Chuyên gia WB: Quốc tế hóa nhân dân tệ là bình thường

Theo bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, việc quốc tế hóa nhân dân tệ là bình thường vì Trung Quốc là một thị trường lớn, đây cũng là cách để thuận lợi hóa thêm các thanh toán quốc tế, đặc biệt là trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Trả lời câu hỏi về việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa chính thức thêm đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ chủ chốt toàn cầu có tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam? Bà Victoria Kwakwa ngày 2.12 nhận định, việc quốc tế hóa nhân dân tệ là bình thường, vì Trung Quốc là một thị trường lớn, có giao dịch thương mại, đầu tư lớn. Quốc tế hóa nhân dân tệ cũng là cách để thuận lợi hóa thêm các thanh toán quốc tế, đặc biệt là trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Chuyên gia WB: Quốc tế hóa nhân dân tệ là bình thường - 1

Trước mắt chưa đủ cơ sở để đánh giá việc quốc tế hóa nhân dân tệ tác động thế nào đến Việt Nam

Theo vị chuyên gia WB này, trước mắt chưa có đủ cơ sở để đánh giá điều này tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam. “Việt Nam vẫn giao thương qua biên giới với Trung Quốc bình thường bằng đồng nhân dân tệ nên chúng ta hãy chờ đợi diễn biến thị trường tài chính toàn cầu thời gian tới như thế nào để có câu trả lời” – bà Victoria Kwakwa bày tỏ.

Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 30.11 đã chính thức chấp nhận đồng nhân dân tệ là một trong những đồng tiền dự trữ toàn cầu. Quyết định của IMF không chỉ giúp đồng tiền này "ngồi cùng mâm" với đồng USD, đồng Euro, đồng yen Nhật và đồng bảng Anh mà còn mở đường cho đồng nhân dân tệ được sử dụng nhiều hơn trong thương mại và tài chính quốc tế cũng như giúp Bắc Kinh trở thành cường quốc kinh tế toàn cầu. Nhân dân tệ sẽ trở thành đồng tiền lớn thứ ba trong rổ tiền tệ SDR, vượt qua cả đồng yên Nhật và bảng Anh, khi quyết định này có hiệu lực từ ngày 1.10.2016, đánh dấu sự thay đổi quan trọng của rổ tiền tệ này, kể từ khi Euro thay thế mark Đức và franc Pháp năm 1999.

Ngày 2.12, tại cuộc họp báo của WB điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam, ông Sebastian Eckardt - chuyên gia kinh tế của WB đánh giá: “Việt Nam đã đối phó tốt trước những biến động môi trường kinh tế bên ngoài nhờ tăng cầu nội địa và ngành công nghiệp chế tạo xuất khẩu đạt kết quả tốt”.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cảnh báo: “Nợ xấu ngân hàng của Việt Nam mới chỉ được xử lý khoảng 7%, cho thấy tốc độ chậm chạp. Áp lực tài khóa, ngân sách vẫn rất lớn”. Thu ngân sách của Việt Nam 9 tháng đầu năm nay ở mức yếu và chậm hơn so với tăng trưởng chi tiêu ngân sách, dẫn tới ngân sách tiếp tục thâm hụt (ước tính khoảng 6,6% GDP). “Mất cân bằng ngân sách và tăng nợ công đang đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục củng cố tài khóa nhằm chống lại sự mất cân bằng ngân sách một cách “tích tụ”; đồng thời mới ổn định được nợ công/GDP và Việt Nam mới có thể chống lại các cú sốc với nền kinh tế trong tương lai có thể xảy ra” - ông Sandeep khuyến cáo.

WB cũng dự báo, GDP năm nay của Việt Nam dự kiến tăng 6,5%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN