Thời tiết giao mùa, trẻ ốm la liệt

“Thời tiết giao mùa, trẻ em ốm la liệt” là lời cảm thán của nhiều bà mẹ vào thời điểm đầu tháng 4 với những đợt nóng lạnh bất thường. Thực tế cho thấy trẻ em chủ yếu chỉ bị sốt virus và viêm đường hô hấp trên, là những bệnh không nguy hiểm, nhưng nguy hiểm ở chỗ nhiều bậc cha mẹ sốt ruột, vội vã cho con uống kháng sinh, giảm sốt. 

Sốt virus không cần kháng sinh

Chị Trần Hồng Hà (Hà Nội) có con gái 4 tuổi cho biết, con chị vừa chơi ngoan buổi chiều, ăn hết cả bát cơm to nhưng đến 7 giờ tối bỗng nhiên lừ khừ rồi sốt, ho húng hắng. Đo nhiệt độ thì thấy con sốt 38 độ C. Đã có lần con sốt cao bị co giật nên chị Hà rất sợ hãi. Chị vội vã cho con uống giảm sốt và thuốc kháng sinh để “chặn” bệnh ngay từ đầu. “Con tôi thường sốt do viêm họng, viêm phế quản nên tôi cứ “táng” kháng sinh ngay từ đầu cho chắc” – chị Hà kể lại. Tuy nhiên, đến hôm sau, con chị lại mệt mỏi hơn, bỏ ăn. Chị lo lắng nên cho con đi khám tại khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) thì được kết luận, con chị sốt do virus, chỉ cần tăng cường dinh dưỡng cho con thì bệnh sẽ tự lui sau 3-5 ngày, không cần phải uống thuốc kháng sinh.

Thời tiết giao mùa, trẻ ốm la liệt - 1

Thời tiết giao mùa, trẻ em dễ mắc viêm phổi (ảnh chụp tại khoa Nhi -Bệnh viện Bạch Mai).  Diệu Linh

PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời tiết giao mùa xuân - hạ ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung nên trẻ em đang đổ bệnh hàng loạt với số lượng tăng gấp rưỡi ngày thường. Mỗi ngày có từ 40-50 trẻ đến khoa khám và điều trị, nhiều em phải nhập viện do viêm phổi. “Có hai bệnh đang nổi bật hiện nay là các bệnh viêm đường hô hấp (ho, viêm phế quản, viêm phổi) và sốt virus” – TS Dũng cho biết.

 Theo TS Dũng, nếu sốt do virus thì chỉ cần tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, uống nhiều nước và điều trị các triệu chứng như sốt thì cho giảm sốt, ho thì uống thuốc ho, tắc mũi thì nhỏ thuốc mũi… Sau 3-5 ngày trẻ sẽ tự khỏi. Việc điều trị bằng kháng sinh không những không đẩy lùi bệnh mà còn khiến trẻ mệt mỏi, bỏ ăn, bệnh lâu khỏi hơn.

38,5 độ mới cần giảm sốt

TS Dũng cho biết, nhiều cha mẹ cứ thấy con sốt là lo lắng, vội vã cho con uống thuốc giảm sốt. Hoặc thấy con sốt sình sịch liên tục thì tăng liều giảm sốt hoặc cho con uống thuốc giảm sốt liên tục.

Quan điểm
TS Nguyễn Tiến Dũng
  Đề phòng sốt virus bằng việc thường xuyên vệ sinh nhà cửa, mở cửa mỗi ngày để không khí lưu thông, ánh mặt trời diệt virus. Nên cho trẻ tiếp xúc với khí trời thoáng đãng, đồng thời tăng cường chất dinh dưỡng cho trẻ, uống nhiều nước hoa quả”. 

“Sốt là cơ chế cơ thể chống lại bệnh tật, vì thế vội vã cho con uống thuốc giảm sốt khiến bệnh không đỡ mà lại là “bệnh bé xé ra to”. Ngoài ra, quá liều giảm sốt có thể gây ngộ độc thuốc gây nhiễm độc gan, hôn mê, nguy hiểm đến tính mạng. Thực tế khoa cũng đã cấp cứu nhiều ca bệnh dạng này” – TS Dũng chia sẻ.

Theo ông Dũng, muốn kiểm tra nhiệt độ cơ thể con chính xác, các bậc cha mẹ cần cặp nhiệt độ vào nách chứ không nên cho con ngậm nhiệt kế hoặc đo nhiệt độ qua đường hậu môn. Khi đo nhiệt độ cơ thể con ở nách mà đạt 38,5 độ trở lên thì mới cho con uống thuốc giảm sốt. Liều giảm sốt là 10-15mg/1kg cân nặng. Khoảng cách giữa hai lần uống thuốc giảm sốt là từ 4-6 tiếng. Nếu con vẫn sốt cao có thể giảm sốt bằng cách cho con mặc quần áo mỏng, thấm mồ hôi, lau trán, nách, cơ thể cho trẻ bằng khăn nhúng nước ấm.

TS.BS Lê Thị Hồng Hạnh - Phó trưởng khoa Hô hấp (Bệnh viện Nhi T.Ư) cũng lưu ý, các trường hợp bệnh trở nặng như sốt cao liên tục trên 39 độ không hạ sau khi đã uống thuốc hạ sốt, mệt mỏi, lờ đờ, bỏ bú, thở nhanh, thở co rút ngực thì cần cho trẻ đi bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Linh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN