"Nên tạo điều kiện cho người nghèo có nhà ở"

Phát biểu trước Quốc hội về dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) ngày 24/10, nhiều đại biểu đề nghị tạo điều kiện người thu nhập thấp được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội với giá rẻ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, qua thảo luận có 2 luồng ý kiến: Thứ nhất, không tán thành việc thành lập Quỹ Phát triển nhà ở xã hội. Thứ hai, tán thành với quy định về việc thành lập Quỹ Phát triển nhà ở xã hội nhưng cần quy định rõ hơn về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của tổ chức tài chính Nhà nước này.

"Nên tạo điều kiện cho người nghèo có nhà ở" - 1

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình)

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng không nên cho thành lập Quỹ Phát triển nhà ở xã hội .

Theo đại biểu, ngay trong dự thảo Luật sửa đổi đã có quy định chính sách ưu đãi cho nhà ở công vụ, tái định cư…. nên không cần thiết lập quỹ này.

“Không có lý do gì trích tiền ngân sách, tiền thuế đóng góp của dân để lập quỹ này chỉ để phục vụ cho 1 nhóm dân cư”, đại biểu Vẻ phân tích.

Tán thành với quy định về việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, ban soạn thảo cần quy định rõ hơn về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của tổ chức tài chính nhà nước. Ngoài ra, chỉ nên lập quỹ ở đô thị có nhu cầu nhà ở xã hội cao.

Đại biểu Lê Thị Công cho biết, các nguồn vốn phục vụ cho việc phát triển nhà ở được quy định tại điều 67 Dự thảo Luật trên thực tế có trường hợp chủ đầu tư huy động vốn nhưng không sử dụng đúng mục đích.

Cho ý kiến về sở hữu nhà ở, một số đại biểu đề nghị cân nhắc quy định “đối với giao dịch nhà ở là tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc thực hiện các quy định của Luật này còn phải thực hiện theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình”.

Có ý kiến đề nghị cần phân biệt rõ hơn quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở và đề nghị quy định rõ hơn quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư và quyền, nghĩa vụ  của chủ sở hữu nhà ở.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị bổ sung quy định xử lý khoảng trống khi người mua nhà đã thanh toán hết tiền, người đổi nhà đã thực hiện xong việc đổi nhà nhưng giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử đụng đất gắn liền với nhà nhưng chưa hoàn thành.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, thực tế thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp về nhà ở, nguyên nhân do các bên bỏ qua thủ tục đăng ký dẫn đến một căn nhà được bán cho nhiều người. Để giảm thiểu các tranh chấp về nhà ở đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và người mua đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xác định rõ trong luật thời điểm chuyển quyền sở hữu.

Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các quyền về sử dụng đất ở gắn với nhà ở đã được quy định cụ thể trong Luật đất đai năm 2013, để tránh trùng lắp, dự thảo Luật chỉ quy định các quyền về sở hữu nhà ở. Quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở luôn gắn liền với nhau, do đó không nên có quy định tách biệt giữa 2 quyền này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN