Sự thật về thuốc kích dục

Nhiều khả năng trong thuốc kích dục có chứa các chất hóa học có tên là alkyl, cantharidin, những chất này giúp làm tăng sự kích thích, sự hưng phấn nhưng không được dùng cho người.

Thuốc kích dục để xâm hại tình dục là gì?

Thực chất, thuốc kích dục là các chất hóa học nhằm làm làm tăng ham muốn tình dục của nam hoặc nữ. Sản phẩm có thể ở dạng nước, viên sủi, bột, kẹo cao su nhai, hấp thụ qua đường tiêu hóa hoặc ngửi. Loại thuốc này có thể bao gồm các chất độc hại, bị cấm buôn bán và sử dụng tại nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Canada, Anh …

Sự thật về thuốc kích dục - 1

Hiện chưa có loại thuốc nào được công nhận là thuốc kích dục trên thị trường. (Ảnh minh họa).

Mới đây, theo một bài báo, một số loại thuốc xâm hại tình dục có tên tân dược bị cấm gồm: Rohypnol, GHB,Progesterex. Rohypno là tên thương mại của nhóm hoạt chất flunitrazepam, là thuốc an thần mạnh, làm tê liệt hệ thần kinh trung ương, nếu bị lạm dụng thì nạn nhân mất khả năng chống cự về thể chất hay tình dục. Viên rohypnol màu trắng, một mặt có chữ Roche, dễ tan trong đồ uống và khó thể phát hiện được. Cách dùng thuốc thường gặp nhất ở giới trẻ là dùng rượu rồi kết hợp với bia để tăng thêm hiệu quả.

Khoảng 10 phút sau khi uống phải thuốc, người phụ nữ có thể cảm thấy chóng mặt, mất ý thức về định hướng; đồng thời cảm thấy quá nóng hay quá lạnh, sau đó bất tỉnh. Ảnh hưởng sâu nhất của thuốc xảy ra trong vòng 2 giờ nhưng tác dụng có thể kéo dài đến 8 giờ. Nạn nhân không nhớ nổi những gì đã xảy ra khi vẫn còn tác dụng của thuốc. Thuốc được sử dụng với rượu càng nguy hiểm. Người ta thường nhận thấy những người bị nhiễm cả rượu và thuốc thì “trí nhớ bị xóa sạch” kéo dài từ 8-24 giờ.

GHB (gamma hydroxybutyrate), được lạm dụng để tạo trạng thái lạc quan, giảm đau, an thần... Tên “lóng” của nó bao gồm: “ecstasy lỏng”, “cô gái lẳng lơ”, “soap”, “vita-G” và “georgia home boy”... Dần dần GHB bị những kẻ xấu dùng vào việc cưỡng bức tình dục (còn hơn cả Rohypnol trước đây). Chính vì thế, luật pháp Mỹ (liên bang lẫn tiểu bang) đã bắt buộc các cơ quan địa phương phải báo cáo sự xuất hiện của GHB.

Trên một số trang web rao vặt của Việt Nam, viên nén GHB với giá 1,2 triệu dùng được 2 lần, còn giá 2,5 triệu đồng, dùng được 5 tới 7 lần, để sử dụng người dùng phải lấy dao sắc cạo ra thành bột.

Progesterex được xem là loại thuốc mới, được cảnh báo mất khả năng sinh sản. Thuốc này cũng hay được dùng phối hợp với rohypnol để cho vào đồ uống, nạn nhân không còn nhớ gì đã xảy ra, lại không gây mang thai do đó không thể tìm ra thủ phạm. Có rất nhiều trường hợp, việc sử dụng Rohypnol, GHB hay Progesterex không những với mục đích tình dục, mà là để bắt cóc, cướp của hoặc giết người.

Việt Nam chưa nghiên cứu về thuốc kích dục?

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội), hiện nay chưa có nghiên cứu cụ thể nào về các thành phần có trong thuốc kích dục. Vì ở thế giới cũng như ở Việt Nam, thuốc kích dục chỉ là những sản phẩm bán trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc cụ thể.

Ông Thịnh cũng cho biết, đa số các loại thuốc kích dục thường không có màu, có mùi có vị nên rất khó để phát hiện và cảnh báo khi chúng được pha trộn vào trong nước uống và thức ăn. Tuy nhiên, dù là thuốc gì đi chăng nữa khi vào cơ thể chúng cũng cần có thời gian để ngấm dần nên các bạn gái có thể nhận biết qua một số biểu hiện của cơ thể như: Choáng váng, đau đầu, loạn nhịp tim, cơ thể nóng dần …

Về thành phần trong thuốc kích dục PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, do chưa có một nguyên cứu chuyên sâu về thành phần của các loại thuốc kích dục nên không thể nói chính xác được. Tuy nhiên, nhiều khả năng trong thuốc kích dục có chứa các chất hóa học có tên là alkyl, cantharidin, những chất này giúp làm tăng sự kích thích, sự hưng phấn … Tuy nhiên đây là chất con người không được phép sử dụng, những chất này thường được sử dụng để giúp động vật giao phối, sinh sản. Nếu con người dùng chỉ với một lượng nhỏ cũng có thể gây độc.

Bác sĩ Lê Vương Văn Vệ, Giám đốc bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, hiện nay các loại thuốc kích dục bán trên thị trường có tác dụng chủ yếu là nhờ đồn thổi, tự quảng cáo. Cũng có thuốc có tác dụng một phần nào đó trong việc kích thích ham muốn tình dục cho phụ nữ nhưng về cơ bản là không mang lại hiệu quả như những lời quảng cáo của người bán thuốc kích dục.

Kể cả trong đông y cũng không có loại thuốc nào có thể bào chế được ra các loại thuốc kích dục mà chỉ có những bài thuốc tăng thể chất để cải thiện sinh hoạt vợ chồng.

Tuy nhiên, khi bàn đến vấn đề này, cần phải hết sức lưu ý để tránh những sự hiểu lầm về thuốc kích dục và thuốc giúp cường dương ở nam giới. Cho tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thuốc nào được công nhận là thuốc kích dục, làm cho người phụ nữ hoàn toàn hứng thú trong hoạt động chăn gối.

Do ghi nhận ở người phụ nữ lưu lượng máu đến cơ quan sinh dục bị giảm có thể gây ảnh hưởng nên người ta đặt vấn đề nghiên cứu dùng thuốc như viagra làm tăng sự tưới máu cho cơ quan sinh dục nữ. Tuy nhiên, những nghiên cứu mới đây ở châu Âu đã cho thấy kết quả dùng thuốc ức chế PDE-5 quá khiêm tốn đến độ chưa được chấp thuận dùng cho phụ nữ giống như dùng cho nam giới. Như vậy, cho đến nay, đối với phụ nữ vẫn chưa có thuốc nào gọi là thuốc kích dục.

Theo quan điểm của ThS - BS Ngô Thị Yên, chuyên gia tư vấn tình dục cho biết, hiện nay chưa có một loại thuốc nào có thể kích thích ham muốn của phụ nữ trong thời gian ngắn. Bởi đặc trưng của cơ thể phụ nữ đòi hỏi phải được kích thích một cách cơ học vào các cơ quan sinh dục. Có cảm xúc thì người phụ nữ mới có thể gây hưng phấn được.

Như vậy, có thể khẳng định rằng tất cả những loại thuốc có tên gọi là thuốc kích dục dành cho cả nam và nữ đang được bày bán tràn lan trên mạng cũng như đang được bán trôi nổi trên thị trường đều là những loại thuốc chưa được kiểm nghiệm, chưa được các cơ quan chức năng cấp giấy phép lưu hành. Vì thế, dù mua và sử dụng với bất kỳ mục đích gì người mua và người sử dụng cũng phải hết sức cân nhắc để bảo vệ sức khỏe của bản thân. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan quản lý đẩy mạnh công tác kiểm tra nhằm chấm dứt tình trạng bán những loại thuốc có hại cho sức khỏe ra thị trường.

Trong khoản 5 Điều 9 Nghị định 93/2011/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về thuốc, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế như sau:

Phạt tiền từ trên 15 triệu đồng đến gấp đôi giá trị của toàn bộ số thuốc thu được theo giá bán của cơ sở kinh doanh nhưng không quá 40 triệu đồng đối với hành vi buôn bán thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc nhập lậu, thuốc không được phép lưu hành trên thị trường. Ngoài ra còn có hình thức phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ thuốc, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc trong thời hạn từ sáu tháng đến 12 tháng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Phương (Kiến thức)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN