Ngân hàng vào cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi

Trước tâm lý dao động giữa việc nắm giữ tiền VND hay USD của người gửi tiền và áp lực tăng mạnh của tín dụng, nhiều ngân hàng lại bắt đầu cuộc đua tăng lãi suất huy động để thu hút người dân yên tâm gửi tiền đồng.

Tăng lãi suất tiền gửi cả ngắn cả dài

Nếu như trước đây, các ngân hàng chủ yếu tăng lãi suất huy động ở các kỳ gửi ngắn hạn thì mới đây, nhiều ngân hàng cho biết, lãi suất bắt đầu tăng cả ở các kỳ tiền gửi dài hạn. Cụ thể: Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn 12-24 tháng tại Sacombank đều được điều chỉnh tăng 0,1% - 0,2% kể từ ngày 16.9. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại Sacombank là 7,55% khi khách gửi 13 tháng. Kế tiếp là các kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng có mức lãi suất 6,40%/năm. Đây là đợt điều chỉnh lãi suất tiền gửi lần thứ 3 kể từ tháng 8 của ngân hàng này.

Ngân hàng vào cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi - 1

Tương tự, Eximbank công bố biểu lãi suất tiền gửi áp dụng từ 21.9 cũng tăng nhẹ 0,1-0,2% ở một số kỳ hạn. Lãi suất niêm yết cao nhất của ngân hàng là 7,5% với kỳ hạn 13 tháng, cao hơn 0,6% so với cách đây 3 tháng. Các mốc thấp hơn là kỳ hạn 36 tháng, 24 tháng tương ứng 6,8% và 6,6%. Trước đó Ngân hàng ABBank, VIB và SeABank... cũng tăng một số kỳ hạn với mức 0,2-0,3%/năm.

Với việc tăng lãi suất huy động dài hạn lần này, các ngân hàng cho rằng, mục đích là để đáp ứng nhu cầu vay vốn dài hạn của doanh nghiệp tăng lên dịp cuối năm. Các ngân hàng cần vốn để cho vay trung và dài hạn với doanh nghiệp. Hơn nữa tâm lý của người gửi tiền hiện nay đang dao động giữa việc nắm giữ VND hay USD nên nếu không tăng lãi suất huy động tiền đồng, người dân có thể rút tiền đồng từ ngân hàng chuyển sang USD sẽ gây ra thiếu hụt và mất cân đối nguồn vốn của ngân hàng.

Đánh giá về động thái tăng lãi suất tiền gửi này của các ngân hàng, chuyên gia tài chính ngân hàng - ông Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, có dấu hiệu cho thấy thanh khoản hệ thống đang bắt đầu căng thẳng trở lại dưới sức ép của tăng trưởng tín dụng và rủi ro tỷ giá trong thời điểm cuối năm. Và với những biến động trên thị trường tài chính trong và ngoài nước hiện nay, các ngân hàng chọn cách tăng lãi suất huy động để đảm bảo tốt thanh khoản.

Chính vì thế nếu cơ quan quản lý không có biện pháp kiểm soát tốt vấn đề này dễ dẫn đến tình trạng lãi suất huy động tăng thành xu hướng và khi đó sẽ kéo lãi suất cho vay tăng lên. Điều này sẽ tác động xấu tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khi phải vay vốn với lãi suất cao hơn, gây khó khăn thêm cho nền kinh tế.

Chưa quá lo ngại về lãi suất

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, biến động lãi suất hiện nay vẫn chưa quá lo ngại. Bởi lãi suất tăng vẫn chủ yếu xuất phát từ các ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô trung bình và nhỏ. Mức độ tăng của lãi suất vẫn còn thấp và chưa phải tăng đồng loạt tại tất cả các ngân hàng.

Ông Phong cho rằng, áp lực tỷ giá vẫn còn nên không thể “bắt” lãi suất phải “nằm im”. Chưa kể, sự bứt phá trong tăng trưởng tín dụng là rất đáng chú ý bởi nó cũng là nguyên nhân làm tăng lãi suất hiện nay. Khoảng cách giữa tăng trưởng huy động và cho vay càng nới rộng, sức ép  nhằm bổ sung nguồn vốn đầu vào phục vụ cho các khoản vay bước vào mùa cao điểm cuối năm của ngân hàng sẽ càng lớn.

Còn TS.Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương thì cho rằng, biến động lãi suất còn ở mức hạn chế, vừa phải như hiện tại cũng đã là thành công lớn của cơ quan quản lý và là cố gắng cao của các ngân hàng khi mà đồng USD không ngừng mạnh lên và huy động trái phiếu Chính phủ thì ảm đạm.

Ông Thành lý giải, lãi suất VND hiện nay phụ thuộc vào tỷ giá và lãi suất đồng USD, trong khi đồng USD thì tiếp tục mạnh lên. Thời gian qua, khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ, lãi suất tiền đồng giữ nguyên đã khiến người dân có xu hướng chuyển từ gửi VND sang gửi USD. Do vậy, lãi suất huy động VND ắt phải tăng thì mới chặn được đà chuyển đổi này. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN