Giá dầu giảm, thu ngân sách vẫn có thể tăng 8%

Trong văn bản trả lời báo chí chiều 1.9, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên khẳng định: Việt Nam sẽ không khai thác thêm dầu để bù hụt thu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) phấn đấu tăng sản lượng thêm 1 triệu tấn, lên mức 15,74 triệu tấn trong năm nay là sự chủ động của ngành để góp phần thực hiện các mục tiêu của cả nước về kinh tế.

"Không phải do thời gian qua giá dầu thô giảm quá sâu nên phải tăng khai thác để bù thiếu hụt về tài chính", Người phát ngôn Chính phủ khẳng định.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng nhận định: Giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu, song số thu ngân sách cả năm 2015 vẫn có thể tăng 8% so với dự toán đã được Quốc hội thông qua.

Thực tế, sau 7 tháng điều hành, ngân sách có hụt ở khu vực xuất khẩu dầu mỏ, nhưng các khu vực khác lại đạt và vượt mức đề ra với tổng thu ngân sách đạt gần 60%, thu nội địa đạt 63,3% dự toán.

Tiếp tục ứng phó giá dầu giảm, Bộ Tài chính đã báo cáo thường trực Chính phủ các kịch bản điều hành ngân sách với các mức giá dầu 40-45USD/thùng, 30-35USD/thùng. Các kịch bản đưa ra nhằm ứng phó kịp thời, đảm bảo an toàn ngân sách.

"Tình hình giá dầu hiện nay chưa có gì đáng lo và các mục tiêu về tăng trưởng, lạm phát vẫn giữ nguyên, không có gì thay đổi", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Việc giá dầu thế giới giảm, theo Bộ Tài chính có thể gây tác động trực tiếp đến nguồn thu từ dầu, song, mặt khác, điều này cũng có những ảnh hưởng tích cực.

Việt Nam là nước nhập khẩu dầu nhiều hơn nên khi giá thế giới giảm, giá trong nước giảm, từ đó làm giảm giá đầu vào của các ngành sản xuất, dịch vụ. Qua đó thúc đẩy sản xuất, góp phần làm tăng GDP, tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn và giúp thu ngân sách cao hơn.

Giá dầu giảm, thu ngân sách vẫn có thể tăng 8% - 1

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, một trong những nguyên nhân khiến kinh tế Việt Nam tăng trưởng năm nay cao hơn năm trước, quý sau cao hơn quý trước chính là nhờ chi phí đầu vào giảm.

Trong một diễn biến khác, theo các cơ quan quản lý nhà nước, việc giá dầu thế giới giảm cũng giúp cho việc điều hành giá xăng dầu trong nước thuận lợi. Giá xăng dầu trong nước đã liên tục có những đợt giảm giá.

Đợt giảm giá xăng gần nhất diễn ra ngày 19.8, khi mỗi lít RON 92 giảm 770 đồng, về mức 18.530 đồng/lít. Đó là lần giảm thứ 4 liên tiếp, kể từ đỉnh 20.710 đồng lập hồi tháng 6.2015.  Tính chung trong năm 2015, giá xăng RON 92 đã trải qua 6 lần giảm (tổng cộng 4.390 đồng) và 4 lần tăng (tổng cộng 5.040 đồng).

Với kỳ điều hành tới đây (dự kiến diễn ra sau ngày 2.9), cơ quan điều hành giá xăng dầu cũng khẳng định, cơ hội giảm giá xăng dầu là khá lớn do tính trung bình trong 12 ngày qua, giá xăng dầu thành phầm RON 92 vẫn giảm khoảng 7-8USD/thùng so với bình quân 15 ngày trước đó.

Tuy nhiên, việc giá xăng dầu giảm nhiều hay ít hoặc thậm chí có những thay đổi khác về điều hành sẽ còn phụ thuộc vào diễn biến giá xăng dầu thế giới thêm một hai ngày tới cùng các công cụ thuế, quỹ bình ổn sử dụng trong nước; thậm chí cả biến động tỉ giá…

Về giá dầu, ngày 1.9, giá mặt hàng này đã lấy lại đà tăng 3,98USD/thùng, tương đương 8,8%, lên mức 49,2USD/thùng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN