Bi kịch mất nhà vì vay...5 triệu đồng !

Hàng chục hộ nông dân ở huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng đang rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất” do cả tin cho mượn sổ đỏ. Có gia đình chỉ vì vay 5 triệu đồng nhưng đang đứng trước nguy cơ mất trắng nhà.

Xóm Vối, thôn Quảng Cư, xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên – Hải Phòng cách trung tâm thành phố khoảng 30 km. Đây là làng quê nghèo, người dân quanh năm chỉ quen công việc đồng áng, làm thuê làm mướn. Trong cái khốn khó của cuộc sống hàng ngày, hàng chục hộ dân ở xóm Vối rơi vào tình cảnh “cái khó lại ló cái dại” chỉ vì thiếu thông tin và kém hiểu biết.

Nhiều ngày nay, người dân cả xóm Vối xôn xao về chuyện nhiều gia đình trong xóm đang bị “bắt” nhà vì cho một đối tượng mượn số đỏ để thế chấp cho ngân hàng. Đến giờ, đối tượng cho vay không có tiền để trả nợ vì vậy ngân hàng kiện và hàng chục hộ dân bị xử mất trắng nhà.

Cuối năm 2008, ông Đỗ Văn Tề (thôn Quảng Cư, xã Quảng Thanh) có nhu cầu vay 50 triệu đồng để sửa nhà. Qua mối quan hệ làng xóm, ông Tề đã được một số đối tượng môi giới gặp bà Mạc Thị Vân, Giám đốc Công ty CP thương mại và kỹ thuật Hải Lâm và Công ty CP thương mại Hoàng Sơn Lâm (có trụ sở tại thôn Quảng Cư, Quảng Thanh, Thủy Nguyên). Bà Vân hứa sẽ là người đứng ra giúp ông Tề làm thủ tục vay vốn ngân hàng. Điều kiện được đặt ra là ông Tề sẽ đem sổ đỏ căn nhà diện tích 30m2 cho Vân thế chấp ngân hàng để vay số tiền 200 triệu đồng. Đổi lại, sau khi Vân vay được 200 triệu đồng, ông Tề sẽ cho Vân vay 100 triệu đồng, ông Tề nhận được 50 triệu đồng, người môi giới được 30 triệu đồng và con gái ông Tề được 20 triệu đồng.

Bi kịch mất nhà vì vay...5 triệu đồng ! - 1

Căn nhà xơ xác của ông Tề đã bị ngân hàng siết

Sau khi thỏa thuận xong, bà Vân yêu cầu ông Tề đưa sổ đỏ để làm thủ tục vay. Khi ngân hàng thẩm định xong tài sản, bà Vân và ông Tề cùng ngân hàng cho vay tiền đã ký hợp đồng thế chấp ký ba bên và hợp đồng tín dụng . Tuy nhiên, sau nhiều tháng ký kết nhưng vẫn không nhận được tiền, ông Tề đã tá hỏa và nhiều lần đến tìm Vân nhưng không nhận được câu trả lời. Qua tìm hiểu, ông Tề mới được biết là Vân đã dùng sổ đỏ của nhà ông để vay ngân hàng hơn 800 triệu đồng.

“Khi bà Vân dẫn tôi đi ký giấy tờ, tôi đã ký vào rất nhiều các tờ giấy mà bản thân mình không thể đọc hết. Bây giờ, gia tài lớn nhất là ngôi nhà đã bị ngân hàng siết nợ, vợ tôi bị tai biến, có độc một mụn con thì bị bệnh nặng” ông Tề than thở

Cám cảnh không kém gia đình ông Tế, vợ chồng chị Mạc Thị Đào, ở xóm Vối cũng trong cảnh “đứng ngồi không yên” vì sắp mất mảnh đất thờ tự. Bà Đào cho biết, năm 2007, dì Mạc Thị Vân (em họ bà Đào) mượn bìa đỏ để thế chấp vay vốn.

Chỉ vì cả tin thấy dì ấy là giám đốc công ty, lại làm ăn được, nên tôi và mấy anh chị em trong họ đều cho mượn bìa đỏ để vay tiền. Giờ thì nhà mất, vợ chồng cãi nhau, gia đình lục đục.

Một trường hợp khác, vì thiếu hiểu biết cũng trong tình trạng cho mượn sổ đỏ để thế chấp là gia đình bà Đỗ Thị Hiển (xóm Vối). Gia đình bà Hiển cũng có quan hệ thông gia với bà Mạc Thị Vân nên khi bà Vân ngỏ lời mượn sổ đỏ , với lời hứa sẽ khi vay được tiền sẽ cho mượn 5 triệu để mua xe máy . Đến nay thì do bà Vân không có khả năng trả nợ , nên ngôi nhà của bà và các con đang có nguy cơ bị ngân hàng siết nợ.

“Ở làng người ta trọng tình nghĩa lắm, đã là thông gia hỏi mượn không cho mượn cũng rất ngại. Sổ đỏ thì cũng để trong tủ chẳng sử dụng vào việc gì vì vậy khi bà Vân hỏi mượn tôi đồng ý. Lúc đó, chỉ nghĩ là bà Vân mượn vay tiền khi có thì trả lại. Ai ngờ mình bị lừa”.

Bi kịch mất nhà vì vay...5 triệu đồng ! - 2
Căn nhà trống tềnh trống toàng của anh Quang cũng bị siết nợ


Đi sâu trong xóm Vối chừng 20m, là gia đình chị Quang – Hằng, cả gia đình sống bằng nghề làm thuê, nhà cửa nghèo nàn, sơ xác. Ấy vậy, chỉ vì cả tin anh chị cũng đã giao hết giấy tờ sổ đỏ nhà đất cho bà Vân để thế chấp ngân hàng vay tiền.

“Nhà tôi nằm sâu tít trong làng, trị giá căn nhà chỉ được 150 triệu đồng cũng khó bán nổi, thế mà không hiểu sao bà Vân có thể thế chấp vay 500 triệu đồng. Tòa án cũng đã xử tôi bị mất nhà rồi. Hiện hai vợ chồng và mấy đứa con chỉ là ở lưu cư khi nào ngân hàng phát mãi bán thì cũng phải chuyển đi. Tương lai không biết rồi sẽ đi đâu về đâu” anh Quang cho biết..

Phóng viên đã đi tìm hiểu thực tế các trường hợp trên, có một điều rất đáng buồn tất cả các gia đình cho bà Vân vay tiền đều chỉ vì cả tin. Bản thân họ không biết ngân hàng khi cho vay thế chấp tài sản đã định giá căn nhà của họ là bao nhiêu, thậm chí họ cũng chưa từng gặp cán bộ thẩm định tài sản. Tất cả người dân chỉ kí vào một số giấy tờ và cho mượn sổ đỏ. Chỉ đến khi ngân hàng thông báo bắt nợ, những nông dân này mới tá hỏa vì có thể sẽ mất trắng nhà cửa, vườn tược...

Điều phi lý ở chỗ người dân không nhận được tiền vay trong khi người đi vay hộ tiền thì lại có thể ngang nhiên chiếm toàn bộ khoản tiền vay từ tài sản của những người dân nghèo quanh năm chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Họ chỉ là những người dân thuần nông không có thông tin, kém hiểu biết xã hội đến mức có gia đình khi được tòa án mời lên xét xử còn không biết nguyên nhân tại sao mình bị mất nhà, ngay cả việc làm đơn kháng cáo cũng không biết phải bắt đầu tư đâu.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Đào (Vnmedia)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN