Chuyển vàng thành vốn cho nền kinh tế

Nhiều chuyên gia đề xuất cần sắp xếp lại trật tự kinh doanh vàng tại các ngân hàng thương mại nhằm chuyển hóa vàng thành vốn cho nền kinh tế

Ngày 7-10, giá vàng thế giới đóng cửa 1.781 USD/ounce, nếu quy đổi ra tiền Việt thì bằng 44,7 triệu đồng/lượng, trong lúc đó tại TPHCM, vàng SJC bán ra 47,79 triệu đồng/lượng, tức cao hơn thế giới 3 triệu đồng/lượng.

Chính sách quản lý kém hiệu quả đẩy giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới từ 1-3 triệu đồng/lượng.

Chích sách thiếu hợp lý

Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân sâu xa của thực trạng giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới là Ngân hàng Nhà nước cho phép 7 ngân hàng thương mại (NHTM) bán ra thị trường 40% số vàng tồn quỹ, mở tài khoản giao dịch vàng ở nước ngoài. Tranh thủ cơ chế này, giới kinh doanh vàng luôn nâng giá vàng trong nước cao hơn thế giới từ 1-3 triệu đồng/lượng trong gần một năm qua. Đây là cơ hội cho các NHTM bán vàng tồn quỹ, rồi ký quỹ 4%-7% mua lại vàng qua tài khoản ở nước ngoài.

Theo giới phân tích, thị trường vàng còn bất ổn chủ yếu là do nhu cầu nắm giữ vàng miếng và một số chính sách thiếu hợp lý. Mấy tháng trước, các NHTM đã bán ra nhiều vàng huy động từ dân cư. Đến cuối tháng 8-2012, giá vàng thế giới tăng mạnh, đồng thời thị trường tiền tệ gặp sự cố liên quan đến lãnh đạo một số NHTM làm tâm lý rút vàng của người dân tăng. Mặt khác, ngày 25-11 tới đây là hạn chót để các NHTM chấm dứt huy động vàng.

Khi đó, NHTM đã huy động được bao nhiêu vàng phải chứng minh với cơ quan quản lý có đủ số vàng đã huy động để sẵn trong kho. Vì thế, các NHTM phải tăng mua vàng trong những ngày gần đây khiến khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới ngày càng nới rộng.

Chuyển vàng thành vốn cho nền kinh tế - 1

Chính sách quản lý kém hiệu quả đẩy giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới từ 1-3 triệu đồng/lượng (Ảnh minh họa).

Biến thành vốn

Nhiều chuyên gia tài chính đề xuất trước mắt, Ngân hàng Nhà nước cần sắp xếp lại dịch vụ kinh doanh vàng tại các NHTM. Sau đó, cho phép các NHTM mở sân “chơi” vàng phi vật chất, với những quy định chặt chẽ. Khi đó, nhu cầu đầu tư, nắm giữ vàng miếng sẽ giảm dần, góp phần kéo giảm giá vàng trong nước.

Về lâu dài, thông qua các NHTM, Ngân hàng Nhà nước tiến hành huy động vàng trong dân, rồi gửi một phần vàng đó ra nước ngoài, thu về USD để tăng thêm nguồn cung cho thị trường ngoại tệ (1 tấn vàng khoảng 50 triệu USD). Các NHTM cũng có thể dùng số vàng đã huy động để mua tín phiếu Nhà nước và được hưởng lãi suất nhất định. Như thế, việc huy động vàng có đầu ra, một phần vàng trong dân sẽ được chuyển hóa thành vốn cho nền kinh tế.

Câu hỏi đặt ra là khi người dân đến hạn rút vàng, NHTM sẽ lấy vàng ở đâu để chi trả? Nhiều ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã có vàng dự trữ nên sẽ kịp thời can thiệp. Số vàng được tung ra sẽ không mất đi vì Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng số ngoại tệ có được từ việc gửi vàng ở nước ngoài để nhập khẩu vàng. Mặt khác, khi người dân rút vàng để bán, các NHTM sẽ thu mua hoặc người dân sẽ thế chấp sổ tiết kiệm bằng vàng để vay VNĐ với lãi suất hợp lý.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thy Thơ (Báo Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN