“Dọn dẹp” công ty chứng khoán

Dự báo quý I-2013 trở đi sẽ là mùa bùng phát tự tái cấu trúc, sáp nhập, phá sản… của các công ty chứng khoán.

Theo Thông tư 165/2012 sửa đổi một số điều của Thông tư 226/2010 quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính cho các công ty chứng khoán, các công ty chứng khoán bị kiểm soát đặc biệt nếu không khắc phục được tình trạng lỗ lũy kế 50% vốn điều lệ trở lên sẽ bị đình chỉ hay tạm ngừng hoạt động. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-12 và được giới phân tích tài chính xem là bài kiểm tra sức khỏe tài chính cuối cùng cho các công ty chứng khoán.

Chuẩn bị tháo chạy

Trước khi Thông tư 226 được áp dụng, đã có bảy công ty chứng khoán bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, có công ty bị đưa vào diện này đến hai lần. Trên sàn, số công ty chứng khoán kinh doanh lỗ không đếm xuể. Thử “soi” báo cáo tài chính một công ty thì thấy doanh thu mấy tháng qua từ môi giới chứng khoán chỉ khoảng 100 triệu đồng. Mức thu này không đủ trang trải cho quỹ tiền lương nhân viên, chưa nói đến hoạt động toàn công ty.

Chính vì thế, khi Thông tư 165 có hiệu lực với nhiều quy định chặt chẽ hơn về tỉ lệ an toàn tài chính, chắc chắn sẽ có thêm nhiều công ty chứng khoán nữa rời thị trường.

Thị trường suy kiệt, nhà đầu tư mất lòng tin, giá cổ phiếu thì liên tục giảm, mảng môi giới chứng khoán gần như không có doanh thu, dịch vụ tư vấn đầu tư, bảo lãnh phát hành gần như “ngồi chơi xơi nước”. Nhiều công ty chứng khoán đang tự tìm đường thoát thân trước khi bị rút giấy phép.

“Dọn dẹp” công ty chứng khoán - 1

Nhiều công ty chứng khoán hiện nay hoạt động không khác gì công ty đầu tư vì các nghiệp vụ bản sắc như môi giới, tư vấn, bảo lãnh phát hành không còn nữa. Ảnh: M.THẢO

Cách “tháo chạy” phổ biến hiện nay là tự bỏ các nghiệp vụ như môi giới chứng khoán, bảo lãnh phát hành, chuyển khách hàng cho công ty chứng khoán khác. Công ty Chứng khoán Đông Dương đã áp dụng cách này.

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán (xin không nêu tên) cho biết việc xin rút bớt nghiệp vụ xem như là tự tái cấu trúc. Mặt khác, theo quy định, để được thực hiện nghiệp vụ môi giới phải có vốn pháp định 25 tỉ đồng, nghiệp vụ tư vấn đầu tư là 10 tỉ đồng, tự doanh 100 tỉ đồng và bảo lãnh phát hành là 165 tỉ đồng, cho nên công ty chứng khoán muốn giảm vốn pháp định để bớt khó khăn.

Dấu hiệu này cũng cho thấy các công ty chứng khoán đang đi dần đến việc ngưng hoạt động. Bởi lẽ giấy phép thành lập mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp cho công ty chứng khoán cũng là giấy phép hoạt động, từ bỏ các nghiệp vụ hoạt động cũng gần xem như tự rút lui.

Lối thoát cũng tắc

“Cửa thoát” khả thi nhất đối với các công ty chứng khoán là sáp nhập hoặc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài.

Tuy nhiên, ngay ở phương án này, nhiều chuyên gia lại đánh giá không hề khả thi. Vì giá trị thực tế của một công ty chứng khoán chỉ nằm ở cái giấy phép hoạt động nên việc sáp nhập các công ty chứng khoán trong nước lại với nhau rất khó.

Trường hợp khác là bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài muốn sở hữu. Nhưng cách này khá ít, bởi lẽ từ tháng 9-2012, Chính phủ đã cho phép thành lập công ty chứng khoán 100% vốn ngoại. Vì thế, các nhà đầu tư ngoại muốn vào thị trường Việt Nam sẽ tự thành lập ra công ty chứng khoán hơn là đi mua lại một công ty ít khách hàng và đang kinh doanh không hiệu quả.

Có chăng là các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam hay các công ty chứng khoán khác muốn gia tăng thị phần, quy mô… ở chợ chứng khoán qua việc sở hữu cổ phần nữa tại một công ty chứng khoán khác.

Sắp rút giấy phép một số công ty chứng khoán

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều ngày 3-12, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết khi áp dụng Thông tư 165 cơ quan quản lý sẽ xem xét rút giấy phép hoạt động của một số công ty chứng khoán. Hiện đã có ba công ty chứng khoán xin rút bớt nghiệp vụ hoạt động. “Họ xin rút bớt nghiệp vụ và không còn nợ đọng thì sắp tới ủy ban sẽ xem xét rút giấy phép hoạt động” - ông Bằng nói.

. Việc áp dụng Thông tư 165 có gây khó khăn cho các công ty chứng khoán không, thưa ông?

+ Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Ủy ban đã cho các công ty chứng khoán hơn một năm chuẩn bị. Từ ngày 1-4-2012 ủy ban mới siết các chỉ tiêu về an toàn tài chính của các công ty chứng khoán và sẽ ngày càng siết chặt hơn vì gần đây có một số công ty chứng khoán báo cáo không trung thực, việc này gây ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng, thị trường… Chúng tôi đã điều chỉnh một số quy định về an toàn tài chính cho phù hợp với thị trường Việt Nam chứ ở nhiều nước họ làm còn căng hơn. Ví dụ kiểm soát đặc biệt ở Việt Nam là bốn tháng chứ các nước chỉ có 10 ngày.

. Vậy có hay không việc ủy ban ép các công ty chứng khoán phải tái cấu trúc?

+ Tôi khẳng định việc công ty chứng khoán tái cấu trúc là do họ tự nguyện. Nhiều công ty chứng khoán đã giảm mạng lưới, chi nhánh… Con số giảm hơn 10% hiện nay là do họ. Tương tự, công ty chứng khoán cơ cấu lại vốn, xin rút nghiệp vụ hoạt động là do cổ đông, hội đồng quản trị đó quyết định, ủy ban không áp dụng mệnh lệnh hành chính can thiệp vào.

. Nếu phải rút giấy phép công ty chứng khoán thì ủy ban có yêu cầu gì ở họ không, thưa ông?

+ Nếu rút giấy phép, đầu tiên ủy ban yêu cầu công ty chứng khoán đó chuyển hết tài khoản khách hàng sang công ty chứng khoán khác. Thứ hai, công ty chứng khoán đó phải thanh toán hết các khoản nợ. Cuối cùng, công ty đó làm thủ tục giải thể, phá sản theo luật định.

. Xin cảm ơn ông.

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bùi Nhơn (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN