Hà Nội: Nhà tái định cư Hoàng Cầu bị “thổi giá”?

Mặc dù giá gốc của những căn nhà tái định cư Hoàng Cầu chỉ dao động từ 15 đến 16 triệu/m2 nhưng qua dịch vụ, mỗi căn hộ lại được giao bán với giá không dưới 30 triệu/m2, tuỳ vị trí mỗi căn trong mỗi toà nhà sẽ có giá khác nhau.

“Thổi” giá một gấp đôi

Trong bối cảnh nhu cầu nhà ở tại thành phố Hà Nội đang rất cao, thì có một nghịch lý hiện nay là nhiều khu tái định cư được xây dựng và hoàn thiện đã lâu không có hoặc rất ít người ở. Lý do được đưa ra là giá nhà tái định cư gần khu vực trung tâm thành phố bị “thổi” lên gấp nhiều lần. Điều này, dẫn đến sự bức xúc với những người có nhu cầu mua lại căn hộ tái định cư để sinh sống.

Điển hình là khu chung cư tái định cư Hoàng Cầu, quận Đống Đa. Là người tỉnh lẻ đang công tác ở Hà Nội, bà N.H.T (33 tuổi) cùng gia đình có nhu cầu mua nhà ở xã hội, nhà tái định cư với mức giá phù hợp túi tiền. Tuy nhiên, dạo qua một vòng các thông tin được đăng tải trên mạng cũng như liên hệ trực tiếp qua điện thoại, với thông tin có được bà T không khỏi giật mình: Giá nhà tái định cư có giá tới 28 triệu/m2 đến 33 triệu/m2, cao “ngang ngửa” với giá nhà thương mại.

Tương tự bà T, ông N.V.C (29 tuổi, ở Thanh Xuân) cũng phản ánh đến Báo Gia đình & Xã hội về giá nhà ở tái định cư. Mặc dù biết là do cơ chế thị trường dẫn đến những mức giá bán khác nhau, nhưng với giá hơn 30 triệu/m2 với nhà tái định cư sẽ như màn đặt cược bởi “không thể biết chất lượng thế nào.

Khu chung cư tái định cư Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) là Dự án nhà ở di dân giải phóng mặt bằng Hoàng Cầu được xây dựng theo Quyết định phê duyệt dự án đầu tư số 5066/QĐ-UBND ngày 31/10/2011 của UBND TP Hà Nội, do UBND quận Đống Đa làm chủ đầu tư.

Dự án gồm 4 toà CT2A, CT2B, CT2C và CT3. Mặc dù đã hoàn thiện từ lâu nhưng quan sát của PV cho thấy, chỉ có một số ít hộ dân dọn đến sinh sống tại nhà CT3. 03 toà nhà còn lại vẫn trong cảnh “vườn không nhà trống”.

Hà Nội: Nhà tái định cư Hoàng Cầu bị “thổi giá”? - 1

Toàn cảnh khu chung cư tái định cư Hoàng Cầu, quận Đống Đa. Ảnh: B.LOAN

Dọn đến nhà CT3 sinh sống đã hơn 7 tháng nay, ông T – bán nước trong khuôn viên khu nhà tái định cư cho biết: “Chỉ duy nhất là nhà CT3 đã bàn giao cho cư dân, nhưng chính nhà CT3 cũng còn rất nhiều căn hộ trống”. Ông T cũng cho biết: “Mua bán bây giờ phải qua dịch vụ, phải bị đội giá ít nhất là hơn chục triệu/m2. Đó là giải pháp nhanh nhất, tiện nhất chứ qua chủ thì không thể gặp mà mua được”.

Ông Trần Văn T. (62 tuổi) – là cư dân lân cận khu nhà tái định cư cho biết: “Trong một lần chạy thể dục ngang qua khu tái định cư, tôi tình cờ hỏi và biết được giá mỗi căn hơn 30 triệu/m2 thì cũng chỉ biết lắc đầu. Giá đó là quá vô lý vì cũng chỉ là nhà tái định cư”. Ông T. tiết lộ một trong những lý do khiến nhà tái định cư có giá cao là “Vì cứ bán đi bán lại nên giá bán cứ thế chênh lên”.

Đồng quan điểm với ông T, bà Trương Thị L (45 tuổi) - sinh sống ngay bên cạnh nhà CT3 thông tin: “Giá đắt là do địa điểm khu nhà. Giá cả vị trí mỗi căn hộ trong từng toà nhà cũng khác nhau, ví dụ căn hộ hướng ra hồ Hoàng Cầu chắc chắn sẽ có giá cao hơn nhiều”.

Bà L khẳng định, thời gian vừa hoàn thiện dự án có rất nhiều người dân đến tham khảo nhưng không hiểu lý do vì sao đến nay vẫn rất ít người dọn đến sinh sống, nhưng nếu người dân không có yêu cầu quá cao về nhà ở thì nên chọn những căn hộ ở xa như khu vực ngoại thành sẽ có giá rẻ hơn”.

Đúng như bạn đọc phản ánh, PV dễ dàng tìm được “nguồn” cung cấp những căn hộ được bán dưới dạng “suất ngoại giao” trên mạng internet, có giá thấp nhất là 28 triệu/m2. Thậm chí, người mua còn dễ dàng được lựa chọn những căn hộ mà mình ưng ý. Đóng 760 triệu đồng đến 850 triệu đồng, người mua có thể dọn đến ở ngay, số tiền còn lại sẽ được nợ trong thời hạn 10 năm với lãi suất cố định là 3,6%/năm.

Giá cao vì nghịch lý cung - cầu

Trong khi thông tin nhà tái định cư được nâng giá gấp đôi thì một cán bộ trong Ban điều hành khu nhà tái định cư lại khẳng định với PV: “Không có tình trạng bán nhà tái định cư, có chăng là do chủ các căn hộ tự ý bán lại với giá cao”.

Ông N.H (đề nghị giấu tên) – đội thợ xây của khu nhà tái định cư thông tin: “Toà nhà CT2A, CT2B, CT2C chưa bàn giao đến dân, hiện mới chỉ bàn giao nhà CT3. Những hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng dọn đến ở chắc chắn sẽ dư rất nhiều căn hộ trống”.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: “Giá của bất động sản phụ thuộc chủ yếu vào quan hệ cung cầu và quan hệ cạnh tranh. Nếu nhiều người mua mà ít hàng thì giá lên, còn bán ra mà ít người mua thì giá phải hạ, đó là cơ chế thị trường”.

Ông Liêm khẳng định: “Nhà tái định cư được cấp cho những người thuộc diện tái định cư nhưng vì nhiều lý do mà họ không đến sinh sống, ví dụ như điều kiện sinh hoạt, điều kiện mưu sinh cũng như dịch vụ họ đang sử dụng…

Nhưng nơi ở mới được sắp xếp là khu tái định cư lại không thích hợp với nhu cầu của họ, cho nên việc đem bán là điều dĩ nhiên. Có thể nhiều hộ gia đình sẽ sử dụng tiền đó để mua căn hộ phù hợp với nhu cầu của họ hơn, chứ không hẳn chủ tâm để đầu cơ”.

Trong bối cảnh nghịch lý về cung cầu nhà ở, ông Liêm cũng cho rằng: “Phải có chính sách tái định cư và không cần, cũng không nên xây dựng nhà tái định cư. Bởi chính sách tái định cư là đền bù thoả đáng cho chỗ ở của người dân, từ chính sách này người dân có thể mua lại một căn hộ trên thị trường với giá thương mại có diện tích tương đương phù hợp với nhu cầu, điều kiện cuộc sống hơn”.

“Đây là loại nhà tái định cư, có phải ai muốn mua muốn bán cũng được đâu! Thế nên giá cả đưa ra thị trường sẽ phải thoả thuận. Còn việc chậm bàn giao cũng có nhiều lý do như việc xây dựng chậm, vốn giải ngân chậm… dẫn đến nhà thầu thi công chậm và việc bàn giao nhà chậm sẽ khó tránh khỏi” - Ông Liêm cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo Loan (Gia đình & Xã hội)
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN