90% giao dịch là rút tiền, hỏi sao ATM không quá tải?

Những ngày cận Tết, có máy ATM phải nạp từ 2-4 tỉ đồng/ngày nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu rút tiền từ người dân.

Lượng giao dịch tăng đột biến ở các máy ATM là nguyên nhân khiến hệ thống máy ATM của các ngân hàng bị quá tải, “chết lâm sàng” hoặc thường xuyên hết tiền.

Ghi nhận của Báo Người Lao Động mấy ngày qua, trước cửa cây ATM của nhiều ngân hàng (NH) thương mại tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương… đều chật kín người. Hàng dài người xếp hàng chờ rút tiền nhưng khi tới lượt thì máy hết tiền, tạm ngừng hoạt động hoặc đang cập nhật.

Gặp anh Nhàn (ngụ quận 9, TP HCM) đang làm thủ tục để rút 10 triệu đồng tại phòng giao dịch của một NH trên đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9, chúng tôi hỏi sao không rút ngoài cây ATM cho tiện, anh bảo các máy đều báo đang cập nhật, không rút được nên cực chẳng đã mới mới phải chạy vào phòng giao dịch rút trực tiếp.

Tại phòng giao dịch này không riêng gì anh mà còn khá nhiều người khác đang chờ đến lượt để làm thủ tục rút tiền mua sắm Tết.

90% giao dịch là rút tiền, hỏi sao ATM không quá tải? - 1

90% giao dịch là rút tiền, hỏi sao ATM không quá tải? - 2

90% giao dịch là rút tiền, hỏi sao ATM không quá tải? - 3

Máy ATM của hầu hết các ngân hàng đều rơi vào tình trạng quá tải hoặc trục trặc do giao dịch tăng đột biến những ngày trước Tết. Ảnh: Đình Thi

Nhiều chủ thẻ cho biết phải đi 3-4 ATM mới rút được tiền, do máy tạm ngừng hoạt động, hết tiền hoặc gặp sự cố. Cách đây vài ngày, người viết chứng kiến cảnh một hành khách người Trung Quốc với khuôn mặt thất thần khi chuẩn bị lên máy bay về nước nhưng bị nuốt thẻ ATM khi giao dịch ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM).

Theo các NH thương mại, tình trạng quá tải trên máy ATM trong đợt cao điểm Tết Nguyên Đán là khó tránh khỏi, khi quá nhiều người cùng rút tiền mặt một lúc và hệ thống khó tránh gặp sự cố.

Ông Huỳnh Song Hào, Giám đốc khối bán lẻ, NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cho biết những ngày gần đây, một số máy ATM của nhiều NH trong đó có cả Vietcombank, đã xảy ra những trục trặc, đặc biệt ở những khu vực đông dân cư, khu vực đô thị lớn hay các khu công nghiệp.

Nguyên nhân là do lượng giao dịch tăng đột biến. Trung bình một máy trước đây tiếp quỹ 1 lần/ngày nay phát sinh lên 2, thậm chí đến 4 lần, đồng nghĩa với việc một máy ttrước đây nạp 1-1,5 tỉ đồng/ngày nay có máy phải nạp từ 2- 4 tỉ đồng/ngày. Lượng giao dịch tăng đột biến, trung bình một máy ATM xử lý 400 giao dịch/ngày, có nhiều máy phải xử lý đến 600 giao dịch/ngày, tương đương khoảng hơn 2 phút/giao dịch. “Máy quá tải, quá tần suất, có thể dẫn đến tình trạng nôm na là “kiệt lực”. Tỉ lệ trục trặc máy sẽ xảy ra nhiều hơn bình thường khiến cho các đối tác bảo trì máy cho các NH cũng phải căng người lên. Rồi vấn đề tắc đường cũng làm cho nhiều máy “ốm” nhưng không được khắc phục kịp thời” – ông Hào lý giải.

Ngoài đội ngũ bảo trì, còn các cán bộ làm công tác tiếp quỹ  ATM, vận hành ATM. Với gần 20.000 máy ATM của hệ thống NH trên toàn quốc, mỗi ngày hàng chục ngàn tỉ đồng phải được chuyển đi và nạp vào máy đồng thời cũng có hàng chục ngàn tỉ đồng khác phải được kiểm đếm sẵn để phục vụ lần nạp tiếp theo. Một lượng lớn nhân sự của hệ thống NH phải gồng mình trong dịp này.

“Từ năm 2002 đến nay, sau hơn 10 năm phát triển, nói đến ATM chúng ta vẫn loay hoay với câu chuyện rút tiền mặt. Giao dịch rút tiền mặt hiện vẫn chiếm gần 90% hỏi sao các máy ATM không quá tải cho được” - ông Hào nói.

Khuyến khích thanh toán điện tử

Theo các NH, với những giao dịch không nhất thiết phải thanh toán bằng tiền mặt khách hàng có thể chuyển khoản thông qua việc sử dụng các kênh giao dịch khác rất tiện lợi, nhanh chóng mà không phải xếp hàng và chờ đợi như Mobile Banking, Internet Banking…

Khách hàng nên tăng cường sử dụng thẻ thanh toán để thanh toán tiền mua bán hàng hóa, dịch vụ thay cho sử dụng tiền mặt tại các thời điểm trước và trong các kỳ nghỉ lễ, Tết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thái Phương (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN