Chân dung giáo sư vừa đoạt giải Nobel Kinh tế

Vào ngày 12.10, giáo sư Angus Deaton người Mỹ gốc Anh đã giành giải Nobel Kinh tế cho nghiên cứu về tiêu dùng, nghèo đói và phúc lợi xã hội. Bên cạnh chiến thắng đầy vẻ vang với giải Nobel kinh tế, trao đổi với trang Financial Times, ông Deaton chia sẻ 3 ý tưởng lớn của mình.

Vào ngày 12.10, giáo sư Angus Deaton người Mỹ gốc Anh đã giành giải Nobel Kinh tế cho nghiên cứu về tiêu dùng, nghèo đói và phúc lợi xã hội.

Ông Deaton đã được trao giải Nobel Kinh tế với việc giải thích được 3 vấn đề chính: người tiêu dùng lựa chọn chi tiêu trong những loại hàng hóa khác nhau như thế nào; thu nhập xã hội được sử dụng bao nhiêu, và bao nhiêu trong số ấy được tích trữ; biện pháp và cách phân tích nào tốt nhất dành cho phúc lợi và nghèo đói.

Chân dung giáo sư vừa đoạt giải Nobel Kinh tế - 1

Giáo sư Angus Deaton. Ảnh: nguồn internet

Nghiên cứu của ông Deaton đã mang lại những kiến thức sâu hơn về mối liên hệ giữa sự chi tiêu của người tiêu dùng và cách họ thích nghi với thu nhập của bản thân.

Nghiên cứu của ông Deaton được đánh giá cao bởi tính thực tiễn. Các nghiên cứu của ông giúp đo lường mức nghèo đói hay thống kê về chất lượng cuộc sống ở các nước nghèo để từ đó giải ngân dòng vốn hỗ trợ xóa đói giảm nghèo một cách hiệu quả nhất.

Những nghiên cứu của ông Deaton về hệ thống lực cầu của nền kinh tế cũng giúp Chính phủ đo lường tác động của các chính sách đến hộ gia đình. 

Ví dụ, nếu một Chính phủ quyết định thay đổi mức thuế giá trị gia tăng đánh vào các loại thực phẩm, nghiên cứu của ông Deaton sẽ giúp đánh giá tăng thuế tác động như thế nào đến tiêu dùng.

Giải Nobel Kinh tế là Nobel cuối cùng trong mùa trao giải Nobel năm nay. Giá trị giải thưởng khoảng 960.000 USD.

Vị giáo sư lỗi lạc

Giáo sư Angus Deaton tên đầy đủ là Angus Stewart Deaton. Ông sinh ngày 19.10.1945, năm nay ông 69 tuổi

Sinh ra tại Edinburgh, Scotland, xuất sắc giành được học bổng tại trường Fettes College, nắm trong tay 3 tấm bằng, bao gồm: bằng cử nhân, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ tại trường Đại học Cambridge danh tiếng thế giới. 

Với thành tích đáng nể như trên, ông Deaton luôn được biết đến là một vị giáo sư lỗi lạc ở nước Anh, Mỹ và trên toàn thế giới.

Ông Deaton đã từng trở thành một chuyên gia kinh tế tại Đại học Bristol trước khi ông chuyển đến Đại học Princeton năm 1983.

Từ năm 1983, ông đã trở thành giáo sư kinh tế về các vấn đề quốc tế tại Trường Woodrow Wilson ở Princeton (Mỹ). Hiện ông đang nghiên cứu về y tế, phúc lợi xã hội và sự phát triển kinh tế.

Năm 2001, ông trở thành một thành viên của Hội đồng tư vấn kinh tế của Ngân hàng Thế giới. Năm 2007 ông trở thành một nhà khoa học nghiên cứu cao cấp của Tổ chức Gallup. Ông từng là Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Mỹ trong năm 2009 và đã được trao giải BBVA Foundation Frontiers of Knowledge Award năm 2011.

Vào ngày 12.10, ông Angus Deaton đã được xướng danh với giải thưởng Nobel Kinh tế. Sau khi nhận được tin này, ông Deaton cảm thấy vô cùng hạnh phúc và ông đã miêu tả chính mình như là một người luôn quan tâm đến người nghèo trên thế giới và mang đến cho họ một cuộc sống tốt đẹp.

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết, chính sách kinh tế thường hướng đến giảm nghèo thông qua việc giảm chi tiêu của từng cá nhân. 

Tuy nhiên, hơn tất cả mọi người, ông Deaton đã mở rộng chính sách này bằng cách liên kết lựa chọn chi tiêu cá nhân một cách chi tiết với kết quả tổng hợp. Nghiên cứu của ông đã giúp chuyển đổi lĩnh vực kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô và những nền kinh tế phát triển.

3 ý tưởng lớn

Đặc biệt, sau khi giành được giải thưởng danh giá này, ông Deaton đã thẳng thắn chia sẻ về 3 ý tưởng lớn của mình:

Bất bình đẳng

Bất bình đẳng đã trở thành một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi trong thập kỷ này. Ông Deaton đồng ý vấn đề này là rất quan trọng. Tuy nhiên, hiểu vấn đề một cách thấm nhuần, ông đã đưa ra cái nhìn tinh tế hơn các giáo sư và chuyên gia khác.

"Bất bình đẳng là một vấn đề vô cùng phức tạp, vấn đề này mang lại cả những mặt tốt và mặt xấu", ông Deanton nhận định.

Viện Đại học Princeton tin rằng bất bình đẳng quá mức có thể gây ra những hiệu ứng tiêu cực, từ sự sụp đổ của các dịch vụ công cộng cho đến sự xói mòn của nền dân chủ. 

Bên cạnh đó, bất bình đẳng cũng có thể được coi là một sản phẩm của sự thành công, đó chính là kết quả của những doanh nhân thành công.

"Thành công được nuôi dưỡng từ sự bất bình đẳng và bạn không muốn bị nghẹt thở trong sự thành công",ông Deaton cho biết thêm.

Ông cũng hoài nghi về cách thức đưa ra thuế thu nhập cao ngất ngưởng để ngăn chặn bất bình đẳng gia tăng hiện nay.

"Chúng ta đã có những chính sách tái phân phối hiện nay. Tuy nhiên, 85% thuế thu nhập không đem lại nhiều doanh thu", ông Deaton cho biết.

Viện trợ nước ngoài

Các nền kinh tế phát triển luôn gây ra những tranh cãi về tính hiệu quả của viện trợ nước ngoài. Với một số người, trong đó có William Easterly, một học giả tại Đại học New York, cho rằng viện trợ nước ngoài có thể gây hại nhiều hơn có lợi.

Ông Deaton thừa nhận rằng viện trợ có thể cực kỳ hữu ích, ví dụ như viện trợ có thể giúp tài trợ cho các bệnh viện và giúp cho những trẻ em có thể được chữa bệnh.

"Đó là một khía cạnh tốt", ông Deaton khẳng định

Tuy nhiên, ông cũng tái khẳng định, viện trợ nước ngoài quá mức có thể gây ra những hậu quả ngoài ý muốn như tham nhũng và những căng thẳng xã hội giữa tầng lớp cầm quyền và người dân.

Viết trong cuốn sách được xuất bản năm 2013 có nhan đề The Great Escape (Cuộc đào thoát vĩ đại), ông Deaton đã đặt ra hai ý tưởng cụ thể. 

Đầu tiên là giới hạn viện trợ nước ngoài cho từng quốc gia. 

Thứ hai là thúc đẩy một "chương trình nghị sự hàng hóa công cộng toàn cầu" mà trong đó bảo đảm rằng, tiền viện trợ sẽ được giải quyết vào các vấn đề lâu dài như: những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng.

Phạm vi nghèo đói

Trong tháng này, Ngân hàng Thế giới (WB) đã điều chỉnh mức sống tối thiểu chính thức, tăng từ 1,25 USD/ngày lên tới 1,90 USD/ngày. 

Ông Deaton, một nhà phê bình lỗi lạc về mức sống tối thiểu, đánh giá mặc dù việc tăng mức sống tối thiểu là một sự tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều yếu tố đáng hoài nghi.

"Tập trung theo dõi số lượng những người sống dưới mức nghèo khổ giống như việc đuổi theo một con kỳ lân ở trong rừng. Tôi không chắc WB đang đi theo hướng sáng suốt", phát biểu với Financial Times, ông Deaton cho biết.

Ông nghĩ rằng, ngoại trừ vấn đề tài chính, ở đó còn nhiều yếu tố khác biểu hiện về sự nghèo khổ của một quốc gia. Ví dụ như ở Ấn Độ, Ấn Độ đã phát triển đáng kể về thu nhập bình quân đầu người nhưng kết quả giáo dục và y tế lại rất yếu kém.

"Ở đó còn nhiều yếu tố đo lường sự nghèo đói của một quốc gia, mặc dù một thứ có thể đo những thứ khác", ông cho biết.

Thêm vào đó, ông cũng chỉ trích 17 mục tiêu phát triển bền vững, một tập hợp các mục tiêu và các sáng kiến giảm nghèo được đưa ra bởi Liên Hợp Quốc (UN).

"Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra hàng loạt những mục tiêu này chỉ để tự động viên bản thân họ cảm thấy ổn hơn", ông Deaton thẳng thắn bày tỏ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyết Nhung (Một thế giới)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN