Chưa thể đánh giá hết cái được và mất từ Brexit

Sự suy yếu của GBP và EUR sẽ ảnh hưởng gián tiếp tới nhu cầu hàng hóa, qua đó ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có tỷ lệ xuất khẩu sang EU và Anh cao. Ngược lại JPY tăng giá sẽ gây sức ép lên tỷ giá và nợ công của Việt Nam.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc Anh rời EU chỉ tác động đến Việt Nam một cách gián tiếp. Do vậy, có thể nói hiện nay chứng khoán Việt Nam cũng chưa có ảnh hưởng gì nhiều bởi Brexit và Ủy ban Chứng khoán vẫn kiên định với định hướng phát triển thị trường trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nhìn lại phiên giao dịch ngày 24/06, thời điểm nước Anh chính thức tuyên bố rời EU, VN-Index có phiên biến động lớn thứ 3 trong lịch sử với 34,6 điểm, chỉ sau mức biến động 47,6 điểm trong phiên 27/11/2006 và 41,6 điểm trong phiên 27/11/2009.  Chỉ những cổ phiếu BCC của Xi măng Bút Sơn, HT1 của Xi măng Hà Tiên 1 và NT2 của Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2  hưởng lợi từ vay đồng Euro tăng giá.

Tác động của Brexit đến kinh tế Việt Nam xét về trực tiếp sẽ không quá mạnh, nhưng tác động gián tiếp vẫn đang tiềm ẩn. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), nếu thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp thì TTCK Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng thông qua hành động và tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài, cũng như tác động tiềm ẩn của Brexit đến kinh tế và cụ thể là các ngành của Việt Nam.

Các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tăng tỉ trọng đối với các tài sản mang tính chất là nơi trú ẩn rủi ro gồm Yên Nhật (JYP) và Franc Thụy Sỹ (CHF). Đồng Bảng Anh (GBP) và EUR sẽ tiếp tục yếu đi so với các đồng tiền khác.

Thị trường tiền tệ hiện biến động mạnh với việc đồng GBP giảm 8,05% so với USD, mức giảm mạnh nhất trong 30 năm qua, EUR giảm 2,35% so với USD, đồng Won của Hàn Quốc giảm 2,5%, trong khi JYP tăng 3,71% so với USD.  BSC cho rằng sự suy yếu của GBP, EUR sẽ ảnh hưởng gián tiếp tới nhu cầu hàng hóa, qua đó ảnh hưởng đến các doanh nghiệp/ngành có tỷ lệ xuất khẩu sang EU và Vương quốc Anh cao. Ngược lại JPY tăng giá sẽ gây sức ép lên tỷ giá và nợ công của Việt Nam. 

Chưa thể đánh giá hết cái được và mất từ Brexit - 1

Theo ông Võ Hữu Hiển, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), trong cơ cấu nợ công của Việt Nam, nợ bằng VND chiếm khoảng 55%, nợ bằng đồng USD chiếm khoảng 16%, nợ bằng đồng JPY chiếm khoảng 13%, nợ bằng đồng Euro khoảng 7%, và nợ bằng đồng GBP chỉ chiếm khoảng 2%, còn lại là nợ bằng các đồng ngoại tệ khác.

Đánh giá tác động của việc các đồng tiền trong rổ nợ công của Việt Nam biến động, ông Võ Hữu Hiển cho biết: “Có cả cái được và cái mất khi Anh rời EU, tuy nhiên, đưa ra đánh giá về được – mất ở thời điểm này vẫn còn sớm bởi đa phần nợ của Việt Nam là nợ dài hạn. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều chỉnh tỷ giá một cách phù hợp với việc áp dụng tỷ giá trung tâm, việc điều chỉnh kịp thời của NHNN đã khiến cho tác động của Brexit đến nợ công của Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay là không lớn lắm”.

Đối với kế hoạch phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế trong năm 2016 với giá trị phát hành khoảng 3 tỷ USD như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin, ông Võ Hữu Hiển khẳng định việc huy động trái phiếu quốc tế chỉ được thực hiện sau khi đã thực hiện mọi giải pháp huy động vốn trong nước mà đạt kế hoạch. 

Đến thời điểm hiện tại, lượng huy động trái phiếu trong nước đã đạt trên 80% kế hoạch năm. Trong trường hợp việc huy động trái phiếu trong nước thuận lợi, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ hoãn kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế để đảm bảo hạn chế nợ nước ngoài cũng như hạn chế rủi ro tỷ giá đối với nợ ngoại tệ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Tuân (Infonet)
Nước Anh rời Liên minh châu Âu EU Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN