Tai biến mạch máu não sau khi tắm đêm

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là một trong những căn bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Căn bệnh đang ngày càng trẻ hoá và bất cứ ai cũng có thể bị.

Ngày càng nhiều người trẻ bị đột quỵ

Khoa Hồi sức - Cấp cứu, BV Bạch Mai vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân T.N.P 36 tuổi (Mỹ Đức, Hà Nội) được chuyển lên từ tuyến dưới, trong tình trạng hôn mê do chảy máu não (đột quỵ). 

Theo bệnh án, bệnh nhân có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh. Trước vào viện 3 ngày, bệnh nhân có cảm giác bồn chồn, đau đầu âm ỉ, tê bì tay phải. Tuy nhiên, bệnh nhân không lưu tâm, sau 4 ngày cảm giác tê bị tay phải tăng lên, xuất hiện nói ngọng.

Người thân đưa bệnh nhân đến BV huyện Mỹ Đức khám, lúc này ý thức đột ngột xấu đi nhanh chóng, bệnh nhân được câp cứu ngay lập tức (đặc ống nội khí quản và thở máy). Sau khi tình trạng ổn hơn, bệnh nhân được chuyển lên khoa cấp cứu BV Bạch Mai. Tại BV Bạch Mai, bệnh nhân nằm trong tình trạng hôn sâu, mạch 69 lần/phút; huyết áp 200/122mmHg… kết quả chụp cắt lớp vi tính so não cho thấy giãn não thất cấp, chảy máu nhu mô cạnh não thất phải và chảy ngập máu hệ thống não thất…

Bệnh nhân được mổ dẫn lưu não thất ra ngoài, cấp cứu ngay trong đêm để kiểm soát áp lực nội so và điều trị hồi sức bằng thở máy, an thần, truyền dịch. Sau đó, bệnh nhân được bác sĩ sử dụng biện pháp tiêu sợi huyết não thất, máu trong não thất được tiêu nhanh đáng kể, đặc biệt là não thất II, IV đã hết máu và tia thông trở lại. Hiện bệnh nhân vẫn đang tiếp tục được điều trị tại viện. 

Còn tại khoa Đột quỵ Bệnh viện 103, các bác sĩ ở đây cũng cấp cứu cho nhiều trường hợp bị đột quỵ còn rất trẻ tuổi, thậm chí có người còn chưa đến 30 tuổi.

Trường hợp của N. C. P trú tại Hà Đông, Hà Nội là điển hình. P có sức khoẻ bình thường. Thấy P. tắm lâu nên người nhà gọi cửa nhà vệ sinh. Không thấy phản ứng bên trong người nhà vào phá cửa thấy cô nằm trên sàn nhà tắm nên đưa P. vào viện. Khi đến viện, bác sĩ cho biết có thể do P. bị đột quỵ vì tắm quá khuya, người mệt.

Căn bệnh nguy hiểm

Bác sĩ Bùi Long – Trưởng khoa Can thiệp tim mạch Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô cho biết đột quỵ làm cho phần não được cấp máu bởi động mạch rơi vào tình trạng thiếu ôxy và tế bào não sẽ chết chỉ sau vài phút. Bệnh nhân có thể bị liệt, hôn mê thậm chí tử vong tùy thuộc vào diện não bị ảnh hưởng và mức độ trầm trọng của tổn thương. Vì vậy, nhận biết và xử lý kịp thời các dấu hiệu của đột quỵ vô cùng quan trọng.

Theo bác sĩ Long rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đột quỵ, trong đó nguyên nhân thường gặp nhất là do hình thành các mảng xơ vữa động mạch. Đây có thể là hậu quả bệnh rối loạn chuyển hoá lipit kéo dài, nghiện thuốc lá, ít vận động... Các mảng xơ mỡ bám ở thành mạch máu, ngày càng dày lên làm lòng mạch hẹp dần lại, gây cản trở dòng máu tạo điều kiện cho hình thành cục máu đông tại chỗ hoặc di chuyển làm tắc động mạch ở nơi khác. Bên cạnh đó, các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, căng thẳng trong công việc… cũng có thể là những yếu tố thúc đẩy đột quỵ não.

Triệu chứng, đột quỵ thường xảy ra đột ngột, với rất ít những triệu chứng báo trước. Những dấu hiệu cảnh báo thường xuất hiện như:

- Đột nhiên bị đau đầu dữ dội, choáng váng, kèm theo cứng cổ, nôn.

- Gặp khó khăn trong nói hoặc hiểu người khác nói gì, yếu đột ngột ở một phần cơ thể.

- Nhìn khó khăn: mắt mờ hoặc mù một bên hoặc nhìn thấy hình đôi.

- Tiểu tiện không tự chủ hoặc bí tiểu.

- Mất ý thức: người bệnh sững sờ, không biết gì, khó đánh thức hoặc hôn mê đột ngột, đôi khi tử vong ngay.

Các dấu hiệu này có thể chỉ thoáng qua, kéo dài trong vài phút rồi người bệnh lại trở lại trạng thái bình thường. Hiện tượng này được gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua. Thiếu máu não thoáng qua là những dấu hiệu báo trước đặc biệt quan trọng của đột quỵ và người bệnh cần được nhập viện ngay. 

Khi thấy ai đó có một trong các triệu chứng nêu trên cần nhanh chóng để người bệnh không bị ngã gây chấn thương. Đặt người bệnh nằm chỗ thoáng, nghiêng một bên nếu bị nôn, móc hết đờm nhớt cho bệnh nhân dễ thở.

Đối với người bị đột quỵ, nếu là đột quỵ tắc mạch não (chiếm đến 80% các loại đột quỵ) cần nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất. Đối với địa bàn miền núi, vùng sâu nếu không có điều kiện hãy di chuyển bệnh nhân bằng cáng, không nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện bằng xe máy, tránh xóc khi chuyển bệnh nhân. Trong 3 tiếng đầu thời gian là vàng, quyết định khả năng hồi phục hoàn toàn cho bệnh nhân nếu được điều trị thuốc tiêu cục máu đông.

Khi di chuyển bệnh nhân, nên để bệnh nhân trên mặt phẳng, nghiêng mặt sang một bên, nới bớt quần áo cho thoáng. Không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác, không để nằm chờ xem bệnh nhân có khỏe lại không. Nhiều người thường nhầm lẫn các dấu hiệu của đột quỵ với hiện tượng trúng gió, nên xoa dầu nóng, cạo gió, cắt lể hoặc cúng bái… Điều này là hoàn toàn sai lầm, có thể làm cho tình trạng bệnh trầm trọng thêm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Thúy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN