“Trực chiến” với tai nạn dịp Tết

50 bác sĩ, 100 điều dưỡng trực 24/24 để cấp cứu tai nạn dịp tết. Đó là quân số mà Bệnh viện Việt Đức - bệnh viện được coi là đầu ngành về cấp cứu ngoại khoa - chuẩn bị để “đối mặt” với dịp Tết Nguyên đán.

Chạy đua với thần chết

PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, với lực lượng hùng hậu như vậy mà mấy ngày tết còn “chỉ được đứng” chứ không được ngồi vì mổ cấp cứu liên tục. “Bệnh nhân đổ ào vào bệnh viện, từ 150-200 ca/ngày. Khi cấp cứu lại phải chạy đua với thần chết nên hầu hết các bác sĩ đều không có thời gian ngồi xuống. Cũng may thời gian này bệnh nhân mãn tính đã ra viện nhiều, nếu không các bác sĩ sẽ chẳng kịp thở” – TS Quyết chia sẻ.

“Trực chiến” với tai nạn dịp Tết - 1
Cấp cứu tai nạn giao thông tại Bệnh viện Việt Đức trong dịp Tết Dương lịch 2015.   Diệu Linh

4 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2015 vừa qua, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức đã rơi vào tình trạng “trực chiến” như thế. Trưa 4.1, chỉ trong vòng 1 tiếng, PV NTNN chứng kiến 6 ca cấp cứu vì tai nạn giao thông (TNGT) được chuyển đến. Các bệnh nhân đều trong tình trạng hôn mê, máu nhuộm đỏ quần áo; những đôi chân bị giập nát... Bên trong phòng cấp cứu, các bác sĩ tập trung hết sức để kích tim, bóp bóng thở và kiểm tra toàn diện cho bệnh nhân. Có bệnh nhân, bác sĩ nhìn vết thương, bắt mạch, vạch mắt bệnh nhân xem rồi ái ngại lắc đầu, tuy nhiên vẫn tiếp tục các biện pháp cấp cứu với hy vọng chỉ còn một sợi chỉ mong manh cũng cố gắng.

Trong số này có nữ bệnh nhân mới 19 tuổi (Ninh Bình) bị tai nạn xe máy, da lóc toàn bộ từ đùi trái trở xuống, có chỗ còn lộ cả xương trắng, dự báo cô gái phải tiến hành nhiều cuộc phẫu thuật để cấy ghép da, rất tốn kém, đau đớn.

TS Quyết cho biết, dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi này nghỉ tới 9 ngày, do đó, bệnh viện đã tiên liệu các ca cấp cứu do TNGT sẽ tăng mạnh. Dù cắt cử tới 150 người trực cấp cứu nhưng vẫn dự phòng nguồn nhân lực tăng cường để đảm bảo đủ sức cứu người.

Bớt uống rượu, đi chậm lại…

Bác sĩ Dương Trọng Hiền- Phó khoa Phẫu thuật tiêu hóa (Bệnh viện Việt Đức), người đã có gần 20 năm đón tết trong bệnh viện cho biết, dù năm nào cũng chuẩn bị tinh thần để cấp cứu nhưng các bác sĩ vẫn “choáng” vì tai nạn ngày càng nhiều, dù đã được cảnh báo.

“Từ ngày 28 tết trở đi, các bác sĩ trực phải quay cuồng với các ca cấp cứu, đối mặt với nỗi đau đớn. Có khi còn không biết năm mới đến từ lúc nào”- bác sĩ Hiền chia sẻ. Chứng kiến hàng ngàn bệnh nhân phải vật lộn với từng cơn đau, với thần chết để giành sự sống, bác sĩ Hiền nhấn mạnh: “Bệnh nhân nào bị tai nạn cũng thấy hối tiếc vì đã không biết trân trọng sức khỏe. Ai cũng bảo “biết thế không đi nhanh”, “biết thế không uống rượu”, “biết thế không chen lấn”… Không nên để đến khi bị tai nạn đến tàn phế hoặc người thân tử vong mới rút ra bài học cho mình. Mỗi người chỉ cần tham gia giao thông cẩn trọng hơn, vì mình, vì người hơn thì sẽ hạn chế được nỗi đau cho mình và người khác”.

TS Quyết cũng cho biết, để giảm TNGT mọi người cần làm chủ tốc độ, đội mũ bảo hiểm và không tham gia lái xe khi uống rượu bia. “Hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa với chính bản thân mình” – TS Quyết khẳng định.

Điều dưỡng viên Nguyễn Văn Uy (khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức) cho biết, tết này anh đã xác định ăn tết ở bệnh viện để trực cấp cứu. Trong quá trình cấp cứu, anh chia sẻ, điều quan trọng có thể chữa trị người bị TNGT hiệu quả là việc sơ cứu ban đầu phải chuẩn xác. Theo anh Uy, khi người bị TNGT còn tỉnh thì nên dùng bìa cứng, tạo khuôn, chèn chặt hai bên để giữ cổ được thẳng, di chuyển nhẹ nhàng nạn nhân lên cáng. Còn nếu bệnh nhân bất tỉnh thì rất có thể dây thần kinh đã bị chấn thương, càng phải cố định cổ. Nếu bệnh nhân bị gãy tay chân thì dùng nẹp tự tạo, cố định vết thương rồi mới đưa lên cáng. Nếu bị vỡ động mạch thì dùng dây bó chặt động mạch để cầm máu…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Linh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN