Đại gia thép, ngân hàng làm cám, nuôi bò

Trong khi Tổng Giám đốc ngân hàng Bắc Á áp dụng công nghệ cao đầu tư nuôi bò sữa thì đại gia thép Hòa Phát lại tìm lợi nhuận từ việc đầu tư ngành thức ăn chăn nuôi.

“Ông thép” đi làm cám gia súc

Những ngày đầu tháng 3/2015, đại gia ngành thép là Tập đoàn Hòa Phát ra mắt Cty con mới - Cty TNHH một thành viên Thương mại và Sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát tại Khu công nghiệp Phố Nối A (Yên Mỹ, Hưng Yên). Đây là công ty 100% vốn của Hòa Phát (với vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng) hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi lợn, gia cầm, chế biến thịt, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản, phân bón và nhiều dịch vụ nông nghiệp khác.

Đại gia thép, ngân hàng làm cám, nuôi bò - 1

Thức ăn chăn nuôi là ngành đang cạnh tranh quyết liệt, nhưng Hòa Phát lại “nhảy” vào với chiến lược riêng của mình.

Là một ông lớn, khá thành công trong ngành công nghiệp thép, bất động sản… việc Hòa Phát “mở thêm tài khoản” vào ngành nông nghiệp là một bất ngờ. Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát nói rằng, việc đó “không có gì lạ”. Bởi, theo ông, trong hơn 20 năm hoạt động, doanh nghiệp điều hành hàng chục công ty thành viên, với nhiều lĩnh vực khác nhau: Từ thép xây dựng, ống thép, nội thất, bất động sản… giờ thêm một ngành nữa “cũng thường thôi”.

Tuy nhiên, câu chuyện “làm cám, chăn lợn” của Hòa Phát diễn ra trong bối cảnh ngành chăn nuôi trong nước đang “vô cùng khó khăn”. Lâu nay, ngành chăn nuôi tồn tại nhiều yếu kém, sức cạnh tranh yếu, lại được xem là “vật tế thần” khi Việt Nam đàm phán tham gia hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương-TPP. Có thể, nguồn thịt nhập giá rẻ tới đây sẽ “đè bẹp” ngành chăn nuôi trong nước.

Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi vốn là “cuộc chơi” của những ông lớn có vốn đầu tư nước ngoài - FDI. Đó là những CP, Cargill, Japfa, Emi

“Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp là một cuộc cách mạng thật sự, thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam lên một tầm cao mới, giải thoát sự cực khổ cho nông dân”.

Bà Thái Hương

rets, Grobest, New Hope... họ phần lớn là các doanh nghiệp từ Mỹ, Trung Quốc và gần như thống lĩnh ngành này, với thị phần gần 60%. Thị phần còn lại là của 180 doanh nghiệp trong nước, mà theo giới sản xuất thức ăn chăn nuôi, nội bộ ngành này đang cạnh tranh “rất khốc liệt”.

Ông Dương cho rằng: “Gần đây nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, người ta cứ nghĩ là mốt. Mà thường cái gì làm theo mốt sẽ không hay lắm”. Tuy nhiên, ông Dương cho rằng, đầu tư vào lĩnh vực mới, khó khăn hơn lĩnh vực đã “thạo tay” là bình thường, và đã sợ thì không làm.

“Nông nghiệp là ngành quan trọng ở Việt Nam và việc các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này được nhà nước quan tâm. Trong đó, lĩnh vực chăn nuôi chưa phát triển, chúng tôi nhảy vào để thúc đẩy nó lên một tầm mới. Đương nhiên, khi làm chúng tôi phải tính đến hiệu quả kinh tế, và đã làm thì phải lớn”- ông Dương nói. Theo lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát, áp lực cạnh tranh trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi rất lớn, thậm chí có thể hơn ngành thép. Tuy nhiên, với kinh nghiệm thương trường và với tiềm lực tài chính mạnh, lãnh đạo tập đoàn này tin tưởng sẽ thành công.

Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên của Hòa Phát công suất 300.000 tấn/năm, phấn đấu đạt doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng trong vòng 3 năm tới. Dự kiến, vào đầu năm 2016, nhà máy sẽ đi vào hoạt động. “Sau nhà máy này, Hòa Phát sẽ mở thêm một loạt các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi mới”- ông Dương cho biết.

Giấc mơ sữa sạch từ dự án tỷ đô

Mới đây, bà Thái Hương - Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á vừa được Tạp chí Forbes bầu chọn vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2015. Tuy nhiên, có lẽ, điều người ta biết đến bà nhiều hơn là dự án chăn nuôi và sản xuất sữa sạch thương hiệu sữa TH true MILK trên mảnh đất miền Tây xứ Nghệ.

Năm 2009, bà Hương triển khai dự án trên, với tổng mức đầu tư tới 1,2 tỷ USD. Chưa đầy một năm sau khi khởi động, ngày 26/12/2010, Tập đoàn TH đã đưa sản phẩm ra thị trường. “Chìa khóa” cho dự án này chính là công nghệ chăn nuôi của Israel-nơi có thời tiết khắc nghiệt, nhưng họ đã sử dụng công nghệ để chế ngự, tạo ra năng suất, chất lượng sản phẩm hàng đầu thế giới.

Miền Tây xứ Nghệ từ ngày có dự án này về, xuất hiện những máy làm đất, gieo hạt và thu hoạch cỡ lớn, có năng suất làm việc bằng 800 người làm thủ công. Lần đầu tiên, trên cánh đồng Việt Nam, xuất hiện những cánh tay tưới dài 500- 700m. Từng con bò đều được gắn chíp để theo dõi sức khỏe, kiểm soát thời kỳ phối giống… Thậm chí, khi mới bắt đầu triển khai, bà Hương còn đưa cả nông dân Israel sang chuyển giao kỹ thuật và kỷ luật làm việc cho nông dân Việt Nam làm việc tại trang trại.

Điều bà Thái Hương tâm đắc nhất chính là đã tạo ra và cung cấp cho người tiêu dùng trong nước dòng sữa tươi sạch, đạt chuẩn quốc tế ngay trên đồng đất Việt Nam. Theo bà, trước khi TH true MILK xuất hiện, thị trường sữa trong nước có đến 92% là sữa bột, nhập về pha lại. Tiền nhập sữa bột của Việt Nam cũng tốn hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, đến nay lượng sữa nước pha từ sữa bột đã giảm xuống còn khoảng 70%. “Chúng tôi rất mừng trước việc các hãng sữa đang có lộ trình lập trại nuôi bò sữa” - bà Hương nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Anh - Sỹ Lực (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN