Hậu cổ phần hóa cảng Hà Nội: Đãi vàng cho thuê?

Sự kiện: Kinh Doanh

Cảng Hà Nội, từng lừng lẫy một thời của ngành vận tải đường thủy, hiện như một “mảnh áo vá” giữa Thủ đô. Các cảng đường thủy lớn tại miền Bắc cũng rơi vào tình trạng tương tự với hoạt động sôi động nhất là… cho vận tải đường bộ thuê kho bãi. Sau cổ phần hoá, những tưởng ngành này được hà hơi, tiếp sức nhưng thực trạng càng xấu đi.

Hiện cảng Hà Nội chỉ có 3/9 cầu cảng hoạt động cầm chừng, mặt hàng thông qua cảng chủ yếu là xi măng (phục vụ chủ yếu cho trạm trộn bê tông đặt ngay trong cảng). Nhiều cần cẩu hàng bị tháo đi; có cầu cảng, cây dại mọc trùm toàn bộ, cao hàng mét.

Trên bờ, hệ thống kho bãi tấp nập xe ra vào nhưng không có mấy dấu hiệu liên quan đến đường thuỷ. Những dãy nhà kho đáng ra phục vụ hàng từ cảng lên, hoặc gom hàng, chờ đưa xuống tàu, nay trở thành nhà kho thuần tuý của vận tải đường bộ (hàng đến và rời cảng đều bằng đường bộ). Hệ thống kho bãi còn được chia nhỏ làm trụ sở, nơi sản xuất của các công ty tư nhân, làm bãi đỗ xe tải, xe khách, gara sửa chữa ô tô… Có điểm, hàng quán, nhà trọ xập xệ mọc lên nhiều tựa như một khu xóm liều. Khu giáp mặt đường Trần Quang Khải được cắt ra cho thương hiệu ô tô Kia, Chevrolet làm nơi trưng bày sản phẩm.

Hậu cổ phần hóa cảng Hà Nội: Đãi vàng cho thuê? - 1

Cảnh tiêu điều, vắng vẻ tại cầu cảng của Cảng Hà Nội. Ảnh: Sỹ Lực

Đứng trên cầu cảng trơ trọi, không có hàng hóa, ông Phạm Thắng - Trưởng đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Hà Nội bảo: “Nhìn mà đau xót cho ngành vận tải thủy. Người ta nói, Thủ đô là trung tâm nhưng với ngành vận tải thủy Thủ đô lại là vùng sâu vùng xa với cả nước”.

Nếu không tính đến lĩnh vực vận tải thủy, xét về bất động sản, Cảng Hà Nội là một mảnh đất vàng với diện tích rộng, liền ô, liền khoảnh (hơn 14 ha) vào loại hiếm có nhất trung tâm Hà Nội hiện nay. Có hay không việc chủ sở hữu cảng chỉ muốn giữ đất, trục lợi đang là câu hỏi được đặt ra?

Lấy mặt bằng cho thuê?

Sự đi xuống của ngành vận tải thủy, hệ thống cảng sông, trong đó có cảng Hà Nội diễn ra từ nhiều năm nay, trước cổ phần hóa. Vào năm 2014, khi tiến hành cổ phần hóa Tổng Cty Vận tải thủy (VIVASO) - đơn vị sở hữu các cảng sông lớn nhất miền Bắc (cảng Hà Nội, cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc, cảng Hòa Bình, cảng Hà Bắc) và đội tàu sông quy mô lớn, những người trong ngành mong có luồng gió mới trợ lực cho các đội tàu, cảng sông. Đến nay, sau ít nhất 2 năm, khi VIVASO được Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường mua lại (Cty Vạn Cường chiếm ít nhất 70% cổ phần), lĩnh vực vận tải thủy của VIVASO đang có dấu hiệu chết yểu.

Đại diện Cảng vụ Đường thủy Hà Nội cho biết: Không có bất cứ đầu tư mới nào vào cảng Hà Nội. Thậm chí còn thu gọn lại. Đơn cử, trước cổ phần hóa, cán bộ công nhân cảng có hàng trăm người, nay trực tiếp vận hành chỉ còn vỏn vẹn 5 người. Đa số công nhân bị trả lương thấp đã xin nghỉ, bán nốt cho Vạn Cường số cổ phần ưu đãi. Các cầu cảng cũng đã được Cty Vạn Cường cho công ty khác thuê, không trực tiếp khai thác. Lãnh đạo Cảng vụ nói: Vì nhân sự của cảng Hà Nội quá ít, không biết cụ thể ai có trách nhiệm thực sự nên phối hợp khó khăn.

PV Tiền Phong liên lạc nhiều lần để gặp ông Nguyễn Thủy Nguyên (Chủ tịch Vạn Cường, đồng thời là Chủ tịch VIVASO) tìm hiểu về kế hoạch phát triển ngành nghề vận tải thủy nhưng không thành công. Lãnh đạo cảng Hà Nội hiện nay cũng cho biết, chỉ là người làm thuê, không biết gì về kế hoạch phát triển.

Các diễn biến thực tế cho thấy, sau khi mua lại VIVASO, hoạt động sôi động nhất của Cty Vạn Cường chính là cho thuê trụ sở, kho bãi. Tòa nhà trụ sở chính của VIVASO ở Nguyễn Văn Cừ được cho thuê. Tổng Cty dồn trụ sở về cảng Hà Nội. Trên website, tổng công ty này rao cho thuê hầu hết các trụ sở làm việc của chi nhánh, kho bãi ở các cảng, không thấy bất cứ thông tin nào về đầu tư phát triển liên quan đến vận tải thủy. Dự án đầu tư duy nhất được biết đến của VIVASO là bỏ ra 32,5 tỷ đồng để mua lại 65% cổ phần của Hãng phim Việt Nam - một đơn vị có hơn 5.000 m2 “đất vàng” tại khu vực Ba Đình, Hà Nội.

Một chuyên gia kinh tế cho hay, Vạn Cường mua phần lớn cổ phần của VIVASO sau khi IPO ế ẩm. Phần vốn thoái của Nhà nước (còn 24% sau IPO) cũng được bán qua đấu giá (ông Nguyễn Thủy Nguyên cũng là cá nhân tham gia đấu giá).

“Nay, họ nắm quyền điều hành, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, có quyền làm bất cứ ngành gì miễn đúng quy định và có lãi cho họ; chúng ta không thể can thiệp” – ông này nói. Tuy nhiên, vị này cũng cho biết, trong phương án cổ phần hóa, Vạn Cường chỉ nắm quyền thuê đất. Vì thế việc sử dụng đất phải đúng hợp đồng thuê đất; muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải theo quy hoạch, được Nhà nước cho phép và phải đóng thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Ông Hoàng Minh Toàn, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa đánh giá: Sau khi Vạn Cường mua lại VIVASO chưa thấy có các dấu hiệu đầu tư mới vào ngành đường thủy, chủ yếu là cho thuê kho bãi, trụ sở. Nhiều lần cục mời họp, đại diện VIVASO không có mặt. Ông Toàn cho hay, theo quy định thiết kế công trình cảng đường thủy, diện tích đất kho bãi phụ thuộc vào số lượng hàng hóa thông qua đường thủy. Nếu Cty Vạn Cường không tập trung đầu tư vào ngành đường thuỷ, chỉ “chăm chăm” vào việc cho thuê kho kiếm lời, cục sẽ hạ cấp của cảng; từ đó đề nghị địa phương thu hồi đất sử dụng không đúng mục đích phục vụ cho cảng đường thủy.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Sỹ Lực (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN