Thuốc lá "nuốt chửng" nhiễm sắc thể Y

Tờ Live Science đưa tin, nghiên cứu mới của các nhà khoa học Thụy Điển cho thấy hút thuốc lá gây ra tác dụng phụ: Ảnh hưởng tới việc duy trì nòi giống, nhất là việc sinh con trai.

Cụ thể, những người đàn ông hút thuốc lá nhiều sẽ mất nhiễm sắc thể Y trong các tế bào máu. Hút thuốc càng nhiều thì nhiễm sắc thể Y mất càng nhiều.

Thuốc lá "nuốt chửng" nhiễm sắc thể Y - 1

Hút thuốc lá ảnh hưởng tới việc duy trì nòi giống, nhất là việc sinh con trai.

50 năm qua, các nhà khoa học đã biết rằng nhiễm sắc thể Y ở nam giới có thể bị biến mất. Nhiễm sắc thể Y là một trong 2 nhiễm sắc thể xác định giới tính. Trong thực tế, những gen này còn có các chức năng quan trọng khác, chẳng hạn như có thể góp phần ngăn ngừa các khối u.

Như vậy, nhiệm vụ chống bệnh ung thư do các tế bào miễn dịch trong máu đảm nhiệm có thể bị giảm sút khi không có nhiễm sắc thể Y.

Thuốc lá "nuốt chửng" nhiễm sắc thể Y - 2

Nhiễm sắc thể X (màu đỏ) và Y (màu xanh)

Tháng 4/2014 nhà nghiên cứu về miễn dịch, di truyền và bệnh lý Lars Forsberg ở Đại học Uppsala (Thụy Điển) và các đồng nghiệp công bố kết quả nghiên cứu mối tương quan giữa nhiễm sắc thể Y trong máu với tuổi thọ trung bình và nguy cơ ung thư ở nam giới trên tạp chí Nature Genetics.

Kết quả tiết lộ rằng sự mất mát các nhiễm sắc thể Y trong các tế bào máu có nguy cơ làm gia tăng ung thư ở nam giới. Đồng thời là một trong những nguyên nhân khiến tuổi thọ trung bình của nam giới thấp hơn nữ giới hiện nay.

Nhiệm vụ tiếp theo của nhóm nghiên cứu là tìm ra những yếu tố dẫn đến việc mất nhiễm sắc thể Y ở nam giới. Ông Lars Forsberg và các đồng nghiệp đã thực hiện 3 nghiên cứu dịch tễ (một nhóm từ 40-93 tuổi, hai nhóm từ 70-80 tuổi) với sự tham gia của hơn 6.000 người đàn ông tại Thụy Điển. Những người tham gia được xét nghiệm máu và trả lời các câu hỏi về các yếu tố như tập thể dục, huyết áp trung bình, lượng tiêu thụ rượu và hút thuốc. Vì vậy, các nhà nghiên cứu có thể kiểm tra sự phổ biến của nhiễm sắc thể Y trong máu.

Kết quả cho thấy sự thay đổi di truyền phổ biến nhất là việc mất nhiễm sắc thể Y trong phần lớn bạch cầu ở đàn ông. Khoảng 12,6% đàn ông trong độ tuổi 70 bị mất nhiễm sắc thể Y. Ở độ tuổi 80, con số này cao hơn 15,6%.

Để nhấn mạnh tầm quan trọng của tuổi tác, các nhà nghiên cứu tiến hành thí nghiệm ở nhóm thứ ba trong độ tuổi 48-93. Kết quả chỉ có 7,5% người mất nhiễm sắc thể Y. Trong đó, 15,4% người từ 70 tuổi trở lên mất nhiễm sắc thể Y, con số này với người dưới 70 tuổi  4,1%. Như vậy, càng lớn tuổi đàn ông càng tăng nguy cơ bị mất nhiễm sắc thể Y.

Đặc biệt, việc hút thuốc lá ảnh hưởng rõ nét tới sự mất mát này. Cụ thể, những người hút thuốc lá có nguy cơ mất nhiễm sắc thể Y nhanh gấp 2,4 đến 4,3 lần so với người không hút thuốc.

Mặc dù đã có khá nhiều manh mối tin cậy chứng minh thuốc lá là thủ phạm làm nhiễm sắc thể Y biến mất. Tuy nhiên, theo ý kiến của tác giả, bài nghiên cứu cần tiến hành thêm nhiều cuộc thử nghiệm để xác định chính xác lượng tiêu thụ thuốc lá mỗi ngày có thể dẫn tới tác dụng phụ nguy hiểm này.  

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng khuyến khích nam giới bỏ thuốc lá để duy trì một nguồn sức khỏe dồi dào, tránh nhiều bệnh nguy hiểm, đặc biệt là ung thư.

Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ Live Science, một tờ tin tức khoa học trực tuyến ra đời năm 2004. Live Science chuyên tin tức về đột phá khoa học, các dự án nghiên cứu và sự kiện kỳ lạ từ khắp nơi trên thế giới. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Nga (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN