Lãi suất tiền gửi tăng, vì sao?

Động thái tăng lãi suất tiền gửi của một số ngân hàng thương mại gần đây được đánh giá khá bất ngờ...

Ngân hàng (NH) TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) vừa đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi với mức cao nhất lên tới 7,7%/năm. Khi khách hàng gửi tiết kiệm thông thường kỳ hạn 13 tháng tại Viet Capital Bank, lãi suất là 7,5%/năm và những khách hàng từ 39 tuổi trở lên tham gia chương trình tiết kiệm 39+ ưu việt được cộng thêm lãi suất 0,2%/năm.

Tăng qua khuyến mãi

Tại NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), khách hàng gửi tiết kiệm online kỳ hạn 1 tháng mức lãi suất 4,6%/năm nhưng nếu tham gia chương trình khuyến mãi “Gửi tiền nhanh tay, nhận quà như ý” lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng lên 5,1%/năm. Một chương trình khuyến mãi khác là “Gửi vốn mới, tới nhận quà”, khách hàng gửi tiết kiệm 1 tháng lãi suất lên tới 5,4%/năm. Một số NH khác cũng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất ở các kỳ hạn thêm khoảng 0,1%-0,2%/năm…

Lãi suất tiền gửi tăng, vì sao? - 1

Dù nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động nhưng lãi suất cho vay vẫn ổn định Ảnh: Tấn Thạnh

Về việc lãi suất huy động nhích lên, lãnh đạo một số NH cho rằng có thể việc tăng lãi suất nhằm thu hút vốn chuẩn bị cho cao điểm tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm. Trung tâm Nghiên cứu của NH TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng dự báo lãi suất huy động thời gian tới sẽ tăng nhẹ nhằm bảo đảm thanh khoản tín dụng (quý III/2016, dự kiến tín dụng tăng 10%-11%), cạnh tranh với trái phiếu Chính phủ và diễn biến lạm phát. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định không có lý do đặc biệt nào để tăng lãi suất huy động vào thời điểm này khi lạm phát vẫn được kiểm soát, lãi suất liên NH ở mức thấp kỷ lục và tỉ giá không phải chịu áp lực nào. Trên thị trường liên NH, thanh khoản của các tổ chức tín dụng khá dồi dào đẩy lãi suất liên NH giảm sâu, nhất là sau khi NH Nhà nước đã bơm khoảng 72.000 tỉ đồng ra thị trường qua kênh ngoại hối trong 2 tháng gần đây.

Không dễ cho vay

Việc lãi suất tiền gửi nhích lên để cạnh tranh trong khi lãi suất cho vay phải giảm theo yêu cầu của nhà nước khiến hoạt động của nhiều NH trong thời gian qua không mấy dễ dàng. Thống kê đến cuối tháng 4-2016, tăng trưởng tín dụng ở mức 3,57% so với cuối năm ngoái, trong khi huy động tăng nhanh hơn với 4,5%. Đại diện một số NH thương mại cho biết lúc này, đẩy tăng trưởng tín dụng không đơn giản khi doanh nghiệp (DN) tốt thì NH “tranh nhau”, còn DN “sức khỏe” kém lại không dám cho vay vì sợ nợ xấu. Ngay một số DN nhỏ được NH chào mời vay vốn cũng không mặn mà do kinh doanh đang khó khăn.

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết đang vay vốn ngắn hạn ở một NH thương mại nhà nước với lãi suất 6,2%/năm kỳ hạn 6 tháng, nếu vay vốn lưu động kỳ hạn 4 tháng lãi suất còn thấp hơn 6,1%/năm.

“Nhiều NH cổ phần liên tục chào mời vay vốn với lãi suất dưới 6%/năm nhưng tôi không vay vì lo lãi suất chỉ ưu đãi trong thời gian đầu, sau đó thả nổi theo thị trường” - ông Thiện nói.

Doanh nghiệp khởi nghiệp khó tiếp cận tín dụng

Đang có vài ngàn tỉ đồng vốn gửi trên thị trường liên NH với lãi suất rất thấp, lãnh đạo một NH thương mại cổ phần có hội sở tại

TP HCM nhìn nhận tăng trưởng tín dụng lúc này không dễ khi các DN còn khó khăn. Hoạt động hiệu quả phần lớn thuộc các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

“Gần đây, nhà nước quan tâm đến DN khởi nghiệp nhưng riêng lĩnh vực này NH thương mại lại không dám “nhảy vào” cho vay vì nhiều rủi ro liên quan đến tài chính, pháp lý. Muốn vay vốn, DN phải có tài sản tích lũy, kinh nghiệm thị trường... nhưng những điều này DN khởi nghiệp đều không có” - vị lãnh đạo NH này phân tích.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thái Phương (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN