Tự chữa bệnh bằng thuốc Nam, có ngày mất mạng

Sự kiện: Món ăn bài thuốc

Với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, không ít bệnh nhân bỏ điều trị, tự ý dùng thuốc nam theo chỉ dẫn truyền miệng khiến bệnh thêm trầm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong.

Tự chữa bệnh bằng thuốc Nam, có ngày mất mạng - 1

Thuốc Nam nếu không biết dùng đúng thành phần, liều lượng cũng nguy hiểm đến tính mạng. (Ảnh minh họa)

Suy gan, suy thận vì bài thuốc nam truyền miệng

Mới đây, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư vừa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn H. (32 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội), cấp cứu bệnh gan. Theo gia đình, anh H. bị viêm gan B mạn tính. Giữa lúc chán nản vì phải điều trị bệnh suốt đời, được giới thiệu bài thuốc Nam chữa viêm gan dứt điểm, anh H. bỏ điều trị bằng thuốc kháng virus, chuyển qua dùng loại thuốc này.

Uống thuốc mới khoảng hai tháng, anh H. xuất hiệu dấu hiện suy gan cấp. Bác sỹ chẩn đoán, các tế bào gan của bệnh nhân bị phá hủy, diễn biến thành teo gan cấp, phải ghép gan cấp. Tuy nhiên, do không tìm được nguồn ghép gan nên bệnh nhân đã tử vong sau đó.

Tương tự, bệnh nhân Trần Thanh T. (58 tuổi, Hòa Bình) cũng nhập viện trong tình trạng tổn thương tế bào gan, xơ gan ứ mật, có chỉ định phải ghép gan. Được biết, bệnh nhân bị viêm gan B nhiều năm nay nhưng không điều trị tại viện mà chỉ dùng các loại thuốc nam truyền miệng, nhưng sau hai năm bệnh không đỡ mà còn nặng hơn.

Theo BS. Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư), những trường hợp như trên không hiếm gặp. “Phổ biến là những bệnh nhân viêm gan mạn tính, phải điều trị lâu dài, người bệnh có tâm lý mệt mỏi, chán nản nên bỏ điều trị Tây y để chữa chạy bằng các loại thảo dược được đồn thổi, truyền miệng”, BS Cấp nói.

Khi có dấu hiệu bệnh, người dân cần đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế. Tuyệt đối không tự chữa trị, uống hay đắp thuốc nam theo lời đồn thổi, khiến bệnh thêm phức tạp, chi phí tốn kém. Chưa kể nhiều bệnh nan y, nếu bỏ điều trị đi chữa thuốc nam theo truyền miệng, bệnh nhân còn mất đi cơ hội vàng để điều trị bệnh”.

BS. Dương Đức Hùng (BV Bạch Mai)

Tại Khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai, PGS. Hồ Lưu Châu, Phó trưởng khoa cho biết, phần lớn bệnh nhân chạy thận ở đây đã từng sử dụng thuốc nam khiến bệnh thêm trầm trọng. Có những người suy thận điều trị nội khoa bằng thuốc hàng chục năm mới lên độ suy thận, thậm chí 20 năm mới bắt đầu phải bước vào lọc máu. Thế nhưng, không ít bệnh nhân “nóng vội với tâm lý có bệnh thì vái tứ phương” đã bỏ điều trị, lựa chọn dùng các bài thuốc nam theo truyền miệng dân gian. “Khỏi đâu chưa thấy nhưng bệnh thêm nặng dẫn đến suy thận buộc phải chạy thận nhân tạo thì đã hiện hữu”, ông Châu cho biết.

Thuốc nam cũng phải có “đơn”

Theo BS. Cấp, trong nhiều loại bệnh, thuốc đông - tây y kết hợp sẽ mang lại hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, thuốc Nam phải tinh khiết, là những bài thuốc y học cổ truyền được công nhận chứ không nên dùng thuốc nam trôi nổi trên thị trường, đặc biệt là tự chữa bệnh bằng những bài thuốc Nam truyền miệng. “Dù điều trị Đông y hay Tây y thì cũng cần có liều lượng, sự kiểm soát của bác sỹ chứ người bệnh không nên tự mua về dùng tránh những nguy cơ đáng tiếc cho sức khỏe”, BS Cấp lưu ý.

Lương y Vũ Quốc Trung, Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền Chùa Cảm Ứng cho rằng, người bệnh nên có những hiểu biết nhất định khi dùng thuốc Nam, tránh tình trạng sử dụng truyền tai nhau, sử dụng bừa bãi, thiếu khoa học… gây những hậu quả khó lường. Ông cảnh báo: “Nhiều bệnh nhân bị tai biến, dị ứng khi dùng thuốc Nam còn do thói quen dùng thuốc tùy tiện.

Có người tự ý mua lá, rễ cây về sắc uống theo người quen mách, thậm chí có người thấy triệu chứng gần giống còn mua thuốc theo đơn thuốc của người khác mà không theo chỉ định của thầy thuốc, không đến các cơ sở thuốc y học cổ truyền đã được cấp phép. Điều này rất nguy hiểm”. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vũ Anh (Báo giao thông)
Món ăn bài thuốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN