Sợ thực phẩm bẩn nhưng người tiêu dùng vẫn thờ ơ với đồ sạch

Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã bắt tay cung ứng thực phẩm sạch ra thị trường, nhưng sản lượng tiêu thụ vẫn còn hạn chế.

Khảo sát tại nhiều cửa hàng bán thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội, tình trạng mua bán diễn ra khá ảm đạm. Các chủ cửa hàng cho biết, do bận rộn nên các bà nội trợ thường tranh thủ đi chợ truyền thống mua đồ vào buổi sáng hoặc chiều đi làm về.

Mặc dù nhiều cửa hàng bán thực phẩm sạch đã có dịch vụ đặt hàng online và giao hàng tận nơi nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng sẵn sàng sử dụng do ngại “tay xách nách mang” ở chốn công sở.

Từ hơn 1 năm nay Hà Nội đã thực hiện chuỗi cung ứng thịt, rau an toàn cho người dân thủ đô. Đến nay chương trình đã có sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp cung cấp khoảng 1.800 mặt hàng nông sản, thực phẩm sạch, bán tại 142 điểm.

Tiêu biểu như chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn, cung cấp cho thị trường trên 0,33 tấn/ngày; chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ thịt lợn sinh học Liên Việt (Phúc Thọ); chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch 3F, mỗi ngày cung cấp và tiêu thụ đạt 2,74 tấn thịt lợn; 2,05 tấn thịt gà và 100.000 quả trứng gà...

Các sản phẩm này đều được các cơ quan chức năng chứng nhận và đóng dấu an toàn. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn còn mơ hồ, thậm chí không biết hoặc không hiểu thế nào là an toàn theo chuỗi.

Lý giải về việc không mua đồ ở các cửa hàng thực phẩm sạch theo chuỗi, chị Trần Thu Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng ngoài lý do giá cả cao hơn ngoài chợ, thì thời gian gần đây ở nhiều siêu thị lớn vẫn phát hiện ra những mặt hàng thực phẩm bẩn trôi nổi nào nên chị vẫn chưa tin chắc được rằng đây là thực phẩm an toàn 100%.

Sợ thực phẩm bẩn nhưng người tiêu dùng vẫn thờ ơ với đồ sạch - 1

Thịt cấp đông sâu ở nhiệt độ -24 độ C đảm bảo độ tươi ngon và có thời hạn sử dụng tối đa 6 tháng

Thiếu những kiến thức khoa học về thực phẩm tươi sạch cũng là nguyên nhân khiến nhiều người tiêu dùng chưa sẵn sàng mua hàng của các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm theo đúng quy trình chuẩn. Đơn cử như quan điểm về thịt cấp đông.

Theo các chuyên gia, động vật ngay sau khi được giết mổ sẽ được đưa vào nhà mát (nhiệt độ từ 0-4 độ C) khoảng từ 8 đến 12 tiếng. Điều này sẽ giúp độ PH của miếng thịt giảm từ 7,5 về mức 5,5 độ để cơ thể người hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất. Sau đó thịt mới được pha lóc, đóng thành khay hoặc gói thành phẩm đưa vào cấp đông sâu ở -24 C.

Thịt cấp đông sâu ở nhiệt độ -24 độ C sẽ có thời hạn sử dụng tối đa là 6 tháng. Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội khẳng định, “thịt tươi là thịt cấp đông và thịt mát. Còn thịt ôi là thịt nóng được giết mổ và bán không qua quy trình nào cả, sản phẩm lộ thiên không bao gói, không thiết bị bảo quản”.

Tuy nhiên, phần lớn người Việt vẫn chưa quen với định nghĩa khoa học về thịt cấp đông. Họ vẫn giữ quan điểm thịt bày bán ở chợ phải nóng hổi mới được gọi là tươi nhưng trên thực tế những sản phẩm đó lại không đạt điều kiện đảm bảo cho sức khỏe. Hầu hết các lò mổ hiện nay đều giết mổ ngay trên nền nhà, sử dụng nước giếng khoan thô không qua gạn lọc đã khiến thịt lợn đưa ra thị trường không sạch.

Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng tràn lan thức ăn kích thích tăng trưởng, thuốc kháng sinh khiến thịt lợn có lượng kháng sinh và hóa chất tồn dư cao. Ngoài ra, thịt được bày bán ở ngoài trời sẽ tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh, nhất là trong những ngày hè nóng bức…

Một thực tế đáng buồn là vẫn còn nhiều người Việt giữ thói quen dễ dãi trong tiêu dùng. Tại một số chợ đầu mối, nhiều người khi được hỏi về việc tại sao lại lựa chọn những thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ đều có chung một ý trả lời: “Tiện thì mua và ăn vào chưa chết ngay đâu mà lo”. Người viết đã từng chứng kiến nhiều bà nội trợ sẵn sàng dành cả tiếng đồng hồ ở cơ quan để tìm lướt net tìm mua một chiếc váy đẹp nhưng lại ngại xem hết một clip 5 phút giới thiệu về thực phẩm sạch với lý do “dài quá, mất thời gian”.

Để thay đổi thói quen của người tiêu dùng, hiện chính quyền và các doanh nghiệp hiện đang nỗ lực thực hiện các biện pháp tuyên truyền. Nhưng thiết nghĩ, nếu bản thân người tiêu dùng không thay đổi tư duy, cách nhìn và cách tiếp cận về thực phẩm sạch thì nguồn thực phẩm bẩn vẫn sẽ tiếp tục mở rộng và gây nhiều nguy hại đến cuộc sống của chúng ta.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Gia đình & Xã hội
An toàn thực phẩm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN