“Đừng nghĩ rằng người dân sẽ chán vàng"

Chuyên gia kinh tế cho rằng người dân chưa chán vàng, tuy nhiên đã không còn kiểu mua vàng ồ ạt hay mua theo kiểu “tâm lý đám đông”. 

Đây là nhận định của các chuyên gia sau khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố tiếp tục mục tiêu chống “vàng hóa” trong nền kinh tế…

“Đừng nghĩ rằng người dân sẽ chán vàng" - 1
Mục tiêu tới đây của Ngân hàng Nhà nước vẫn là tập trung chống “vàng hóa” trong nền kinh tế. Ảnh minh họa.

Nắm giữ vàng trong dân vẫn rất lớn

Việt Nam đứng thứ 8 thế giới về tiêu thụ vàng quý I/2015 với 18,3 tấn, mức tiêu thụ cao nhất trong 4 quý trở lại đây. Trong đó, có 4,1 tấn vàng trang sức và 14,2 tấn vàng xu và vàng miếng. Đây là báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) vừa công bố.

Mặc dù được sắp xếp lại và không còn những cơn “sốt” trên thị trường, song theo chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, hiện tượng “vàng hóa” trong nền kinh tế hiện vẫn còn tồn tại ít nhiều. “Công bố của Hội đồng vàng thế giới cho thấy, tiêu thụ vàng miếng của ta vẫn nhiều hơn vàng trang sức, chứng tỏ xu thế nắm giữ vàng trong dân vẫn rất lớn mà chưa chuyển sang đầu tư, kinh doanh” - ông Thắng phân tích.

Cũng theo ông Thắng, điển hình nhất là dù có chính sách bình ổn thị trường vàng nhưng  giá vàng trong nước luôn có độ chênh lệch lớn với giá thế giới, có thời điểm lên tới 4-5 triệu đồng/lượng và hiện vẫn chênh 3 triệu đồng/lượng, cho thấy tình trạng đầu cơ vàng vẫn còn và gây tác động xấu tới giá vàng trong nước.

Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phần nào thành công trong việc ổn định thị trường vàng. Bằng chứng là người dân đã không còn kiểu mua vàng ồ ạt hay mua theo “tâm lý đám đông”. “Mục tiêu chống “vàng hóa” của Ngân hàng Nhà nước là chống sự đầu cơ, buôn lậu chứ việc mua bán vàng của người dân là bình thường và hợp pháp”, ông Phong nói. 

"Đừng nghĩ rằng người dân sẽ chán vàng. Điều đó là không tưởng. Vì vậy, cần có nhiều lựa chọn để họ tích lũy tài sản bằng vàng một cách hợp pháp thay vì để đầu cơ, lũng đoạn thị trường”, ông Phong bày tỏ quan điểm.

Cần có biện pháp thu hẹp giá vàng

Theo ông Phong, trong số trên 18 tấn vàng tiêu thụ trong quý I năm nay có cả việc dùng vàng để sản xuất xuất khẩu, do vậy nếu tiêu thụ nhiều vàng cũng là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế của Việt Nam lúc này. “Vấn đề là Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp để có thể thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Bởi, khi giá vàng thế giới biến động mạnh, ở chừng mực nào đó sẽ có tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô vì tạo ra biến động lớn về giá vàng trong nước, tạo điều kiện cho yếu tố đầu cơ, buôn lậu xuất hiện", ông Phong nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhiều lần cho biết, Việt Nam là nước nhập khẩu vàng và chịu nhiều ảnh hưởng từ yếu tố tâm lý, tập quán nắm giữ vàng của người dân. Do đó, mục tiêu tới đây của Ngân hàng Nhà nước vẫn là tập trung chống “vàng hóa” trong nền kinh tế, đảm bảo thị trường vàng diễn biến ổn định.

Từ đầu năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa phải sử dụng ngoại tệ để can thiệp bình ổn thị trường vàng. Định hướng thời gian tới,  Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện giải pháp đảm bảo thị trường vàng duy trì ổn định, sử dụng nguồn lực bằng vàng trong nước để tự cân đối.

Ngân hàng Nhà nước cũng đặt ra giải pháp trong dài hạn là huy động nguồn lực vàng trong nước phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc Ngân hàng Nhà nước mua vàng miếng tăng dự trữ ngoại hối nhà nước khi điều kiện cho phép.

Theo một số doanh nghiệp kinh doanh vàng, giao dịch vàng giai đoạn này vẫn diễn ra bình thường, không có sự đột biến nào về mua bán vàng cho dù giá vàng liên tục giảm và đang ở mức thấp so với đầu năm.

Trong danh sách các quốc gia tiêu thụ vàng nhiều nhất trong quý I/2015 của WGC thì Trung Quốc đại lục là thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới với tổng lượng tiêu thụ quý 1/2015 đạt 272,9 tấn (tương đương 10.689,9 triệu USD), giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

Đứng thứ nhất về tăng trưởng quý này là 15% nhưng xét về lượng tiêu thụ thì Ấn Độ chỉ xếp vị trí thứ 2 với 191,7 tấn (tương đương 7.509,4 triệu USD). Đứng thứ 3 là Đức với 33,8 tấn vàng được tiêu thụ trong quý này.

Tính chung tổng mức tiêu thụ vàng toàn cầu trong quý I/2015 đạt 1.079,3 tấn, giảm 1% so với cùng kỳ 2014. Hiện, nước có lượng dự trữ vàng lớn nhất thế giới theo công bố của WGC là Mỹ với tổng lượng nắm giữ là 8.133,5 tấn vàng tính đến hết tháng 3.2015, đứng đầu trong số 40 nước/quỹ có lượng nắm giữ vàng lớn nhất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN