Trẻ dậy thì sớm: Ai là thủ phạm?

Sự kiện: Sống khỏe

90% trẻ em gái dậy thì sớm không tìm ra được nguyên nhân cụ thể.

Dậy thì sớm ở trẻ em đang có xu hướng gia tăng. Nếu như cách đây bảy năm BV Nhi đồng 1 chỉ tiếp nhận 5-6 ca trẻ đến khám vì nghi ngờ dậy thì sớm thì đến nay con số trẻ em có dấu hiệu dậy thì sớm đã lên đến hơn 200 trẻ. Trong đó có đến 120 trẻ xác định chính xác là dậy thì sớm ở cả nam và nữ.

18 tháng tuổi đã dậy thì

BS Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Thận nội tiết, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), chia sẻ thời gian gần đây biểu hiện dậy thì sớm ở trẻ có dấu hiệu đáng lo ngại. Lạ nhất có bé gái chỉ mới 18 tháng tuổi đã có kinh nguyệt.

“Ban đầu gia đình nghĩ bé bị xâm hại tình dục. Mẹ bé đưa đi xét nghiệm hết bệnh viện này đến bệnh viện khác đều xác định là xuất huyết âm đạo. Có bác sĩ còn khẳng định bé bị xâm hại. Tuy nhiên, đến tháng thứ ba, sau khi chu kỳ cứ một tháng bé bị chảy máu một lần bà mẹ này mới nghi ngờ bệnh lý và đưa vào BV Nhi đồng 1 khám. Hơn sáu năm can thiệp bằng thuốc ức chế, đến nay cháu bé đã sắp ngưng thuốc để trở về với cuộc sống như một đứa trẻ bình thường” - BS Loan kể.

Nhiều trường hợp trẻ nam cũng dậy thì ở độ tuổi khá nhỏ. Giọng nói như một nam thanh niên “chuẩn men”. Trẻ mọc râu, thậm chí bộ phận sinh dục bắt đầu phát triển sớm.

“Tôi vẫn ấn tượng với một trường hợp bé trai khoảng ba tuổi. Cháu ngại giao tiếp với mọi người vì giọng nói nghe ồm ồm, râu bắt đầu mọc và phát triển các bộ phận như một nam thanh niên. Mẹ bé kể bé không dám nói chuyện, không thể giao tiếp và không dám đi học vì sợ bị kỳ thị. Sau khi được kiểm tra và tìm ra nguyên nhân dậy thì sớm do có khối u ở vùng não tiết ra nội tiết tố sinh dục, bé được can thiệp và trả lại giọng nói trong trẻo như xưa” - BS Loan kể lại.

Trẻ dậy thì sớm: Ai là thủ phạm? - 1

Thực phẩm chế biến công nghiệp, thức ăn sẵn, chất béo bão hòa… có thể là nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm. Ảnh: TL - Internet

90% nữ không rõ nguyên nhân

Hiện nay, tuổi dậy thì thường bắt đầu ở trẻ em gái ở độ tuổi từ tám và 12 và ở các bé trai ở độ tuổi từ chín và 14. Tuổi dậy thì sớm là tuổi dậy thì bắt đầu trước tám tuổi (đối với bé gái) và trước chín tuổi (đối với bé trai).

Theo BS Huỳnh Thoại Loan, cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định có bao nhiêu yếu tố tham gia vào quá trình dậy thì ở con người. Tuy nhiên, về mặt khoa học, yếu tố xác định liên quan đến dậy thì phụ thuộc vào chủng dân, vào tiền sử gia đình... Ngoài ra, có nhiều yếu tố liên hệ có mức độ xác nhận thấp hơn ảnh hưởng đến dậy thì sớm như tình trạng dinh dưỡng hay tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ. Việc trẻ con được phủ xung quanh những hình ảnh, phim truyện, yếu tố gợi ý về giới tính cũng ảnh hưởng đến quá trình này.

Về lâm sàng, bé gái tới giai đoạn dậy thì được gia đình phát hiện do ngực to, có kinh nguyệt. Bé trai 100% được phát hiện do dương vật lớn, 50% do bể giọng. Về mặt y khoa, dậy thì được xác định bằng cách xét nghiệm theo hướng đánh giá nội tiết tố của em bé theo các nhóm khác nhau. Đánh giá ảnh hưởng dậy thì theo một số cơ quan quan trọng như tuổi xương…

Đến nay, ở nữ dậy thì sớm thì có đến 90% không xác định được nguyên nhân. Còn đối với nam, 40% tìm được nguyên nhân chủ yếu là do các khối u lành tính nằm ở vùng hạ đồi (não) tiết ra các chất để kích động các trục đưa bé vào giai đoạn dậy thì sớm. Do chưa tìm ra nguyên nhân nên việc xác định yếu tố chính xác dẫn đến dậy thì sớm rất khó.

Một số nghiên cứu cho biết trẻ ăn nhiều thức ăn có nguồn gốc công nghiệp cũng có nguy cơ dậy thì sớm. Do trong sự chăn nuôi công nghiệp người ta thường sử dụng các chất tăng trọng, kích thích tăng trưởng bằng hormone tăng trưởng… khiến ảnh hưởng tới trẻ và làm trẻ dậy thì sớm.

“Ngoài ra, việc sử dụng các sản phẩm làm đẹp như dầu gội đầu, sữa tắm… có chứa chất estrogen làm đẹp da có thể kích thích quá trình dậy thì sớm. Cũng có những lo ngại việc uống sữa động vật (do chăn nuôi công nghiệp) quá nhiều có thể ảnh hưởng đến các hormone sinh dục. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định chắc chắn các mối liên quan này” - BS Loan giải thích.

Nên phát hiện và can thiệp sớm

Dậy thì sớm ở trẻ ngoài những ảnh hưởng trực tiếp trong sinh hoạt, trẻ còn chịu nhiều hệ lụy về tâm lý, xã hội. Trẻ có thể bị lùn khi trưởng thành do xương phát triển vào giai đoạn chưa đủ chín. Ngoài ra, các bộ phận cơ thể trẻ phát triển quá sớm còn là cơ hội cho những hành vi xâm hại tình dục bột phát nhiều hơn.

Do đó, cha mẹ cần quan tâm chú ý đến con trẻ nhiều hơn. Khi thấy trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường nên thực sự bình tĩnh, cần nhận ra vấn đề đúng thời điểm để trẻ được can thiệp một cách khoa học.

Theo BS Huỳnh Thoại Loan, hiện nay bệnh viện có chuyên khoa nhi sẽ can thiệp cho trẻ dậy thì sớm bằng thuốc ức chế nội tiết tố. Mỗi tháng trẻ được tiêm thuốc một lần tùy từng trẻ để loại thuốc này giúp 90% đặc tính sinh dục thứ phát biến mất. “Khi trẻ được can thiệp sớm và đúng độ tuổi, trẻ sẽ quay về chu kỳ phát triển như một đứa trẻ bình thường” - BS Loan khuyến khích.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), độ tuổi dậy thì của các bé gái đang có hiện tượng sớm hơn 2-3 năm, trong khi bé trai cũng sớm hơn 1-2 năm. Để phòng tránh, ngăn chặn dậy thì sớm, cha mẹ cần cho trẻ hạn chế chất béo bão hòa (transfat) trong thực phẩm làm sẵn như bánh snack, đồ hộp, gà rán... Đặc biệt các loại thực phẩm có nguy cơ chứa hợp chất nguy hiểm phthalate (dùng trong công nghiệp chất dẻo, mỹ phẩm…). Hạn chế tối đa các loại thức uống đóng chai và nước ngọt có ga. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Âu (Pháp luật TPHCM)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN