Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư số 1

Rung lắc mạnh nhưng VN-Index vẫn tăng điểm khiến nhà đầu tư tin rằng chứng khoán vẫn là kênh đầu tư số 1.

Sàn Thành phố Hồ Chí Minh

VN-Index đã trải qua 3 phiên tăng mạnh. Trong đó 2 phiên, VN-Index tăng hơn 10 điểm. Vì vậy, nhà đầu tư lo ngại hôm nay, thị trường sẽ rung lắc mạnh. VN-Index điều chỉnh giảm, thậm chí có thể rơi vào tình trạng “tăng như nào thì giảm như vậy”.

Đầu phiên, nỗi lo lắng của nhà đầu tư đã thành hiện thực. Thị trường rơi vào tình trạng bên bán áp đảo bên mua khi nhà đầu tư chốt lời mạnh. Nhiều blue-chip bị bán ra và rơi vào tình trạng giảm điểm. Vì vậy, có nhiều thời điểm, bảng giao dịch điện tử chìm trong sắc đỏ. Dừng phiên sáng,VN-Index giảm nhẹ.

Tuy nhiên, thị trường chỉ điều chỉnh trong khoảng thời gian ngắn. Càng tới cuối phiên, đà phục hồi của VN-Index ngày càng mạnh mẽ. Đà hưng phấn đã trở lại trên sàn Thành phố Hồ Chí Minh. Blue-chip sau vài tiếng bị nhà đầu tư quay lưng đã tìm lại sức hấp dẫn của mình. Vn-Index tăng tương đối mạnh.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/1, VN-Index tăng 6,26 điểm, tương ứng 1,13% và dừng ở mức 559,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 100.920.439 cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 1.981,66 tỷ đồng, giảm nhẹ về khối lượng nhưng tăng nhẹ về giá trị. Tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận là 9.766.329 cổ phiếu, tương ứng 355,13 tỷ đồng. Toàn sàn có có 152 mã tăng giá, 67 mã đứng giá và 70 mã giảm giá.

VN30-Index có tốc độ tăng mạnh hơn VN-Index rất nhiều. Chốt phiên giao dịch ngày 21/1, VN30-Index tăng 13,39 điểm, tương ứng 2,16% và dừng ở mức 634,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 36.429.820 cổ phiếu, tương ứng 1.047,72 tỷ đồng. Trong nhóm có 23 mã tăng giá, 2 mã đứng giá và 5 mã giảm giá. 

BVH là mã được chú ý nhiều. Dù có nhiều thời điểm rung lắc nhưng kết phiên, BVH vẫn duy trì được đà tăng trần. BVH tăng 3.000 đồng/CP lên 47.200 đồng/CP. Khối ngoại tiếp tục mạnh tay mua vào BVH.

Trong khi đó, một số cổ phiếu có vốn hóa lớn tăng nóng trong 3 phiên vừa qua không được may mắn như BVH khi quay đầu giảm điểm. GAS giảm 500 đồng/CP xuống 77.000 đồng/CP, MSN giảm 2.500 đồng/CP xuống 96.500 đồng/CP, VNM giảm 1.000 đồng/CP xuống 141.000 đồng/CP,….

Blue-chip giao dịch sôi động và nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư. Tuy nhiên, tâm điểm thị trường lại là ITA. Hôm nay ITA chính thức được quay trở lại nhóm VN30-Index. ITA tăng trần, tăng 400 đồng/CP lên 7.000 đồng/CP. Dư mua trần ITA khá lớn, đạt 1.368.880 đơn vị.

Khối ngoại là những người được hưởng lợi lớn từ sự bứt phá này của ITA. Trong những phiên gần đây khi ITA liên tục giảm nhẹ, khối ngoại thường mua vào ITA với khối lượng rất lớn, gần 2 triệu đơn vị. Hôm nay, khối ngoại mua vào 1.873.890 cổ phiếu ITA. Có thể thấy, cổ phiếu của gia đình họ Đặng có sức hấp dẫn rất lớn với nhà đầu tư nước ngoài.

Nếu trong 3 phiên trước đây, blue-chip chiếm lĩnh thị trường thì hôm nay bên cạnh blue-chip, midcap sôi động trở lại với nhiều mã tăng trần.

Sàn Hà Nội

Gần đây, bất chấp VN-Index tăng nóng, HNX-Index vẫn cần mẫn… giảm điểm. Tới hôm nay, khi VN-Index rung lắc mạnh, HNX-Index bất ngờ lấy lại được sức mạnh. Ngay tại thời điểm VN-Index giảm điểm, HNX-Index vẫn đi lên.

Mặc dù có lúc HNX-Index thoái lui nhưng tới cuối phiên chỉ số này vẫn đi lên. Kết thúc phiên giao dịch 21/1/2014, HNX-Index tăng 1,06 điểm, tương ứng 1,46% và đóng cửa ở mức 73,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội đạt 51.430.627 cổ phiếu, tương ứng 551,59 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hôm qua. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 2.884.473 cổ phiếu, tương ứng 23,54 tỷ đồng.

Toàn sàn ghi nhận 133 mã tăng giá, 68 mã đứng giá và 84 mã giảm giá.

HNX30-Index tăng mạnh hơn HNX-Index. Đóng cửa phiên 21/1, HNX30-Index tăng 4,86 điểm, tương ứng 3,48% và đóng cửa ở mức 144,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 27.199.400 cổ phiếu, tương ứng 393,64 tỷ đồng. Trong nhóm có 20 mã tăng giá, 5 mã đứng giá và 4 mã giảm giá.

Blue-chip trên sàn Hà Nội đã lấy lại sức mạnh khi có tới 20/30 mã tăng giá và chỉ có 4 mã giảm giá. ACB giảm 300 đồng/CP xuống 16.100 đồng/CP, CTS giảm 100 đồng/CP xuống 7.000 đồng/CP.

Ở chiều ngược lại, rất nhiều mã tăng giá. Trong đó PVS tăng trần, tăng 2.600 đồng/CP lên 28.900 đồng/CP. Khối ngoại giao dịch rất sôi động PVS. Trong đó lượng mua vào đạt 2.602.300 đơn vị, lượng bán ra là 355.570 đơn vị.

Một số cổ phiếu vốn hóa lớn khác cũng tăng điểm có thể kể đến như BVS tăng 200 đồng/CP lên 12.100 đồng/CP, KLS tăng 200 đồng/CP lên 9.500 đồng/CP, OCH tăng 100 đồng/CP lên 27.600 đồng/CP, VCG tăng 600 đồng/CP lên 10.900 đồng/CP.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngân Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN