Tại sao phải tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ?

“Tiêm vắc-xin viêm gan B càng sớm hiệu quả càng cao, với mũi tiêm trong 24 giờ sau sinh có khả năng phòng được 85-90% nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con”, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khẳng định.

Theo ông Phu, tỉ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh năm 2014 chỉ đạt 55,4%. Trong đó, các cơ sở y tế ở tuyến huyện đạt tỷ lệ cao hơn tuyến tỉnh và trung ương. Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, tỉ lệ này càng đạt thấp, trong khi số trẻ được tiêm các mũi vắc-xin khác trong Chương trình tiêm chủng mở rộng lại khá cao…

Tại sao phải tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ? - 1

Tiêm vắc-xin viêm gan B càng sớm hiệu quả càng cao

PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết, tiêm vắc xin viêm gan B tốt nhất là trong 24 giờ đầu sau khi sinh, nếu không tiêm được thì cần tiêm sớm sau đó ngay khi có thể (tiêm trong vòng 7 ngày sau sinh). Vắc-xin viêm gan B có thể tiêm cùng 1 ngày với các vắc-xin khác mà không ảnh hưởng đến sự đáp ứng miễn dịch của vắc- xin.

Trường hợp người mẹ không mắc viêm gan B, trẻ vẫn cần phải được tiêm vắc-xin này vì trẻ có thể bị lây ngang trong quá trình chăm sóc nếu tiếp xúc với nguồn bệnh.

Vắc-xin phòng viêm gan B được thế giới ghi nhận an toàn và hiệu quả. Trong quá trình tiêm, có trường hợp phản ứng nhẹ sau khi tiêm như: cảm giác đau, đỏ hoặc sưng nhẹ tại chỗ tiêm (ở khoảng 15% người lớn, 5% trẻ em), sốt nhẹ (khoảng 1 - 6%).

Những phản ứng dị ứng cũng như biến chứng do vắc-xin này là rất hiếm như nổi ban, khó thở chiếm tỷ lệ khoảng 1/600.000 liều.

Vắc-xin viêm gan B đến nay là vắc-xin an toàn với trẻ, vì thế các mẹ không nên quá lo lắng mà hãy cho trẻ đi tiêm đúng lịch để phòng những nguy cơ nguy hiểm do bệnh viêm gan B gây ra.

(PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng  Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)

Theo ông Phu, vắc-xin viêm gan B là vắc-xin tái tổ hợp, bất hoạt, được điều chế từ huyết tương người lành mang kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B (HBsAg) không có triệu chứng lâm sàng, vì vậy không có khả năng gây ra độc lực.

“Vắc-xin này tuyệt đối an toàn, không gây ra những phản ứng phụ đáng kể song cũng có thể gây đau nhẹ tại chỗ tiêm, nhưng sẽ hết vài ngày sau khi tiêm”, PGS.TS. Trần  Đắc Phu thông tin.

Trong khi đó, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng, Cục Y tế dự phòng, cho biết, Việt Nam là 1 trong 9 nước tại Tây Thái Bình Dương được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách những nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan cao đáng báo động.

Tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B ở nước ta khá cao, chiếm khoảng 10-20% dân số. Việc điều trị người viêm gan cũng rất tốn kém. Các chuyên gia ước tính, trung bình người nhiễm vi rút viêm gan B phải tiêu tốn khoảng 60 - 200 triệu đồng tiền thuốc mỗi năm và thời gian điều trị kéo dài từ 1-2 năm.

Cũng theo TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỉ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B thấp là mối lo và cũng là vấn đề cần tiếp tục phải được ưu tiên khi mà mục tiêu giảm tỉ lệ mắc viêm gan B sơ sinh cho trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 1% vào năm 2017 của Chương trình tiêm chủng mở rộng đang đến gần.

Theo bà Hồng, sự sụt giảm tỉ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B sơ sinh rất đáng báo động. Cụ thể:  Nếu tiêm vắc-xin viêm gan B vào thời điểm 7 ngày sau khi sinh, khả năng phòng lây nhiễm từ mẹ sang con chỉ đạt 50-57%. WHO cũng khuyến cáo mọi trẻ em cần được tiêm phòng vắc-xin viêm gan B sơ sinh trong 24 giờ đầu sau sinh và đến nay đã có khoảng 100 quốc gia thực hiện lịch tiêm này.

“Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng về chất lượng vắc-xin mà hãy cho trẻ đi tiêm đúng lịch để bảo vệ thế hệ tương lai”, TS Dương Thị Hồng khuyến cáo.

Vì sức khỏe và tương lai của con bạn, hãy đưa trẻ đi tiêm đầy đủ các mũi vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế xã, phường.

Thông tin chi tiết, tham khảo thêm tại website: http://tiemchungmorong.vn/vi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tiêm chủng mở rộng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN