Vắc-xin "suất ngoại giao" được chào bán với giá cắt cổ

Đánh trúng vào tâm lý các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi tiêm chủng đang cố tìm vắc-xin dịch vụ, nhiều người đã nhân cơ hội này chào bán “suất ngoại giao”.

Chào bán suất ngoại giao 2 triệu đồng

Chị Đỗ Thanh Hà trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội có con trong độ tuổi tiêm chủng. Tuy nhiên, nghe thông tin từ đầu năm nay có 10 trẻ bị sốc phản vệ sau tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng khiến chị Hà không dám cho con đi tiêm.

Hàng ngày, chị săn lùng trên mạng xã hội các thông tin về tiêm chủng vắc xin. Có nhiều người rao bán gói vắc xin lên đến 20 triệu đồng. Người thì chào suất ngoại giao 2 triệu đồng/mũi nhưng không hứa có mũi hai hay không khiến chị Hà rơi vào nhiễu loạn, không biết chọn loại nào.

Vắc-xin "suất ngoại giao" được chào bán với giá cắt cổ - 1

Ảnh minh họa.

Thậm chí, nhiều người còn rao vắc xin một mũi là 6,5 triệu đồng và chỉ đăng ký cho tiêm từ 2 mũi trở lên. 

Trong khi đó, theo Bộ Y tế, khan hiếm vắc xin dịch vụ là do nhà sản xuất chứ không phải do Bộ Y tế không nhập. Nhiều người búc xúc cho rằng tại sao Bộ cho rằng khan hiếm vắc xin mà vẫn có những gói vắc xin ngoại giao như thế.

Trao đổi với chúng tôi, TS Đỗ Tuấn Đạt – Giám đốc Công ty sinh phẩm và vắc xin số 1, VABIOTECH cho biết, khan hiếm vắc xin dịch vụ là có thật vì từ năm 2014 các công ty sản xuất vắc xin họ sửa chữa nhà xưởng và thời gian này mất khoảng 3 năm. Đến năm 2017 sẽ có vắc xin dịch vụ như trước. 

Tuy nhiên, ông Đạt cho biết các gói vắc xin được quảng cáo là suất ngoại giao có thể là vắc xin xách tay vì hiện nay đánh vào nhu cầu có cung ắt có cầu. Ông Đạt khuyến các không nên sử dụng vắc xin xách tay vì vắc xin phải đảm bảo được điều kiện đảm bảo nhất định của nó. Khi xách tay, có thể chất lượng vắc xin không còn đảm bảo.

Cấm buôn bán vắc xin

PGS.TS.Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nhiều người lợi dụng khan hiếm của văc-xin đã mở dịch vụ vắc xin xách tay. Điều này rất nguy hiểm.

Nếu phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vắc xin xách tay tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi vắc xin nào cũng có tỷ lệ phản ứng nặng nhất định. Vì tiêm vắc xin là quá trình đưa kháng nguyên lạ vào cơ thể. Vì thế không có loại vắc xin nào đạt đến độ an toàn hoàn hảo 100%. 

Trong khi đó, việc tiêm chủng phòng chống dịch cho trẻ và cho cả cộng đồng là việc hết sức cần thiết, đặc biệt là đối với quốc gia có khí hậu nhiệt đới, môi trường dễ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm. 

Do đó, mỗi phụ huynh cần ý thức tiêm chủng không chỉ là lựa chọn của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng, nhằm hướng tới đạt tỷ lệ tiêm chủng bao phủ toàn dân cao. 

Theo ông Phu, Bộ Y tế tuyệt đối cấm việc buôn bán vắc xin ngoài thị trường và đồng thời khuyến cáo người dân không nên tự mua, tự tiêm vaccine “xách tay”. 

Cục trưởng Phu nhấn mạnh: “Vắc xin không đảm bảo chất lượng, không được bảo quản đúng quy trình, đúng nhiệt độ rất dễ xảy ra phản ứng nguy hiểm cho cơ thể. Những vaccine “xách tay” không chắc chắn được kiểm định về chất lượng hay không, người tiêm cũng có thể không có kỹ thuật, không đủ các phương tiện cấp cứu nếu xảy ra phản ứng”. 

Như thế, việc quyết định tiêm bên ngoài, qua “cò”, với hàng “xách tay” không rõ nguồn gốc chẳng khác nào phụ huynh đang “gửi trứng cho ác” với những nguy cơ, hiểm họa khôn lường.

Cũng theo PGS.TS.Trần Đắc Phu: “cơ hội vàng” để tiêm vắc xin đạt tỷ lệ miễn dịch cao nhất là khi trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi. Giữa các mũi tiêm tối thiểu là 4 tuần. “Đây là khoảng thời gian trẻ rất dễ mắc các bệnh nói trên, khi mắc thì nguy cơ biến chứng, nguy hiểm đến tính mạng rất lớn. 

Ngoài ra, các nghiên cứu chỉ ra rằng, đây là “thời gian vàng” để vắc xin phát huy miễn dịch cao nhất, lên đến 80-90%. Nếu trẻ không tiêm đủ mũi, khả năng miễn dịch càng giảm, thậm chí về 0”.

Theo số liệu thống kê, năm 2016, việc nhập về các vắc xin dịch vụ của Pháp, Bỉ vẫn sẽ còn gặp khó. Nguyên nhân là do các nước sản xuất vắc xin chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng lớn, từ cách đây 2-3 năm, do đó không dư ra để bán theo nhu cầu đột biến của Việt Nam. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ph.Thúy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN