Việt Nam đang tiến gần mục tiêu loại trừ bệnh sởi – rubella

“Vắc-xin sởi-rubella được đưa vào tiêm chủng thường xuyên cho trẻ em 18 tháng tuổi, Việt Nam đang tiến gần hơn mục tiêu loại trừ bệnh sởi và bệnh rubella”.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết như vậy tại lễ Tổng kết triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi – rubella trong tiêm chủng mở rộng năm 2014.

Lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng cho biết, chiến dịch tiêm vắc-xin sởi-rubella cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi trên cả nước đã kết thúc thành công.

Gần 20 triệu trẻ được tiêm chủng

Chiến dịch tiêm vắc-xin sởi-rubella có đông đối tượng tham gia nhất. Cụ thể: Chiến dịch có hơn 19,7 triệu trẻ từ 1 đến 14 tuổi tương đương với hơn 1/5 dân số cả nước được tiêm vắc-xin sởi-rubella miễn phí, với độ bao phủ đạt trên 98,2%.

Đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất trong hơn 30 năm triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Ngay sau chiến dịch, với việc vắc-xin sởi-rubella được đưa vào tiêm chủng thường xuyên cho trẻ em 18 tháng tuổi, Việt Nam sẽ tiến gần hơn đến mục tiêu loại trừ bệnh sởi và bệnh rubella.

Việt Nam đang tiến gần mục tiêu loại trừ bệnh sởi – rubella - 1

Việt Nam đang tiến gần hơn mục tiêu loại trừ bệnh sởi và bệnh rubella

Lần đầu tiên đưa vắc-xin mới vào sử dụng

Trong Chiến dịch tiêm vắc-xin sởi-rubella, những khó khăn, thách thức lớn đối với những người làm tiêm chủng được dự báo từ trước.

Khó khăn đầu tiên là đưa một vắc-xin mới, lần đầu được sử dụng tại Việt Nam để sử dụng cho chiến dịch. Ngành y tế phải tập huấn chi tiết cho cán bộ y tế cơ sở và xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho từng xã, phường, điểm tiêm chủng.

Thêm vào đó là số đối tượng lớn, nhiều độ tuổi, trải rộng trên khắp mọi miền đất nước nên để đạt được mục tiêu đề ra trên 95% trên qui mô xã, phường. Công tác quản lý, rà soát đối tượng, vận động bà mẹ đưa con đi tiêm chủng và nỗ lực để tiêm vét cho những đối tượng hoãn tiêm.

Tại thời điểm trước khi triển khai chiến dịch, nhiều bậc cha mẹ còn băn khoăn về tính an toàn, hiệu quả của vắc-xin. Để kịp thời giải đáp và tạo sự yên tâm của các bà mẹ, công tác truyền thông đã được tích cực thực hiện ngay từ trước chiến dịch.

Ngoài ra, vận chuyển và bảo quản hơn 23 triệu liều vắc-xin sởi-rubella từ kho trung ương đến xã phường để đến với 66.314 điểm tiêm chủng trên toàn quốc từ đồng bằng đến các vùng biên giới, hải đảo, nơi có nhiều khó khăn. Nhiều nơi các cán bộ y tế phải trèo đèo, lội suối để có thể mang vắc xin được bảo quản lạnh đúng quy định và kịp thời đến các điểm tiêm chủng.

Chiến dịch có nhiều giai đoạn nhất

Để tránh bỏ sót đối tượng, Dự án tiêm chủng mở rộng không thực hiện đồng loạt cho toàn bộ trẻ em từ 1 đến 14 tuổi trên cả nước mà chia thành 3 giai đoạn với các nhóm tuổi khác nhau. Đợt 1 cho trẻ từ 1- 5 tuổi; đợt 2 cho trẻ từ 6-10 tuổi và đợt 3 cho trẻ từ 11-14 tuổi.

Thời gian tiêm vét cho các trẻ vắng mặt, hoãn tiêm, mới đến… được bố trí vào cuối mỗi đợt. Những trẻ chưa được tiêm vét trong đợt 1, 2 tiếp tục được tiêm vét trong đợt 2, 3 của chiến dịch để đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm chiến dịch đạt trên 95% trên quy mô xã phường.

Như vậy, so với các chiến dịch trước chỉ từ tổ chức 1 đến 2 đợt, chiến dịch lần này là chiến dịch được chia làm nhiều giai đoạn nhất. Điều này thể hiện quyết tâm của ngành Y tế trong việc khống chế bệnh dịch sởi và rubella.

Số người tham gia nhiều nhất

Chưa có chiến dịch hay hoạt động y tế nào huy động được sự tham gia đông đảo từ các tổ chức xã hội như chiến dịch lần này. Chiến dịch có sự tham gia của 970.962 lượt người. Trong đó, 325.886 lượt cán bộ y tế, cán bộ y tế thuộc hệ y tế dự phòng là 117.392 lượt, hỗ trợ từ các bệnh viện, hệ điều trị là 24.133 lượt người, từ lực lượng quân y và y tế khác là 32.584 lượt người.

Nhân lực huy động từ các ban ngành khác và người tình nguyện tham gia chiến dịch là 645.076 lượt người trong đó đặc biệt là sự tham gia của ngành giáo dục với 467.704 lượt người và các ban ngành đoàn thể khác (Hội Phụ nữ, Mặt trận tổ quốc, Hội chữ thập đỏ, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh...) với 117.372 lượt người. Nhờ có sự hỗ trợ và phối hợp của lực lượng quân y bộ đội biên phòng, ngành giáo dục, chính quyền và ban ngành, đoàn thể các cấp, nhiều khó khăn lần lượt được giải quyết.

PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo các bà mẹ nên tin tưởng về tính an toàn và chất lượng các vắc-xin dùng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và chủ động đưa con em mình đi tiêm vắc-xin đúng lịch, đủ số mũi tiêm với tỉ lệ tiêm chủng cao.

Ngoài ra, không có vắc-xin nào là an toàn 100%, kể cả vắc-xin dịch vụ hay mở rộng. Do đó, để giảm thiểu các nguy cơ phản ứng sau tiêm, khi đưa con đi tiêm chủng, các bà mẹ cần mang theo sổ tiêm chủng của trẻ và thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình, như tiền sử quá trình sinh đẻ, bệnh tật, tiêm chủng của trẻ, đặc biệt lưu ý các phản ứng mạnh với lần tiêm  trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, nôn trớ, phát ban, sưng nề vùng tiêm... để có chỉ định tiêm vắc-xin phù hợp.

Vì sức khỏe và tương lai của con bạn, hãy đưa trẻ đi tiêm đầy đủ các mũi vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế xã, phường.

Thông tin chi tiết, tham khảo thêm tại website: http://tiemchungmorong.vn/vi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tiêm chủng mở rộng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN