ở nước ngoài. Người hoạt động ngành nghề này phải có chứng chỉ do Nhà nước cấp”, ông Jeff Foo chia sẻ.

Ông Jeff Foo cho rằng, trước đây các nhà đầu tư Singapore chưa mạnh dạn đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam và họ chỉ coi đây như là “trạm dừng chân”. Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh tế này, cơ quan quản lý Việt Nam phải có chính sách rõ ràng, không thay đổi chóng vánh. 

Kinh doanh dịch vụ BĐS không cần vốn pháp định 20 tỷ đồng

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng, Nghị định 76/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh BĐS năm 2014, trong đó có nói đến quy định doanh nghiệp kinh doanh BĐS phải có vốn pháp định 20 tỷ đồng. Tuy nhiên khi Nghị định đi vào thực tế chưa được các doanh nghiệp hiểu đúng, dễ gây nhầm lẫn. Ông Nguyễn Mạnh Hà cho hay, quy định này chỉ áp dụng cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển dự án BĐS. Còn đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ BĐS sẽ không thuộc diện điều chỉnh của quy định này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Anh Linh (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN