Uống nước tưởng chừng đơn giản nhưng không phải vậy

Sự kiện: Sống khỏe

Theo PGS Phạm Văn Hoan, nước rất tốt cho cơ thể, người ta truyền tai nhau uống càng nhiều nước càng tốt. Nhưng thực tế không phải vậy: Uống nhiều nước có thể gây hạ natri máu và có nguy cơ tử vong.

Uống nước tưởng chừng đơn giản nhưng không phải vậy - 1

Tử vong nếu uống quá nhiều nước 

Tại hội thảo Đồ uống và sức khoẻ do Tổng hội Y học Việt Nam và Viện Y học ứng dụng Việt Nam tổ chức, các chuyên gia cho rằng nước rất tốt nhưng cần sử dụng theo liều lượng khuyến nghị.PGS Hoan – Phó Giám đốc Viện y học ứng dụng Việt Nam cho biết, nước là một chất dinh dưỡng cần thiết đối với tất cả những cơ thể sống. Nhờ có nước mà cân bằng dịch và cân bằng nội môi trong cơ thể được duy trì.

Nước là một trong những thành phần cơ bản của sự sống, chiếm khoảng 1/2 trọng lượng cơ thể của người trưởng thành. Nước thực hiện 4 chức năng chính trong cơ thể: Là dung môi của các phản ứng hóa học trong cơ thể, là chất phản ứng hóa học của nhiều phản ứng sinh hóa, là chất bôi trơn, là chất điều hòa nhiệt độ.

Để đáp ứng nhu cầu nước của cơ thể, chúng ta cần phải bổ sung nước mỗi ngày. Nhu cầu nước mỗi ngày sẽ thay đổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố (ví dụ: tốc độ chuyển hóa, chế độ ăn, điều kiện thời tiết, trang phục), do vậy mà nhu cầu khuyến nghị nước hàng ngày cũng cần thay đổi cho phù hợp.

Các nghiên cứu về cân bằng nước cho thấy nhu cầu nước hàng ngày của cơ thể sẽ tăng dần theo tuổi, từ khi còn là trẻ sơ sinh (cần khoảng 0,6l nước) cho tới khi là trẻ nhỏ (khoảng 1,7l).

Với người trưởng thành, nhu cầu nước một ngày của nam giới khoảng 2,5 lít/ngày nếu có mức độ lao động thể lực nhẹ và có thể tăng lên tới 3,2 lít/ngày nếu hoạt động thể lực ở mức độ trung bình, thậm chí có thể tăng lên tới 6l/ngày nếu người trưởng thành hoạt động thể lực nhiều và sống trong điều kiện khí hậu nóng.

Nghiên cứu về sự thay thế nước trong cơ thể (water turnover) chứng minh rằng, lượng nước thay thế trong một ngày khoảng 3,3l với nam giới ít vận động và 4,5l với nam giới thường xuyên hoạt động.

Với những người có cường độ vận động cao, lượng nước thay thế một ngày có thể lên tới 6l. Lượng nước thay thế cho phụ nữ trong vòng 1 ngày thường sẽ ít hơn từ 0,5-1,0l so với nam giới cùng tuổi.

Khi cơ thể bắt đầu già hóa đối với cả 2 giới, mức độ hoạt động thể chất sẽ giảm đi và khả năng điều hòa nước trong cơ thể cũng giảm đi do giảm chức năng thận và giảm cảm giác khát nước.

Các chuyên gia dinh dưỡng trên thế giới đã phát triển hướng dẫn chung về nhu cầu nước uống dựa trên thói quen dinh dưỡng hàng ngày của từng nhóm dân số cụ thể.

Nước từ các loại thực phẩm được cho là góp phần bổ sung 20-30% tổng nhu cầu nước uống hàng ngày và nước của các loại đồ uống sẽ góp phần bổ sung 70-80% nhu cầu nước uống một ngày.PGS Hoan cho biết nhiều người truyền tai nhau càng uống nhiều nước càng tốt, uống nhiều nước vào sáng sớm cũng tốt nhưng thực tế không phải như vậy.

Uống nước nhiều quá có thể gây choáng váng, kích thích, mệt mỏi, nôn do triệu chứng của hạ natri máu. Natri máu quá thấp có thể gây tử vong. Các bác sĩ hay gọi là ngộ độc nước.

PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, Phó giám đốc Trung tâm Doping và Y học Thể thao cho rằng thời điểm uống nước thích hợp nhất là mười phút trước khi ăn hoặc một giờ sau khi ăn chứ không nên uống ngay sau hoặc trong khi ăn.

Vì uống trong khi ăn sẽ hòa loãng và mau đưa dịch vị dạ dày xuống ruột, khiến cho sự tiêu hóa khó khăn. Hơn nữa vừa uống vừa ăn, ta sẽ nuốt món ăn chưa được nhai kỹ không tốt cho tiêu hoá và hấp thu.

Uống nước nên chia làm nhiều lần trong ngày chứ không nên uống một lần quá nhiều. Ngay cả khi khát nước cũng không nên uống quá nhiều một lúc. Tốt nhất là nên uống từ từ từng ngụm một để cho nước có thời gian thấm qua thành ruột vào mạch máu và thỏa mãn nhu cầu khát của một cơ thể bị thiếu nước.

Những loại nước nào có thể uống?

PGS Ninh cho biết, khi chọn đồ uống có thể là nước đun sôi để nguội, nước lọc, nước khoáng, nước tinh khiết đóng chai, sữa, nước ép trái cây, nước ép rau củ, nước súp .. đều có thể dùng được hàng ngày.

Nước ép trái cây tươi như nước cam, quýt, bưởi, dưa chuột, táo… khi uống không nên cho thêm đường. Loại nước quả ép này vừa cung cấp nước lại cung cấp các vitamin và khoáng chất cho cơ thể, xóa tan những mệt mỏi, tăng cường chức năng hoạt động của não và làm khỏe mạnh những mạch máu, giúp lưu thông khí huyết tốt trong cơ thể người.

Các loại nước ép từ rau củ như củ đậu, bí xanh, nước rau má… rất tốt cho cơ thể, nhất là đối với trẻ bị thừa cân - béo phì, vừa không sợ bị tăng cân, có tác dụng giải nhiệt, nhất là trong những ngày hè nóng bức.

Sữa đậu nành không đường cũng là nước uống và thức ăn bổ dưỡng, vừa cung cấp nước, cung cấp canxi và các chất dinh dưỡng khác.

Nước rau luộc rất tốt cho cơ thể vì cung cấp các vitamin và khoáng chất.

Loại nước uống tốt nhất cho con người là nước sạch tự nhiên có trong rau quả, nước băng tan hoặc nước sạch nhân tạo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo P.Thúy (Infonet)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN