Sau khi hiến thận, cuộc sống người đàn ông thay đổi thế nào?

"Sau hiến thận, sức khỏe của tôi hoàn toàn bình thường. Sau ngày đó, vợ chồng tôi đã có 2 cháu gái xinh xắn và ngoan ngoãn", anh Nguyễn Văn Viết Lữ người hiến thận, chia sẻ.

7 năm có 12 người hiến tạng

Theo thống kê của các bệnh viện đầu ngành về ghép tạng, đối với bệnh nhân suy thận, cả nước có hơn chục nghìn người chờ nhận thận nhưng từ năm 1992 đến nay, các Trung tâm ghép tạng của nước ta ghép được khoảng 1.000 ca ghép thận. Như vậy, 1.000 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối được trở về với cuộc sống - một con số vô cùng ít ỏi so với nhu cầu thực tế. 

Kết quả sau ghép thận rất tốt đẹp, bệnh nhân được cứu sống với thời gian sống kéo dài, chi phí thuốc men rẻ hơn nhiều lần so với chạy thận. Kể từ đây, họ rời xa giường bệnh, máy móc, mệt mỏi, thất vọng để trở về cuộc sống bình thường, có thể lao động mang lại giá trị xã hội rất có ý nghĩa.

Có mặt tại buổi giao lưu Tôn vinh người hiến tạng, anh Nguyễn Văn Viết Lữ - người hiến thận cho ca ghép thận đầu tiên ở Bệnh viện TW Huế, kể lại: Thật sự khi hiến thận tôi cũng rất lo lắng cho sức khỏe của mình sau này. Lúc đó, vợ chồng tôi chưa có con nên suy nghĩ nhiều lắm. 

Nhưng sau khi các bác sĩ tư vấn và giải thích cặn kẽ, tôi chấp nhận hiến thận. Và kể từ đó đến nay, sức khỏe của tôi hoàn toàn bình thường. Sau ngày hiến thận, vợ chồng tôi đã có 2 cháu gái xinh xắn và ngoan ngoãn.

Sau khi hiến thận, cuộc sống người đàn ông thay đổi thế nào? - 1

Một ca phẫu thuật hiến tạng tại Bệnh viện Việt Đức.

Còn anh Võ Văn Anh, với chất giọng miền Trung ồm ồm của người đi biển, chia sẻ: "Tôi hiến thận cho bà cô họ mới từ đầu năm, hiện nay hoàn toàn khỏe mạnh. Sau khi hiến thận, tôi vẫn theo bạn đi biển bình thường, ra khơi xa và chưa cần đến sự giúp đỡ của y tế". Anh Anh hi vọng rằng ngày càng có nhiều người tham gia hiến tạng cho người bệnh có cơ hội được cứu sống.

GS.TS. Bùi Đức Phú - AHLĐ, Giám đốc Bệnh viện TW Huế cho biết, kỹ thuật lọc máu bằng máy thận nhân tạo được bệnh viện triển khai từ những năm 80 của thế kỷ trước và trên nền tảng này đã thôi thúc đội ngũ thầy thuốc của BV chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến tới ghép thận như tiến hành mổ thực nghiệm trên chó, sắp xếp hệ thống phòng mổ và hồi sức, chuẩn bị nhân lực chủ yếu từ nguồn nhân lực phẫu thuật tim hở vừa mới được triển khai trước đó. 

Sau khi được Hội đồng ghép tạng Quốc gia thẩm định và cho phép, ngày 31/7/2001 được ghi vào lịch sử của BV là ngày thực hiện ca ghép thận đầu tiên.

Thiếu nguồn cung, cò mồi tung hoành

Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ra đời từ năm 2007 nhưng sau nhiều năm chỉ có 12 người chết hiến tạng. Người bệnh thì mòn mỏi suy kiệt lấy bệnh viện làm nhà, thầy thuốc thì sẵn sàng cứu chữa nhưng bất lực vì không có nguồn tạng hiến, sự chênh lệch quá lớn về cung - cầu là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cò mồi mua bán tạng xuất hiện trong xã hội khá phổ biến trên thế giới cũng như ở nước ta.

Nguồn tạng từ người cho chết não là hết sức phong phú nhưng do nhiều vấn đề, quan niệm về tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng nên chưa được cộng đồng thông hiểu. Nếu vận động được thân nhân của những người chết não hiến tạng thì sẽ có nguồn tạng quý giá cứu sống cho nhiều người đang mắc những bệnh nan y.

Đau đáu về nguồn hiến tạng, GS.TS. Bùi Đức Phú cho biết thêm, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ra đời từ năm 2007 nhưng sau nhiều năm chỉ có 12 người chết hiến tạng. 

Người bệnh thì mòn mỏi suy kiệt lấy BV làm nhà, thầy thuốc thì sẵn sàng cứu chữa nhưng bất lực vì không có nguồn tạng hiến. Sự chênh lệch quá lớn về cung - cầu là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cò mồi mua bán tạng xuất hiện trong xã hội khá phổ biến trên thế giới cũng như ở nước ta. 

Nguồn tạng từ người cho chết não là hết sức phong phú nhưng do nhiều vấn đề, quan niệm về tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng nên chưa được cộng đồng thông hiểu. Nếu vận động được thân nhân của những người chết não hiến tạng thì sẽ có nguồn tạng quý giá cứu sống cho nhiều người đang mắc những bệnh nan y.

PGS.TS. Trịnh Hồng Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết một người chết do chấn thương sọ não vì tai nạn giao thông có thể cứu sống được 7 người bệnh với thận, gan, tim, phổi và tụy tạng của mình. 

Nhưng thật không dễ dàng nói lời đề nghị hiến tạng, nhất là vào những lúc gia đình người xấu số đang đau buồn nhất, đặc biệt đối với các trường hợp tai nạn giao thông. Hiện nay, với vai trò là điều phối, Trung tâm đang cố gắng nỗ lực xây dựng danh sách những người sẵn sàng hiến đồng thời nỗ lực cùng với giới truyền thông để tuyên truyền cho người dân về ý nghĩa nhân văn của hiến tạng, đặc biệt là đối với những người chết não.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Ngọc (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN