Lãi suất tăng tại ngân hàng “người ăn, kẻ lần”

Sự kiện: Kinh Doanh

Kể từ đầu tháng 3 đến nay, cuộc đua phát hành chứng chỉ tiền gửi trở nên khá sôi động tại một số ngân hàng. Chính hiện tượng phân hóa trong thanh khoản đã khiến các NHTM quy mô vừa và nhỏ phải tiên phong trong cuộc đua lãi suất.

Cập nhật thị trường tiền tệ tuần qua SSI cho biết: Thanh khoản hệ thống vẫn tiếp tục căng với lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng lên mức cao nhất 35 ngày là 4.87% vào ngày thứ 4, so với cuối tuần trước. Lãi suất giảm vào cuối tuần nhưng vẫn ở mức cao, 4.656%. NHNN tiếp tục bơm tiền qua OMO để hỗ trợ thanh khoản nhưng khối lượng bơm ròng giảm xuống 3,3 nghìn tỷ.

Trên thị trường 1, tình hình lãi suất đang có những diễn biến đáng chú ý. Một số ngân hàng đã phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài 2-3 năm với lãi suất 8- 9%/năm, cao hơn hẳn mặt bằng lãi suất huy động hiện tại. Với thanh khoản ngắn hạn căng và nguồn tiền có hướng tập trung hơn về phía dài hạn, lãi suất huy động ngắn hạn về lý thuyết là khó giảm, thậm chí phải tăng.

Theo thống kê chính thức của NHNN, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vào cuối năm 2016 là 34.5%, thấp hơn nhiều mức yêu cầu 50% nên nhu cầu đẩy huy động kỳ hạn dài không lớn, giới hạn chủ yếu ở các ngân hàng nhỏ. Tăng trưởng tín dụng nhanh hơn huy động là nguyên nhân cơ bản khiến thanh khoản giảm và lãi suất tăng.

Lãi suất tăng tại ngân hàng “người ăn, kẻ lần” - 1

Trong một thông tin vừa phát đi chiều tối 28/3, công ty chứng khoán BVSC cho biết: đến nay, cuộc đua phát hành chứng chỉ tiền gửi trở nên khá sôi động tại một số ngân hàng.

Điển hình là Sacombank chào bán chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên đến 8,48%/năm cho kỳ hạn 5 năm 1 ngày và 8,88%/năm cho kỳ hạn 7 năm; LienVietPostBank cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 18 tháng, 24, tháng, 36 tháng và 60 tháng với lãi suất cao nhất lên đến 8,8%/năm. Ngân hàng Việt Á phát hành chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn từ 6 tháng đến 18 tháng, mức lãi suất cũng rất hấp dẫn, cao nhất lên đến 8,2%/năm.

Tỷ lệ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 60% xuống còn 50% kể từ năm 2017 và xuống 40% vào năm 2018. Phát hành chứng chỉ tiền gửi hiện được coi là cách nhanh và hiệu quả nhất để tăng tỷ lệ vốn trung và dài hạn trong tổng nguồn vốn huy động.

Ngoài ra, phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng giúp các ngân hàng bổ sung nguồn vốn cấp II nhằm hướng đến mục tiêu tuân thủ Basel II, nâng hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) lên mức cao hơn.

“Theo quan sát của chúng tôi, hiện mới hiện mới chỉ ghi nhận dưới 5 ngân hàng có phát hành chứng chỉ tiền gửi, còn lại chưa thấy sự nhập cuộc của các NHTM thuộc tốp đầu. Nhóm các ngân hàng này cũng chưa thấy điều chỉnh biểu lãi suất huy động”, bản tin ngày 28/3 BVSC cho biết.

Ước tính chênh lệch giữa phần tăng thêm tổng phương tiện thanh toán M2 và phần tăng thêm của tín dụng tại thời điểm 20/02/2017 là khoảng 65.000 tỷ đồng. Số vốn dư thừa này chủ yếu nằm tại các NHTM có quy mô lớn nhất hệ thống nên nhóm này chưa chịu nhiều sức ép tăng lãi suất huy động. Tuy nhiên, chính hiện tượng phân hóa trong thanh khoản đã khiến các NHTM quy mô vừa và nhỏ phải tiên phong trong cuộc đua lãi suất.

Với việc phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao đột biến như thời gian vừa qua, chi phí vốn trung và dài hạn của các ngân hàng phát hành chắc chắn sẽ có sự nhích lên, qua đó có thể sẽ tác động đến mặt bằng lãi suất cho vay. Mặc dù vậy, BVSC đánh giá mức độ tăng sẽ không lớn do số vốn huy động từ các đợt phát hành này nhiều khả năng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Huyền (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN